Site icon Thời báo Việt Đức

Hoãn Brexit: Lịch trình nào cho nước Anh và EU?

Ảnh minh họa: pixabay.com

Khả năng chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn tiến trình đưa nước Anh rời EU (còn gọi là Brexit) sau thời hạn 29/3 đang rất cao.

Cuối tuần trước, Quốc hội Anh đã thông qua Kế hoạch Brexit mới nhất của Thủ tướng Theresa May, nhằm tạo điều kiện cho London và Brussels có thêm thời gian để đàm phán lại thỏa thuận Brexit đạt được với EU hồi năm 2018.

Trong khi đó, nhiều nước thành viên EU cũng tỏ ý tán thành việc ‘nới’ hạn chót ra sau thời điểm 29/3, để hai bên có thể có được một thỏa thuận Brexit tốt nhất. Tuy nhiên, đề xuất mới này, nếu được thực thi cũng sẽ gây ra những rắc rối với EU, trong bối cảnh khối đang muốn xốc lại đoàn kết trước khi bước vào các cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay.

 

Anh sẽ làm gì để thuyết phục EU chấp nhận đề xuất mới?

Khả năng về việc nước Anh rời thời hạn thực thi Brexit theo dự kiến vào ngày 29/3 hiện đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Tuần trước, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua một sửa đổi luật theo đó chấp nhận ủng hộ đề xuất của nữ Thủ tướng Theresa May rằng nếu thoả thuận Brexit không được Hạ viện Anh thông qua vào ngày 12/3 thì chính phủ của bà sẽ đề nghị Liên minh châu Âu tạm lùi thời điểm Brexit có hiệu lực trên lý thuyết là 29/3 đến một thời hạn khác.

Trước hết cần phải thấy rằng việc bà Theresa May đưa ra đề xuất này là do phải chịu sức ép quá lớn từ cả nội bộ đảng Bảo thủ lẫn từ phía các đảng đối lập cũng như từ giới doanh nghiệp. Bà May vẫn đặt ưu tiên lớn nhất là thuyết phục Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua thoả thuận Brexit có sửa đổi mà bà đã nỗ lực đàm phán với phía châu Âu hơn 1 tháng qua vào ngày 12/3. Để thực hiện mục tiêu đó, bà May vẫn duy trì chiến lược kéo dài thời gian, gia tăng nỗi sợ hãi về kịch bản Brexit không thoả thuận để buộc các nghị sĩ Anh chấp nhận thông qua thoả thuận Brexit.

Tuy nhiên, hậu quả của Brexit không thoả thuận là quá lớn nên để tránh nguy cơ đó, rất nhiều thành viên đảng Bảo thủ và đặc biệt là phe Công đảng đã tìm cách loại trừ trước nguy cơ đó, bằng cách đề xuất Hạ viện thông qua các điều luật bắt buộc chính phủ Anh phải yêu cầu EU lùi thời hạn Brexit vào 29/3 nếu thoả thuận Brexit bị Hạ viện Anh bác bỏ. Phe Công đảng đối lập thậm chí đã bật đèn xanh cho việc tổ chức trưng cầu ý dân lần 2. Chính vì thế, bà Theresa May buộc phải chấp nhận đưa ra phương án lùi Brexit, dù vẫn tuyên bố là kịch bản “Brexit không thoả thuận” vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn.

Về phía Liên minh châu Âu, trong trường hợp Vương quốc Anh đề xuất lùi thời hạn Brexit, tức tạm thời chưa thực thi điều 50 của Hiệp ước Lisbon thì lãnh đạo 27 nước thành viên EU phải bỏ phiếu đồng ý. Điều này có thể được thực hiện tại phiên họp Thượng đỉnh EU tổ chức vào các ngày 22 và 23/3 tại Brussels, tức 1 tuần trước khi Brexit có hiệu lực.

Khả năng EU đồng ý với đề nghị của Anh là rất cao vì hiện tại đa số các lãnh đạo EU đều tuyên bố là nếu nước Anh đưa ra được các giải thích cụ thể về việc tại sao tạm hoãn Brexit, và hoãn Brexit để đạt mục tiêu gì thì EU sẽ ủng hộ. Cái đích lớn nhất của EU cũng là muốn có một Brexit diễn ra trong trật tự nên khối này cũng không quá cứng nhắc với cột mốc 29/3.

EU hoài nghi ý định của Anh

Trong các phát biểu vài ngày qua của các nhà lãnh đạo hàng đầu của EU như Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Merkel hay Trưởng đoàn đàm phán Brexit, Michel Barnier… thì phía châu Âu có hai vướng mắc chính đối với khả năng nước Anh xin trì hoãn Brexit. Đầu tiên, đó là về mục tiêu. Phía châu Âu cần biết rõ chính phủ muốn tạm hoãn Brexit để đạt được mục đích cụ thể là gì, liệu mục đích đó có khả thi hay không, nói như ông Michel Barnier là “nước Anh cần đưa ra quyết định chứ không phải cần thêm thời gian”. Vì thế, việc chính phủ Anh có thể đề nghị tạm hoãn Brexit phải đi liền với các giải thích cụ thể về điều mà nước Anh muốn đạt được trong thời gian tạm hoãn đó.

