Site icon Thời báo Việt Đức

EU tính phát hành “trái phiếu corona” nhằm cứu các nền kinh tế

Ảnh minh họa: pixabay.com

EU cần nhanh chóng phát hành một trái phiếu đặc biệt hoặc lập một quỹ bảo đảm để tài trợ cho các chi phí y tế và cứu nguy nền kinh tế thành viên EU.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 20/3 tuyên bố khối này có thể tính đến việc phát hành một trái phiếu đặc biệt nhằm gây quỹ trợ giúp các nền kinh tế thành viên.

Thông tin về việc EU có thể phát hành một loại trái phiếu đặc biệt, với tên gọi ban đầu là “trái phiếu corona” được Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đưa ra khi trả lời phỏng vấn một đài phát thanh Đức trong ngày 20/3.

Trên thực tế, ý tưởng này xuất phát từ đề xuất cách đây vài ngày của Thủ tướng Italy, Giuseppe Conte, theo đó EU cần nhanh chóng phát hành một trái phiếu đặc biệt hoặc lập một quỹ bảo đảm để tài trợ cho các chi phí y tế và cứu nguy nền kinh tế thành viên EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel khi đó tuyên bố sẽ thảo luận nghiêm túc về đề xuất này.

Việc bà Ursula von der Leyen nêu lại ý tưởng này cho thấy nhiều khả năng các nước châu Âu đã đạt được sự đồng thuận. Uỷ viên châu Âu phụ trách kinh tế, ông Paolo Gentiloni ngày 20/3 cho rằng Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), vốn được lập ra để cứu trợ các nước trong khủng hoảng nợ công, có thể sẽ đảm nhiệm việc phát hành trái phiếu này.

Cho đến nay, EU đã công bố một khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 37 tỷ euro nhằm giúp các nước thành viên đối phó với đại dịch Covid-19. Ngân hàng trung ương châu Âu cũng công bố gói tín dụng và hỗ trợ tài chính lên tới 750 tỷ euro.

Đặc biệt, trong ngày 20/3, lần đầu tiên Uỷ ban châu Âu thông tin cho biết sẽ tạm ngưng các nguyên tắc về kỷ luật ngân sách của khối, tức cho phép các nước thành viên chi tiêu công tuỳ theo nhu cầu của từng nước để ngăn chặn đại dịch Covid-19 và cứu vãn nền kinh tế.

Trong tuần qua, các nước EU đều đã công bố các gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử, như Đức dự chi đến 550 tỷ euro hay Pháp hơn 300 tỷ euro./.

Theo Quang Dũng / vov.vn

Exit mobile version