Site icon Thời báo Việt Đức

Giá thuê nhà sinh viên tăng vọt

Ảnh minh họa: Trần Chất

TBVĐ- Một nghiên cứu mới nhất cho thấy giá cả nhà ở Đức có sự gia tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt nhà ở đối với sinh viên.

Theo tờ The Local.de, căn hộ ở các thành phố đại học của Đức ngày càng trở nên đắt đỏ. Kể từ năm 2010, giá đã tăng từ 9,8% (Griefswald) đến 67,3% (Berlin) theo công bố hôm 8-10 của Viện Kinh tế Đức tại Cologne. Riêng trong năm qua, giá thuê đã tăng 2,2% ở Griefswald và 9,8% ở Berlin.

“Các căn hộ cần phải xây dựng thêm, nhưng việc này thì chẳng thể ngăn chặn sự tăng giá nhanh chóng của các thành phố lớn”, giám đốc nghiên cứu Michael Voigtländer của Viện Kinh tế cho biết.

Các sinh viên ở Munich trả tiền thuê nhiều nhất, trung bình là 600€/tháng. Tiếp theo là Frankfurt am Main với mức 488€/tháng. Các căn hộ với giá cả phải chăng nhất nằm ở thành phố Magdeburg phía đông Đức, có mức giá 200€/ tháng.

Các thành phố đại học có giá thuê tốt nhất, nơi sinh viên có thể tìm ra chỗ ở dưới 300€/tháng, chính là Leipzig, Jena, Greifswald, Kiel, Göttingen và Aachen.

Dựa vào bản đồ tương tác về giá thuê nhà ở Đức, nghiên cứu trên chỉ ra được giá cả thực tế của những căn hộ từ 20 đến 40 mét vuông tùy theo chúng có được trang bị nội thất hay không, và khoảng cách của chúng tới một trường đại học nào đó là bao xa.

Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu từ trang web Immobilienscout24 và Wg-suche.de. Viện Kinh tế muốn điều tra về những quảng cáo mà sinh viên tìm thấy được dựa trên các dịch vụ trực tuyến khi họ vừa chuyển đến thành phố mới và chưa tìm được phòng thuê nào. “Số lượng danh sách này tuy có giảm gần đây, nhưng vẫn ở mức độ cao”, ông Voigtländer cho biết.

Theo Viện Kinh tế, có hai lý do cho hiện tượng tăng giá nhanh chóng: một là nhu cầu cao về nhà ở tại các thành phố lớn, hai là sự cải tiến ngày càng tiện nghi của đồ đạc trong các căn hộ. Mặt khác, chất lượng của các tòa nhà mới được nâng cao hơn so với quá khứ, ông Voigtländer khẳng định.

Theo nghiên cứu mới nhất của Deutsches Studentenwerk (Hiệp hội Sinh viên Đức), sinh viên có khoảng 918€ để tùy ý sử dụng trong một tháng. Trong năm 2012, mức chi tiêu trung bình này là 842€, do vậy thu nhập chỉ tăng thêm khoảng 9%.

Tùy thuộc vào vị trí của trường đại học, sinh viên sẽ chi từ một đến hai phần ba ngân sách hàng tháng của họ cho tiền thuê nhà.

Trong khi đó, số lượng sinh viên ở Berlin, khu vực Ruhr, Munich, Cologne và Hamburg đã tăng mạnh. Trong học kỳ mùa đông 2010-2011; 2,22 triệu người đã theo học các trường đại học tại khu vực nói trên, và tăng lên thành 2,84 triệu người trong học kỳ mùa đông 2016-2017.

Vì lý do này, sinh viên học kỳ đầu tiên đang ngày càng cân nhắc xem họ có muốn học ở các thành phố có ít sinh viên hơn hay không, ông Voigtländer nói. Đối với các khu vực xung quanh Jena, Thượng Franconia hoặc Nam Westphalia, các chuyên gia nhìn thấy cơ hội phát triển lớn, vì các vùng này có nhu cầu đáng kể đối với công nhân lành nghề trong khi giá thuê nhà thì lại thấp, theo nghiên cứu khẳng định.

Những đối tượng hưởng lợi từ giá thuê nhà thấp, ngoài sinh viên, còn có người mới tốt nghiệp đại học có mong muốn được ở lại làm việc tại địa phương và cả dòng người nhập cư không ngừng đổ về.

Các trường đại học cũng là những lợi thế cạnh tranh bảo đảm cho các công ty địa phương. Tuy nhiên, theo nghiên cứu thì có sự khác biệt rõ ràng giữa các khu vực: không phải tất cả các địa điểm có các trường đại học đều phát triển. Ở các thành phố Đông Đức như Jena, Magdeburg và Greifswald, sinh viên thậm chí còn trở nên ít hơn so với 7 năm trước.

Phú Quốc

Exit mobile version