TBVĐ- Trong nhiều năm qua, người Đông Nam Á đạt thành quả cao trong hệ thống giáo dục của Đức. Chưa có giải mã thỏa đáng nào cho hiện tượng này.
Phảng phất hương Việt
Vào các gia đình Việt, người nước khác có thể nhận ra một điều gì đó phảng phất hương Việt. Trong nhà có mùi gạo, rau thơm, nước mắm… Phòng khách thường không thể thiếu bộ sa lông, ti vi màn hình phẳng lớn. Ở khoảng ngang chiều cao đầu, trên tường một miếng gỗ thay thế bàn thờ tổ tiên khói nhang nghi ngút. Hai tủ kính chứa đầy rượu, phía trên trưng bày điêu khắc gỗ và đá chạm.
Điển hình một gia đình như vậy, có thể tìm thấy hầu hết trong số trên 100.000 người Việt hoặc gốc Việt ở Đức, như gia đình ông bà Lê, được một báo Đức phỏng vấn trực tiếp. Người cha trước kia sang Tiệp hành nghề cơ khí và gọt cắt kim loại. Sau khi Đông Âu sụp đổ, ông quyết định sang Tây Đức sống từ năm 1991. Hiện nay ông mở một tiệm ăn. Vợ từng học thiết kế thời trang trong nước trước khi sang Đức năm 2004, hiện làm việc trong một tiệm móng tay. Họ có hai con trai, cháu lớn tính tình nhút nhát, yêu thích âm nhạc và nghệ thuật, theo học đàn ghi ta. Cháu nhỏ ham toán và thể thao, hàng tuần tập quần vợt, thích nghiên cứu tìm tòi. Chúng đang học lớp sáu và năm Gymnasium. Hai cháu đều học giỏi, làm lớp trưởng, thậm chí cháu lớn đủ tiêu chuẩn học nhảy lớp, nhưng gia đình ông bà Lê không muốn. Ông bà Lê rất tự hào về con cái, không hề đi họp phụ huynh do thầy cô hoàn toàn hài lòng với kết quả học tập của chúng. Cha mẹ đều làm việc, thường mẹ 18 giờ, cha 21 giờ mới về tới nhà. Hai anh em đều ở lại trường đến 16 giờ.
Giải mã
Nhiều học sinh Việt học giỏi. Theo số liệu thống kê liên bang mới nhất, trong năm học 2013/2014 có 64,4% học sinh Việt theo học Gymnasium cao hơn 47,2% học sinh Đức.
Điều này không phải mới mẻ và cũng được biết đến ở Mỹ trong nhiều năm qua. Các nhà khoa học đặt câu hỏi: Tại sao có sự khác biệt giữa các nhóm sắc dân? Giải thích như thế nào? Một công trình nghiên cứu 720 gia đình Đức, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ giải thích nguồn gốc thành công giáo dục bắt nguồn từ mô hình „tài nguyên sẵn có“: Thu nhập gia đình càng cao thì quan hệ xã hội càng lớn. Cha mẹ có học thức càng cao thì con cái càng thành công hơn ở trường học. Theo mô hình này, lẽ ra học sinh Việt trên nguyên tắc phải học kém như học sinh Thổ. Nhưng lại không phải vậy. Sau khi mô hình „Tài nguyên sẵn có“ bị loại trừ, các nhà nghiên cứu tìm lời giải khác thay thế. Có thể do cách giáo dục. Họ chứng minh trong các nghiên cứu khác cho thấy giáo dục Việt nghiêm khắc hơn nhiều so với Đức. Nhưng kiểm tra thực nghiệm cũng đả phá lập luận „độc đoán đồng nghĩa với thành công giáo dục“. „Không phải cha mẹ càng nghiêm khắc thì con cái càng thành công ở trường“. Không ít sắc tộc nghiêm khắc nhưng kết quả không như học sinh Việt. Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu một cách giải thích khác, theo Nho giáo, học thức là di sản có giá trị; có bằng cấp thì cha mẹ được vinh hiển. Nhưng cũng không phù hợp. Cả hai nhóm di dân Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đều đánh giá cao học đường nếu đề cập đến sự tiến thân, danh phận trong xã hội. Nhưng học sinh Thổ Nhĩ Kỳ thành công kém xa học sinh Việt. Các nghiên cứu trên đều không giải đáp hoàn toàn lý do thành công học sinh Việt, có lẽ do chú tâm quá nhiều vào cha mẹ hơn con cái. Thay đổi góc độ nhìn hy vọng giúp tìm ra câu trả lời. Một nghiên cứu khác gần nhất cho rằng, khả năng thành công tùy thuộc vào phản ứng các bậc phụ huynh về thành tích học tập của con em họ. Một số dấu hiệu cho thấy có sự khác biệt đáng kể về vấn đề trên giữa cha mẹ người Đông Á với người nhập cư dân tộc khác, và với người Đức, như việc học kèm. Trong khi phụ huynh Đức không suy nghĩ gì khi con bị điểm kém 4 thì người Việt đã bắt con học kèm khi mới bị điểm khá 2.
Học thức và hòa nhập
Học thức là quan trọng ngay cả trong vấn đề hòa nhập. Càng có học thức càng dễ ứng xử khi gặp các tình huống khác nhau trong cuộc sống. Thứ hai, bằng cấp là vé vào cửa thị trường lao động. Ở Đức, thậm chí quan trọng hơn trong bất kỳ xã hội nào. Người nhập cư hiểu rõ hơn ai hết điều này. Họ là những người muốn thăng tiến, nếu không họ đã không bỏ nước ra đi. Học thức là lá bài duy nhất họ có thể xòe ra.
Chính vì thế, hai con trai của ông bà Lê đều mong muốn phấn đấu, cháu lớn muốn trở thành người điều khiển chương trình, như làm cho đài truyền hình. Cháu bé chưa biết sẽ theo đuổi ngành nghề gì, nhưng cho rằng, ai học nhiều hơn, sau này sẽ kiếm nhiều tiền hơn. Ông bà Lê cũng nghĩ vậy, muốn hai đứa con ra trường tiếp tục theo học đại học. Bởi điều đó rất quan trọng khi sống ở Đức. Đối với hai vợ chồng không quan trọng vì có lẽ sau này lá rụng về cội, sẽ hồi hương. Nhưng tương lai con cái họ chắc chắn ở Đức.
Bùi Hồng (tổng hợp)
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!