Site icon Thời báo Việt Đức

EU và cuộc chiến khí đốt

Ảnh minh họa: pixabay.com

Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường khí đốt béo bở khi 75% lượng khí đốt cho khối được nhập khẩu. Do vậy, nhiều “mặt trận” tranh giành quyền cung cấp và trung chuyển khí đốt đang diễn ra gay gắt, dẫn đến quan hệ giữa các bên liên quan trở nên căng thẳng.

Nord Stream 2: Bất hòa Mỹ – Đức

Dự án Nord Stream 2 gây tranh cãi từ nhiều năm qua. Công trình đường ống dẫn khí dài 1.200km, lớn nhất tại châu Âu, xuyên biển Baltic, nối liền Nga với EU là tâm điểm bất hòa giữa Mỹ và Đức. Nội bộ EU cũng vì thế bị chia rẽ. Nếu như với Đức, dự án này mang tính sống còn cho quá trình chuyển đổi năng lượng khi quyết định từ bỏ hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011, thì Mỹ cùng nhiều nước như Ba Lan và Ukraine (quốc gia châu Âu không là thành viên của EU) cáo buộc Nord Stream 2 là “công cụ chính trị, gây ảnh hưởng” của Nga. Washington còn mạnh tay hơn khi ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào các thực thể tham gia dự án.

Câu hỏi đặt ra là Mỹ có thật sự quan tâm đến an ninh năng lượng của Đức? Nhà kinh tế học về năng lượng Laurent Horvath cho rằng, ẩn sau yếu tố chính trị còn là vấn đề kinh tế. “Đầu tiên, đó là vấn đề mang tính chiến lược, Washington muốn nắm giữ châu Âu. Thứ hai, giá khí đốt bán tại Mỹ rẻ hơn tại châu Âu và châu Á, nên Mỹ sẽ được lợi rất nhiều khi bán khí đốt cho châu Âu và châu Á. Đây sẽ là một nguồn thu đáng kể”, ông Horvath nói.

Mỹ hiện trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt hàng đầu nhờ vào khai thác khí đá phiến. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tập đoàn Dầu khí BP, năm 2019, trong tổng số 106,9 tỷ m3 khí ga hóa lỏng (GNL) nhập khẩu vào châu Âu, Mỹ chỉ đứng hàng thứ 3 (17,1 tỷ m3), sau Qatar (29,7 tỷ m3) và Nga (20,5 tỷ m3). Vì vậy, những gì Washington đang làm hiện nay đối với Berlin là nhằm tìm cách xuất khẩu khí đá phiến sang châu Âu. Đây còn là cuộc chiến giá cả giữa GNL của Mỹ và khí đốt bán từ Nga.

Không chỉ Mỹ, nhiều nước như Ba Lan và Ukraine cũng kịch liệt phản đối Nord Stream 2 do lo ngại bị tước mất nguồn thu tài chính quan trọng, có được từ quyền trung chuyển và cung cấp khí đốt cho những nước khác. Đối với những nước này, Nord Stream 2 chỉ có lợi cho Đức. Nhà kinh tế Horvath cũng cho rằng Đức khó có thể bỏ dự án Nord Stream 2 bởi họ là quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất tại châu Âu. Các số liệu thống kê của BP đưa ra cho thấy, năm 2019, Đức tiêu thụ đến 109,6 tỷ m3 và hơn nửa số lượng này đến từ Nga.

“Cuộc chiến” Nord Stream 2 bao giờ sẽ kết thúc khi dự án đã hoàn tất đến 95%? Giới quan sát cho rằng câu trả lời đang nằm phía Đức. Mọi cặp mắt đang đổ dồn vào cuộc bầu cử lập pháp sắp tới ở nước này. Hướng đi cho Nord Stream 2 sẽ là một bài toán hóc búa cho chính quyền Berlin tương lai.

Nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ

Vụ Nord Stream 2 ầm ĩ đến mức che mờ một cuộc đọ sức khác không kém phần gay gắt ở sườn Đông và Nam châu Âu. Sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ làm nảy sinh nhiều xung đột giữa nước này với các thành viên EU.

