Site icon Thời báo Việt Đức

EU mở rộng trừng phạt Nga thêm 6 tháng: Trò dọa dai?

Liên minh châu Âu tiếp tục mở rộng lệnh trừng phạt với Nga thêm 6 tháng tuy nhiên Nga không hề tỏ ra run sợ.

EU gia tăng trừng phạt Nga đến tháng 3/2018

Ngày 14/9 hãng thông tấn TASS đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định kéo dài thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt nhằm vào công dân và các công ty của Nga vốn sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/9.

Tuyên bố trên được Hội đồng EU tuyên bố tại Brussels (Bỉ) vào ngày 14/9.

“Vào ngày 14/9, Hội đồng EU đã kéo dài các biện pháp hạn chế đối với các hành động làm suy yếu hoặc đe doạ tính toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine trong 6 tháng tới, cho đến ngày 15/3/2018. Các biện pháp bao gồm việc đóng băng tài sản và cấm vận du lịch”, TASS dẫn nguồn tin thông báo.

Theo bản tuyên bố, các biện pháp hạn chế hiện áp dụng cho 149 người dân và 38 tổ chức.

Trước đó, nội dung trên đã được thông qua sơ bộ tại cuộc họp của các phái viên đến từ các nước thành viên EU vào ngày 6/9.

Dù có một số quốc gia trực thuộc Liên minh Châu Âu phản đối việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt chống Nga, tuy nhiên, EU vẫn tiếp tục duy trì nhiều chế tài đối với chính quyền Tổng thống Putin.

Đây không phải là lần đầu tiên EU đưa ra thêm các biện pháp cấm vận mới nhằm vào Nga sau những khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine.

Hồi tháng vừa qua, EU đã quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào 3 công dân Nga, trong đó có Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Andrei Cherezov và quan chức thuộc bộ này Evgeny Grabchak, cùng 3 công ty Nga liên quan đến vụ việc trên. Trong số 3 công ty bị liệt vào danh sách trừng phạt có 2 công ty của Siemens thực hiện hợp đồng thầu đưa các tuốc-bin khí tới Crimea.

EU cáo buộc quan chức Nga liên quan đến việc đưa các tuốc-bin khí của Tập đoàn Siemens đến Bán đảo Crimea đã sáp nhập trở lại Nga, khu vực vốn đang chịu các lệnh trừng phạt của EU.

Nga không ngán

Dù Liên minh châu Âu liên tiếp đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các công dân Nga và tổ chức của nước này nhưng dường như EU vẫn tỏ ra bất lực trước điện Kremlin.

Thực tế nền kinh tế của Nga vẫn đứng vững và có những bước tăng trưởng ấn tượng dù chịu nhiều áp lực vây quanh.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn tài chính Moskva lần thứ 2 hôm 8/9, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho hay, Nga đã đặt ra mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao, thậm chí tốc độ tăng trưởng cao hơn nền kinh tế toàn cầu.

“Nhiệm vụ là đạt được tốc độ tăng trưởng không chỉ tương đương với mức trung bình của thế giới mà còn vượt quá tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Chúng tôi có cơ chế để đạt được mục đích này”, ông Putin khẳng định.

Thủ tướng Nga cho rằng một trong yếu tố để đạt được mục tiêu trên là phải giữ lạm phát ở mức thấp nhất cũng như duy trì mức giảm thâm hụt ngân sách vừa phải.

Trước đó,  trong buổi trả lời trực tuyến người dân toàn Liên bang Nga hôm 15/6, Tổng thống Putin cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1/2017 đến tháng 4/2017, GDP của Nga duy trì nhịp độ tăng trưởng  0,7%.  Ông Putin thừa nhận, mặc dù nền kinh tế Nga vẫn phát triển ở mức khiêm tốn nhưng GDP của nước này tăng trong 3 quý liên tiếp vừa qua.

“Điều gì cho phép chúng ta nói rằng sự quy thoái của nền kinh tế Nga đã chấm dứt? Trước tiên, và cũng là điều quan trọng nhất khi chúng ta đã có 3 quý liên tiếp kinh tế tăng trưởng, tuy còn rất khiêm tốn nhưng vẫn tăng trưởng qua từng quý”, ông Putin nhấn mạnh.

Không chỉ khắc phục những khó khăn trước đòn trừng phạt từ EU, Nga còn triển khai nhiều biện pháp cứng rắn đáp trả lại Liên minh châu Âu.

Trong một tuyên bố được đưa ra hồi tháng 6 năm nay, Thủ tướng Medvedev khẳng định rằng, chính phủ Nga sẽ đề xuất kéo dài các lệnh trừng phạt EU cho đến ngày 31/12/2018.

“Trong tình hình này, chúng tôi sẽ phản ứng thích đáng. Hôm qua, chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống. Chính phủ sẽ đề xuất với Tổng thống rằng các biện pháp trả đũa cần được kéo dài thêm 1 năm nữa cho đến ngày 31/12/2018”, ông Medvedev nhấn mạnh.

Tổng thống Putin cũng xác nhận Moskva đã thống nhất kéo dài lệnh trừng phạt trả đũa các quốc gia khác cho đến ngày 31/12.

“Chúng ta sẽ chứng kiến các mối quan hệ của chúng ta phát triển như thế nào với các quốc gia vốn đã áp đặt lệnh trừng phạt lên chúng ta”, ông Putin nhấn mạnh.

Ông chủ điện Kremlin khẳng định, nếu các đối tác dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế thì Moskva sẵn sàng thực hiện bước đi tương tự.

“Nếu không, chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề theo Tổ chức Thương mại Thế giới”, ông Putin nhấn mạnh thêm.

Rõ ràng, việc kéo dài lệnh trừng phạt nhắm vào doanh nghiệp và một số tổ chức, cá nhân Nga của EU không thể hiện nhiều tác dụng. Hay nói cách khác, những động thái mới chỉ như những trò dọa dẫm dai dẳng mà thôi.

Theo Hoàng Sơn / baodatviet.vn

Exit mobile version