Site icon Thời báo Việt Đức

Hạnh phúc đến muộn của bà mẹ Tây Ninh từng qua ‘ba lần đò’

Chị Kiều Dung bên ông xã Frederic và hai con trai.

Người chồng Pháp hiện tại nâng niu chị Kiều Dung như ‘báu vật’ và hết lòng yêu thương cả những đứa con với chồng cũ của chị.

37 tuổi, chị Kiều Dung trải hai qua hai cuộc hôn nhân không hạnh phúc và một lần dứt tình khi vẫn còn yêu. Mỗi “lần đò”, chị Dung đều gửi gắm nhiều hy vọng nhưng cuối cùng chị chỉ nhận được nỗi buồn đau và sự thất vọng. Người phụ nữ Tây Ninh hiện có cuộc sống sung túc cùng người ngoại quốc tên là Frederic và hai cậu con trai tại Pháp. Với chị, cuộc hôn nhân với Frederic là “hạnh phúc đến muộn”. Vợ chồng chị đang nóng lòng đón đứa con chung sắp chào đời.

Mỗi ngày của chị Dung bây giờ đều bắt đầu nhẹ nhàng bằng nụ hôn đánh thức từ ông xã người Pháp. Bà mẹ Việt dùng bữa sáng cùng gia đình rồi thay đồ, đưa con trai đi học. Những lúc rảnh rỗi, chị Dung nằm dài trên sofa màu be, thưởng thức bản nhạc yêu thích và vỗ về em bé đang lớn dần trong bụng. Chồng chị Dung ít nói, anh chỉ chủ yếu giao tiếp với vợ bằng nụ cười. Thỉnh thoảng, chị bị ông xã phê bình vì quá tham việc nhà, khiến bản thân và đứa con bị mệt.

“Tới tận bây giờ, tôi vẫn rùng mình khi nhắc về quá khứ. Vết thương thể xác đã liền sẹo nhưng nỗi đau tinh thần không dễ gì chữa khỏi một sớm, một chiều”, chị Kiều Dung tâm sự.

Chị Kiều Dung chỉ học hết lớp 1 do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chị luôn tự ti vì vết chàm lớn trên gương mặt.

Hôn nhân ‘địa ngục’

Chị Dung kết hôn lần đầu năm 1999 với người đàn ông cùng quê. Vợ chồng chị mở một căng tin nhỏ gần trường tiểu học để buôn bán kiếm lời. Sau hai năm chung sống hòa thuận, chị Dung phát hiện chồng có bồ. Người phụ nữ có vết nám lớn trên mặt bước vào những ngày đen tối khi bị chồng vô cớ gây sự, đánh đập. Cuối năm 2001, gia đình chị Kiều Dung hoảng loạn nghe tin con gái bị chồng đánh ngất lịm. Sau cú vụt chí mạng bằng chiếc gậy tầm vông vào lưng vợ, chồng cũ chị Dung đến bệnh viện xin lỗi nhưng không được chị chấp nhận. Chị đơn phương ly hôn rồi bế con về quê sống cùng gia đình ngoại.

Cuối năm 2002, vì kinh tế gia đình quá khó khăn, chị Dung gửi con cho mẹ rồi một mình lên TP HCM kiếm sống. Khi đi làm thuê tại cửa hàng ăn, chị quen một người đàn ông cùng hoàn cảnh. Trong những lần chồng cũ tìm đến gây sự, anh này là người đứng ra bảo vệ chị. Cảm động trước tấm chân tình của anh, người phụ nữ từng đổ vỡ hôn nhân quyết định nhận lời về chung sống. Những ngày gắn bó cùng người chồng không cưới, chị Dung gia sức vun vén cho tổ ấm. Chị làm đủ nghề, không nề hà vất vả nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn. Được khoảng ba năm, bạn trai chị Dung chán nản bỏ về quê. Anh chỉ nhắn lại đôi dòng rằng không muốn làm khổ chị, nếu còn duyên thì mong ngày gặp lại.

