Site icon Thời báo Việt Đức

Hỗ trợ đến 1.500 Euro để lắp camera chống trộm

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Ở Đức cứ mỗi ba phút lại xảy ra một vụ trộm cắp đột nhập vào nhà và tình trạng này mỗi năm đều tăng lên.

Để đảm bảo điều kiện an ninh cho người dân, năm ngoái chính phủ Đức đã thiết lập quỹ hỗ trợ chương trình lắp đặt trang thiết bị chống trộm cho nơi ở. Tuy nhiên do nguồn cầu quá nhiều nên sang đến tháng 9-2016 quỹ đã cạn kiệt. Năm 2017, chính phủ Đức đã tăng khoản hỗ trợ này lên gấp năm lần so với năm ngoái.

Hãy tận dụng sự hỗ trợ của nhà nước để trang bị thiết bị chống trộm cho nơi ở và nơi làm việc của bạn. Dù là chủ nhà hay người thuê nhà, bạn cũng nên cần biết những thông tin quan trọng. Thứ nhất, cửa ra vào và cửa sổ là những điểm yếu của một ngôi nhà, nơi mà bọn trộm cắp sẽ tận dụng triệt để vì dễ dàng đột nhập được vào nhà bạn.

Thứ hai, khoảng 43% các cuộc đột nhập thất bại vì có trang bị thiết bị chống trộm. Điều này có nghĩa rằng dù là người cho thuê hay người thuê nhà, nếu bạn trang bị thiết bị chống trộm cắp cho ngôi nhà của mình thì ăn ninh nơi bạn sinh sống sẽ được đảm bảo hơn và cuộc sống của bạn sẽ ít bị đảo lộn. Đầu tư trang thiết bị chống trộm cắp cho nơi ở và nơi làm việc, bạn sẽ nhận được gói hỗ trợ của nhà nước.

Hai cách nhận được gói hỗ trợ chống trộm

Thứ nhất là hỗ trợ như một khoản trợ cấp. Nhà nước hỗ trợ 10% tổng số vốn bạn đầu tư vào chương trình lắp đặt trang thiết bị chống trộm cắp. Tuy nhiên có một nguyên tắc đầu tư giới hạn thấp nhất và cao nhất: bạn phải tự đầu tư ít nhất 2.000 Euro để được nhận hỗ trợ tối thiểu 200 Euro và mức đầu tư cao nhất là 15.000 Euro để được nhận 1.500 Euro, gói đầu tư bao gồm cả toàn bộ cả trang thiết bị và chi phí cho thợ sửa chữa, lắp đặt.

Nhà nước còn hỗ trợ chương trình bảo vệ chống trộm cắp thông qua cho vay vốn dành cho trương trình xây dựng thêm trang thiết bị (:Kreditanstalt für Wiederaufbau (KfW). Nếu bạn muốn nhận được chương trình hỗ trợ này bạn cần phải tự đệ đơn xin trợ giúp. Hình thức hỗ trợ này còn được thực hiện thông qua chương trình „Sửa nhà cho phù hợp với tuổi già“ („Altersgerecht Umbauen”“, trong đó hỗ trợ cả việc trang bị chống trộm.

Những thông tin quan trọng 

Bạn sẽ được hoàn trả lại cho những thiệt hại về tài sản và vật dụng bị mất cắp nếu xảy ra trộm cắp tại nơi ở của bạn nếu bạn có trang bị cho mình bảo hiểm tài sản, vật dụng trong gia đình (Hausratversicherung). Bất cứ ai đầu tư vào các biện pháp chống trộm chống cho nơi ở của mình sẽ nhận được sự hỗ trợ này của nhà nước.

Cụ thể, nhà nước sẽ hỗ trợ lắp đặt hệ thống chống trộm cho nhà hay căn hộ ở cửa chính ra vào; Cài đặt màn hình và cửa chớp; Lắp đặt hệ thống chống trộm và báo động; Lắp đặt hệ thống hỗ trợ (ví dụ, các hệ thống video và liên lạc, phát hiện chuyển động).

Nếu bạn muốn nhận được hỗ trợ này của nhà nước, bạn cần phải thỏa mãn ba điều kiện. Thứ nhất, đệ đơn xin hỗ trợ trước khi bạn bắt tay lắp đặt, sửa chữa. Thứ hai, liên hệ với một công ty lắp đặt trang thiết bị chống trộm cắp chuyên nghiệp. Cuối cùng, đầu tư ít nhất 2.000 Euro.

Tuyệt đối không bắt tay vào thực hiện chương trình này nếu bạn chưa đệ đơn xin và cho đến khi bạn nhận được giấy chứng nhận đơn của bạn đã được xét duyệt. Nếu tự lắp đặt trang thiết bị chống trộm cắp, bạn cũng sẽ không nhận được hỗ trợ cho gói đầu tư này.

Để nhận được sự hỗ trợ này nên lập một danh sách việc cần làm. Cụ thể gồm lập kế hoạch, lựa chọn gói tài trợ phù hợp, đệ đơn xin tài trợ, thay đổi hệ thống bảo vệ, nhận tài trợ.

Quy tắc ứng xử đơn giản giúp chống trộm: Trên trang web: www.k-einbruch.de, Hiệp hội chống tội phạm hình sự Polizeiliche Kriminalprävention đã tổng hợp những chỉ dẫn giúp chống đột nhập nhà. Tại đó, không chỉ có các thông tin về kĩ thuật bảo vệ đáng tin cậy và tiêu chuẩn kĩ thuật tương ứng, mà còn có những quy tắc ứng xử đơn giản và hiệu quả, chẳng hạn không nên chỉ kéo sập cửa khi ra ngoài mà phải khóa lại. Cách đây 10 năm, 35% tên trộm bỏ cuộc, hiện nay có đến hơn 40%, nguyên nhân do nhiều vụ đột nhập thất bại. Những tên đạo chích thường đột nhập thông qua cửa sổ hay cửa ra vào.

Nguyễn Huyền (Hamburg)

Exit mobile version