Site icon Thời báo Việt Đức

Helmut Kohl: Vinh quang và bi kịch của “cha đẻ nước Đức hiện đại” qua lời Đại sứ Việt Nam

Ông Helmut Kohl, thủ tướng Đức giai đoạn 1982-1998, đã qua đời ngày 16/6/2017 tại nhà riêng ở TP Ludwigshafen thuộc bang Rheinland-Pfalz, hưởng thọ 87 tuổi.

LTS: Ông Helmut Kohl được xem là người có công đưa nước Đức thống nhất trở lại từ chỗ chia rẽ Đông – Tây sau Thế chiến II.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức, ông Trần Đức Mậu đã có những chia sẻ về cuộc đời nhà lãnh đạo này và cơ hội tiếp xúc khi ông Kohl thăm Việt Nam. Dưới đây, tòa soạn xin gửi tới quý độc giả bài viết của Đại sứ Trần Đức Mậu.

Với 16 năm cầm quyền từ 1982 đến 1998, ông Helmut Kohl cho tới nay là thủ tướng nhiều năm nhất của nước Đức.

Nếu tái đắc cử lần thứ 4 trong cuộc bầu cử quốc hội vào mùa thu tới, đương kim thủ tướng Đức Angela Merkel có điều kiện để san bằng kỷ lục này. Nếu không được ông Kohl tạo cho cơ hội và dìu dắt làm chính trị, bà Merkel không thể được như ngày nay.

Mối quan hệ “thầy trò” này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc bà Merkel dẫn dắt đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của họ ra khỏi cái bóng phủ quá lớn của ông Kohl, buộc ông sau khi mất chức chủ tịch đảng không giữ được cả cái danh chủ tịch danh dự vào năm 2000.

Nước Đức trong tiếc thương và tưởng niệm ông Kohl. Thế giới chia buồn với nước Đức, người Đức và chính phủ Đức.

Helmut Kohl không chỉ là một nhân chứng mà còn là người làm nên một thời kỳ lịch sử rất đặc biệt ở nước Đức. Thống nhất nước Đức và góp phần rất đáng kể vào việc nhất thể hoá châu lục là những cống hiến quan trọng nhất của ông Kohl. Chúng giúp ông Kohl có được vị trí xứng đáng trong lịch sử nước Đức và châu Âu.

Thời chiến tranh Lạnh, sự chia cắt giữa hai nước Đức còn được coi là sự chia cắt châu Âu. Ông Kohl nhận ra trong những biến động về chính trị nội bộ ở CHDC Đức và sự sụp đổ của bức tường ở Berlin là cơ hội “ngàn năm một thuở” để vận hành quá trình thống nhất nước Đức và đã nắm bắt cơ hội đó, tạo nên bước ngoặt trong lịch sử nước Đức và châu lục, trở thành “Thủ tướng thống nhất nước Đức”.

Khi ấy, CHLB Đức là thành viên NATO, gắn kết hữu cơ với Phương Tây, còn CHDC Đức là thành viên khối Warsaw do Liên Xô đứng đầu. Trên lãnh thổ CHDC Đức có lực lượng quân đội Liên Xô được triển khai.

Mục tiêu mà ông Kohl theo đuổi là thống nhất nước Đức, nhưng nước Đức thống nhất là thành viên NATO và quân đội Liên Xô triệt thoái hoàn toàn khỏi Đức. Chỉ 3 tuần sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Helmut Kohl đưa ra kế hoạch 10 điểm về thống nhất nước Đức vào ngày 28/11/1989 – bất chấp không ít hoài nghi ở trong nước và lo ngại không nhỏ của đồng minh và đối tác bên ngoài.

Ông đã thuyết phục được lãnh đạo Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp chấp nhận để cho nước Đức thống nhất. Ông dùng sự thống nhất nước Đức làm động lực cho tiến trình nhất thể hoá châu Âu.

Tự hủy hoại thanh danh của chính mình

Năm 1998, ông Kohl bị thua Gerhard Schroeder trong cuộc bầu cử quốc hội. Sau đó, báo chí ở Đức phanh phui vụ việc ông nhận tiền ủng hộ từ bên ngoài làm quỹ đen cho đảng. Vụ bê bối này ảnh hưởng tai hại đến uy tín của đảng CDU.

Ông Kohl đã bất chấp cả luật pháp Đức khi kiên quyết từ chối tiết lộ danh tính những người đã ủng hộ tiền vì đã hứa như thế khi nhận tiền. Ông vi phạm pháp luật để những người kia không bị pháp luật tóm gáy. Vì lời hứa này mà ông đã tự huỷ hoại thanh danh của chính mình ở mức độ rất đáng kể.