“Tôi suy sụp hoàn toàn kể từ khi anh đi. Ban ngày cố lao vào công việc tìm quên, tối đến chỉ có một mình, tôi nằm khóc hoặc mua chai rượu đế nhắm với mấy trái cóc. Có bữa, tôi thuê chiếc xe máy phóng cả trăm km trong đêm về quê gặp anh chốc lát rồi lại đi”, chị Kiều Dung kể lại cú sốc thứ hai trong đời mình.

Chị Dung kém ăn, kém ngủ, người gầy rộc. Cứ như vậy khoảng 6 tháng, chị phải nhập viện vì xuất huyết dạ dày cấp. Nhìn mình trong gương, người mẹ nghèo òa khóc vì thất vọng về bản thân.

“Tôi tự hỏi sao mình lại đến mức này? Tôi mà nằm xuống thì ai sẽ nuôi con? Rồi tôi nghĩ, mình đã lỡ dở một lần, chỉ ước gặp được người đàn ông có tình yêu chân thành mà sao người ta lại bỏ đi?”, chị Dung nghẹn ngào nói.

Ông Joe, chủ nhà nơi chị Dung đến dọn dẹp thuê, là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện của chị. Ông đến từ Pháp, sinh sống và mở nhà hàng kinh doanh tại TP HCM. Chị Dung kể, ông Joe to lớn và nóng tính. Người đàn ông ngoại quốc nghiện rượu và mỗi khi say thường hành động mất kiểm soát. Nhưng những lúc bình thường, Joe vui tính và biết thương người.

Thấy chị Dung tiều tụy vì cuộc tình tan vỡ, Joe đánh tiếng tới chị: “Cô toàn yêu những người làm mình khổ. Tại sao không lấy tôi để sinh ra đứa con lai xinh xắn?”. Thấy ông chủ “xía” vào chuyện của mình, chị Dung bực bội đáp trả: “Tôi chỉ làm thuê cho ông thôi. Còn chuyện riêng tư của tôi, ông không được can thiệp”. Những ngày sau đó, ông Joe vẫn lặng lẽ quan sát cuộc sống của chị Dung. Thấy Joe có vẻ thật lòng, bà mẹ nghèo mông lung suy nghĩ về việc “đánh đổi” để con trai có cuộc sống tốt đẹp.

Con trai lớn của chị Dung năm nay 17 tuổi, còn cậu con thứ hai lên 6 tuổi.

Người phụ nữ Tây Ninh không ngờ rằng, việc nhận lời lấy Joe là một “nước cờ sai”. Chồng mới của chị Dung hay ghen tuông và độc đoán. Sau khi về sống chung, Joe không cho chị Dung đi làm. Hàng ngày chị đi đâu, làm gì đều phải hỏi ý kiến. Nhiều lần, Joe dọa ném điện thoại của vợ khi chị nhận những cuộc gọi đáng ngờ. Từng hứa sẽ yêu thương, bao bọc chị Dung, nhưng khi say rượu, Joe đã nặng tay với chị.

“Tôi sợ xấu hổ với bạn bè, hàng xóm nên không dám bỏ chồng lần nữa. Tôi âm thầm chịu đựng một mình, không hé răng với ai, kể cả ba mẹ ruột”, người phụ nữ bất hạnh trải lòng.

Cuối năm 2009, nhà hàng của Joe làm ăn thua lỗ. Ông nói muốn trở về Pháp sinh sống và đề nghị đưa chị Dung theo. Chị Dung mừng thầm vì tin rằng đây là bước ngoặt thay đổi cuộc đời chị. Nhưng không ngờ, đó là chuyến đi mở ra nhiều bi kịch.