Do nhu cầu khí đốt cao, châu Âu là khu vực có mạng lưới đường ống dẫn khí khá dày đặc. Những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho xây lắp nhiều đường ống dẫn khí trung chuyển qua nước này, nhằm cạnh tranh với các đường ống dẫn khí do châu Âu lắp đặt, như hệ thống ống dẫn TANAP xuyên Thổ Nhĩ Kỳ. Mới nhất là hệ thống ống dẫn TurkStream nối dài với vùng Balkan để vận chuyển khí đốt từ Nga đến vùng này và các nước Trung Âu. Đường ống này được khánh thành trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Với những đường ống dẫn khí mới này, vị thế địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được củng cố, đến mức có thể khóa vòi cung cấp khí đốt cho châu Âu. Giới quan sát cho rằng, dẫn tới kết cục này là do những tính toán chiến lược sai lầm từ EU. Bởi vài năm trước, Nga vì muốn tránh Ukraine đã đề nghị dẫn khí đi qua những nước phía Nam Ukraine nhưng châu Âu không chấp nhận. Do đó, Nga đã xoay sang phương án nối ống dẫn khí từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, rồi để châu Âu tự xoay xở ráp nối với Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, để có được nguồn khí đốt, EU phải xin phép ông Erdogan.

Tuy nhiên, tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ không dừng ở đó. Bất chấp các phản đối từ EU và việc vi phạm ranh giới lãnh hải, Thổ Nhĩ Kỳ, trong suốt mùa hè 2020, đã tiến hành một chiến dịch thăm dò dầu khí ngoài khơi biển Aegea. Khu vực này cũng là nơi đang có những tranh chấp lãnh hải và chia sẻ giếng dầu được phát hiện gần đây tại phía Đông Địa Trung Hải giữa 6 tác nhân: Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Cyprus, Lebanon, Israel, Ai Cập. Các cuộc va chạm tàu chiến giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ suốt mùa hè 2020 làm dấy lên nỗi lo điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Tranh chấp còn mở rộng khi Tổng thống Erdogan can dự quân sự vào Libya. Ông Erdogan đã có được quyền khai thác dầu khí ngoài khơi Libya khi đề nghị hậu thuẫn chính quyền Tripoli.

Để chống lại mầm mống bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ, một liên minh dầu khí mới được hình thành gồm Cyprus, Hy Lạp, Israel và khởi động một dự án đường ống dẫn khí dài 2.000km có tên gọi East Med (Đông Địa Trung Hải). Rất nhiều ý kiến quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành tâm điểm trên bàn cờ khí đốt, cũng như việc nước này cho thăm dò dầu khí trong khu vực Đông Địa Trung Hải có thể nhen nhúm những xung đột.

Thế mạnh này của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được củng cố khi một hành lang đường ống dẫn khí mới đang được phát triển, đi từ vùng biển Caspi như các nước Turmekistan, Azerbaijan, những tác nhân khai thác khí ga mới. Và trong dự án này, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa trở thành điểm trung chuyển. Mạng lưới ống dẫn khí tại châu Âu vì thế càng thêm dày đặc. Cuộc cạnh tranh giành thị phần khí đốt còn sôi động hơn khi ngày 1-1-2021 đánh dấu việc một tàu hàng chở GNL của Mỹ cập cảng Krk của Croatia. Nguồn khí này không chỉ dành cho Croatia mà còn cung cấp cho Hungary, Ukraine và nhiều nước khác.

Với sự xuất hiện của nhiều tác nhân mới, thế độc quyền cung cấp khí đốt cho châu Âu của Nga ít nhiều bị lung lay. Khí đốt của Nga giờ bị cạnh tranh bởi Mỹ cũng như Azerbaijan, những nước đang gặm nhấm dần các thị trường mà Nga có được từ lâu. Nord Stream 2 và TurkStream, 2 dự án chiến lược của Nga, được cho là cơ may cuối cùng để Nga “cắm rễ” châu Âu.

Nhật báo Jutarnji List của Croatia khẳng định năm 2021 sẽ mang đậm dấu ấn của “cuộc chiến khí đốt” giữa những nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường châu Âu.

Theo Minh Châu / sggp.org.vn

Exit mobile version