Trên cương vị Tổng thư ký đảng CDU, bà Merkel đã vận hành quá trình tách đảng CDU ra khỏi ông Kohl để cứu đảng không bị chìm xuồng cùng ông và cũng rất có thể để xác lập vai trò lãnh đạo đảng của mình. Từ đó, ông Kohl rút khỏi vũ đài chính trị.

Bi kịch cuối đời

Thất cử năm 1998, vụ bê bối về tiền quyên góp cho quỹ đen của đảng, thất thế và mất uy trong đảng cùng với mối bất hoà không thể hàn gắn được với 2 người con trai và việc người vợ đầu tự sát sau thời gian dài lâm trọng bệnh là khúc cuối đời đầy bi kịch của ông Kohl.

Năm ấy, ông Kohl thất cử vì 16 năm cầm quyền của ông đã quá dài đối với người Đức và những quan điểm chính sách đối nội không còn thích hợp đối với nước Đức trước thềm thế kỷ và thiên niên kỷ mới.

Vốn mẫn cảm chính trị là thế và đến thế mà Helmut Kohl lại không nhận ra và ý thức được đầy đủ về hai điều trên. Ông sử dụng đảng làm nền tảng để có và công cụ thực thi quyền lực nhưng lại không lưu tâm đến xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận, gia trưởng nhiều hơn là dân chủ trong đảng.

Vì thế, khi bà Angela Merkel được dịp phất cờ thì đảng này đã nhanh chóng đứng về phía bà mà cách xa ông Kohl. Âu cũng là câu chuyện về “ngũ tri” – biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến.

Ông Kohl từ rất tỏ tường “ngũ tri” khi thúc đẩy thống nhất nước Đức mà rồi không coi trọng “ngũ tri” hoặc vận dụng sai “ngũ tri”, đặc biệt về “biết thời thế” và “biết dừng”. Thật ra cũng rất khó để “ngũ tri” khi quyền uy tuyệt đối đến thế và hào quang của danh tiếng chói lọi đến như thế.

Thủ tướng CHLB Đức đầu tiên thăm Việt Nam

Tháng 11/1995, thủ tướng Helmut Kohl trở thành thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức sang thăm Việt Nam.

Tôi cùng với anh Phan Trọng Hùng phiên dịch những cuộc tiếp xúc và hội đàm cũng như mọi hoạt động của thủ tướng Kohl ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông rất quan tâm đến công cuộc Đổi Mới của Việt Nam và đến những gì mà CHDC Đức đã làm được trong quan hệ với Việt Nam, từ đó có định hướng mới cho thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác của Đức với Việt Nam.

Hơn thế nữa, ông Kohl còn nhiều lần nói rõ là “ở cá nhân tôi, Việt Nam có một người bạn ủng hộ Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác với EU và với Mỹ”. Năm ấy, EU vừa thiết lập quan hệ với Việt Nam và Mỹ vừa bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, còn chưa dỡ bỏ những biện pháp bao vây, cấm vận Việt Nam.

Tôi rất nhớ một kỷ niệm về chuyến thăm này của thủ tướng Kohl. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Kohl và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Trương Tấn Sang cùng chủ trì một diễn đàn doanh nghiệp với hơn 300 doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp Việt Nam. Chủ tịch Trương Tấn Sang giới thiệu về chủ trương và biện pháp của thành phố thu hút đầu tư nước ngoài.

Khi chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định thời gian giải quyết mọi thủ tục hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài ở thành phố chỉ có 2 tuần, ông Kohl quay về phía tôi đứng dịch hỏi: “Ông có dịch đúng không đấy?”.

Tôi nói bằng tiếng Việt: “Ngài Thủ tướng Đức vừa hỏi tôi dịch có chuẩn xác hay không. Tôi xin phép được đề nghị Chủ tịch Trương Tấn Sang nói lại để tôi dịch lại”.

Chủ tịch Trương Tấn Sang nhắc lại điều trên. Tôi dịch lại. Mọi người vỗ tay vang dội. Tôi thấy ông Kohl rất phấn khởi, nét mặt rạng rỡ. Sau sự kiện, trên đường đi ra, ông có nói với tôi: “Tôi rất ấn tượng về Việt Nam. Tôi rất ấn tượng về Đổi Mới”.

Thủ tướng Kohl đã có những đóng góp rất to lớn cho việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với nước Đức và với EU.

Người Đức tự hào về ông Kohl, theo thời gian rồi cũng sẽ quên vụ tai tiếng, cảm thông sâu sắc với bi kịch gia đình của ông Kohl và sẽ không quên những cống hiến to lớn của ông cho đất nước và châu Âu.

(Tiêu đề bài viết do tòa soạn Tri thức trẻ đặt lại)

Theo Đại sứ Trần Đức Mậu/ ttvn.vn

Exit mobile version