Năm 2010, chị Dung theo chồng sang Pháp. Vài tháng sau, chị mang thai con trai thứ hai, bé Louis. Những ngày đầu thai kỳ, chị Dung sút cân nhanh chóng vì không hợp đồ ăn. Ban ngày khi chồng đi làm, chị Dung một mình quanh quẩn trong bốn bức tường im phắc. Do bất đồng ngôn ngữ, chị và mẹ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Ở tháng thứ tư của thai kỳ, chị Dung bị stress nặng.

Bà mẹ Việt sinh con trong tâm trạng buồn bã và lo lắng. Chồng chị không lo làm ăn, tối ngày chìm trong bia rượu. Nhiều lần, Joe đánh chị để đòi tiền. Chị Dung quyết định ly thân khiến mối quan hệ càng trở nên căng thẳng. Mâu thẫn lên đến đỉnh điểm khi đầu tháng 12/2012, Joe đấm vào mắt trái chị Dung khiến bà mẹ hai con ngất lịm. Ngay khi tỉnh lại, chị bế con tới gặp người đồng hương xin tá túc rồi nộp đơn tố cáo Joe. Tòa án địa phương xử Joe 6 tháng tù treo vì bạo hành phụ nữ. Không lâu sau đó, chị Dung chính thức thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục.

Hạnh phúc mỉm cười

Chị cùng con trai tá túc nhà người đồng hương, trước khi xin vào trại tị nạn. Trong lúc đang sống trong trại tị nạn ở tỉnh Toulon thuộc miền nam nước Pháp, chị Kiều Dung gặp anh Frederic, ông xã hiện tại của chị. Ấn tượng ban đầu của chị Dung về chồng là người đàn ông cao lớn nhưng hiền lành, dễ gần. Thấy chị một mình vừa đi làm, vừa nuôi con, Frederic cảm phục và ngỏ ý muốn tìm hiểu chị. Biết chị có nguyện vọng đón con trai đầu sang Pháp, anh đề nghị giúp đỡ để chị được toại nguyện. Những ngày tháng khó khăn sau khi ly hôn, chị Dung vượt qua nhờ một phần sự giúp đỡ của ông xã.

Bà mẹ Việt tâm sự, chị mến sự tươm tất, chỉn chu của người đàn ông độc thân gần 50 tuổi. Anh là bếp trưởng trong doanh trại quân đội nên tác phong nghiêm túc, nếp sống sạch sẽ, gọn gàng. Ban đầu, chị Dung ái ngại vì “tình sử” của mình quá nhiều góc khuất. Nhưng Frederic không bận tâm, anh thể hiện cho người phụ nữ có dung mạo không hoàn hảo hiểu được rằng, anh yêu và cả ngưỡng mộ chị. Tháng 10/2015, chị Kiều Dung lên xe hoa lần thứ ba cùng anh Frederic.

“Cuộc sống của tôi như bước sang một trang mới kể từ khi kết hôn cùng Frederic. Anh yêu thương tôi, và cả đứa con của tôi với chồng cũ. Anh dạy chúng biết ơn người mẹ là tôi đã hy sinh rất nhiều để đổi lấy cuộc sống hạnh phúc cho chúng. Anh cũng giữ lời hứa bảo lãnh đứa con đầu qua Pháp sống để tôi vui lòng”, chị Dung mãn nguyện chia sẻ.

Một năm sau, chị Kiều Dung hội ngộ con trai đầu lòng trên đất Pháp. Bà mẹ Việt lần đầu được hưởng cảm giác trọn vẹn khi bên mình có các con, có người đàn ông nâng niu chị như “báu vật”. Khoảng tháng 2 năm sau , gia đình chị Dung và anh Frederic sẽ chào đón thành viên mới. Đứa con thứ ba được bà mẹ Tây Ninh gọi yêu là “Happy”.

“Hạnh phúc là điều tôi mòn mỏi tìm kiếm suốt 18 năm qua. Dù muộn màng nhưng cuối cùng, hạnh phúc đã đến”, chị Dung nói.

Theo Lam Trà / ngoisao.net
Ảnh: NVCC

Exit mobile version