Vướng mắc thứ hai, quan trọng hơn, là cuộc bầu cử châu Âu trong tháng 5/2019. Cả phía châu Âu lẫn phía Anh đều không muốn nước Anh tham dự vào cuộc bầu cử này bởi lẽ chắc chắn nước Anh sẽ rời EU nên việc tham gia là hoàn toàn vô nghĩa và làm phức tạp thêm tình hình. Tuy nhiên, theo luật thì nếu đến thời điểm bầu cử châu Âu mà Brexit chưa được thực thi thì về mặt pháp lý nước Anh vẫn còn là thành viên EU và phải tham gia cuộc bầu cử này. Vì thế, nếu nước Anh yêu cầu tạm hoãn Brexit thêm vài tháng thì giải pháp lý tưởng nhất là thời hạn tạm hoãn này sẽ kết thúc trước cuộc bầu cử châu Âu.

Tuy nhiên, theo giới phân tích thì nước Anh sẽ phải đề nghị tạm hoãn ít nhất là 6-8 tuần thì mới đủ thời gian giải quyết và như thế thì khả năng việc tạm hoãn kéo dài qua cuộc bầu cử là khá cao. Trong trường hợp này thì có thể hai bên sẽ phải thống nhất một cơ chế đặc biệt để cử tri Anh không tham gia bỏ phiếu và với bất kỳ lí do nào, nước Anh sẽ phải kích hoạt Brexit trước cuối tháng 6/2019, tức trước khi Nghị viện khoá mới của Liên minh châu Âu họp phiên đầu tiên. Bởi lẽ khi đó Nghị viện châu Âu sẽ bàn về vấn đề cực kỳ quan trọng là ngân sách của khối và nước Anh sẽ không thể có liên quan đến chủ đề này.

Đi tìm tiếng nói chung

Theo các thông tin từ Brussels thì hôm 26/2 vừa qua, chính phủ Anh đã gửi các đề xuất mới đến EU và không khí hiện tại được đánh giá là tương đối tích cực, thể hiện qua thái độ có phần lạc quan của một số quan chức EU.

Hiện nay một nhân vật có vai trò rất quan trọng đến tiến trình Brexit là Tổng chưởng lý Anh, ông Geoffrey Cox. Đây là nhân vật có quyền đưa ra tiếng nói quyết định về các khía cạnh pháp lý trong thoả thuận Brexit. Hiện tại thì ông Cox đang có các cuộc đàm phán với Trưởng đoàn phía EU là ông Michel Barnier đặc biệt về các điểm liên quan đến vấn đề biên giới Bắc Ireland, tức điều khoản “backstop”.

Tháng 11/2018, chính ông Geofrey Cox đã đưa ra nhận định là điều khoản này có thể khiến Vương quốc Anh bị “kẹt vĩnh viễn” trong liên minh thuế quan châu Âu và như thế sẽ mất quyền tự do thực thi chính sách thương mại độc lập. Đây chính là chi tiết khiến thoả thuận Brexit của bà Theresa May bị phản đối quyết liệt tại Anh và bị Hạ viện Anh bác bỏ hồi tháng 1/2019. Vì vậy các cuộc gặp giữa ông Michel Barnier và ông Cox là rất quan trọng nhằm điều chỉnh và diễn giải điều khoản “backstop” sao cho hợp lý với cả hai bên và giúp thoả thuận Brexit được Hạ viện Anh thông qua.

Một cuộc gặp khác cũng rất đáng chú ý hồi cuối tháng 2/2019 là việc ông Michel Barnier gặp thủ lĩnh Công đảng đối lập Anh, ông Jeremy Corbyn, nhằm bàn về các sửa đổi trong tuyên bố chính trị giữa Anh và EU liên quan đến quyền của người lao động Anh sau Brexit.

Nhìn chung, vào thời điểm này thì đang có một số dấu hiệu tích cực cho thấy EU và Anh có khả năng tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm và có thể đạt được thoả thuận Brexit vào phút chót. Có một thực tế khác, đó là tất cả các lãnh đạo châu Âu đều đã quá mệt mỏi với Brexit trong gần 2 năm qua và tất cả đều muốn sớm kết thúc hồ sơ này trên quan điểm cứng rắn, không muốn nhượng bộ nước Anh thêm nữa. Vì vậy, đã đến lúc EU kết thúc câu chuyện này./.

Quang Dũng/VOV-Paris
Nguồn: vov.vn
 
Exit mobile version