Site icon Thời báo Việt Đức

Học kinh doanh kiểu Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

Khoảng 20 nhà quản lý các doanh nghiệp đứng giữa một khu rừng ở Munich, miền Nam nước Đức, nhìn vào một thân cây đổ đã mục ruỗng, phủ đầy rêu. Chỉ có tiếng lá xào xạc và khe khẽ một vài tiếng chim. Đó là một buổi tham quan thực tế của lớp đào tạo kinh doanh, dành cho các nhà quản lý công ty địa phương có quy mô vừa phải.

Dẫn dắt khóa học này là nhà triết học kinh tế Friedrich Glauner và chuyên gia về rừng Rainer Kant. Nhà triết học Friedrich Glauner nhấn mạnh rằng, thay vì tìm mọi cách trở thành những cỗ máy làm ra lợi nhuận, các công ty nên ý thức bản thân mình là một bộ phận của bức tranh rộng lớn hơn nhiều.

Họ nên chú trọng để làm ra những sản phẩm, dịch vụ không chỉ thân thiện hơn với môi trường, mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn cho tất cả từ lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp, đến các khách hàng…

Vào buổi sáng trước chuyến đi rừng, những người tham gia hội thảo – chủ của các doanh nghiệp kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, sản xuất mỹ phẩm tự nhiên, in 3D, mạ điện (tráng kẽm bảo vệ cho sắt hoặc thép) – đã cùng thảo luận về nguy cơ của việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, gia tăng bất bình đẳng xã hội.

Điểm chung là họ đều mong muốn tìm kiếm một mô hình kinh doanh bền vững hơn, thân thiện môi trường hơn. Và thế là, trong một khoảng rừng thưa nhỏ, bao quanh bởi những cây vân sam, linh sam và bạch dương, Kant đã cung cấp những thí dụ thực tế minh họa cho lý thuyết trừu tượng của Glauner.

“Chủ nghĩa tư bản được đặt trên nền tảng cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh không phủ định triệt tiêu sự hợp tác và giao tiếp. Đó không phải là một ý tưởng mới, mà đã từng được Darwin khẳng định. Thí dụ ở ngay dưới chân các bạn, mối quan hệ cộng sinh giữa nấm và cây. Nấm phát triển như mạng nhện xung quanh rễ cây, cung cấp cho cây nước và chất dinh dưỡng từ đất. Đổi lại, cây hấp thu năng lượng mặt trời cho chính nó và nấm” – ông Kant nói.

Đứng giữa một khoảng trống nhỏ, bao quanh bởi những cây vân sam – và chỉ những cây vân sam, Kant cho biết, một khu rừng thuần vân sam hoặc thông sẽ làm cho cây nhạy cảm hơn với các loại dịch bệnh. Trong khi đó, ở các khu rừng đa dạng sinh học hơn, nơi linh sam mọc quanh một cây vân sam và những bầy ong qua lại thường xuyên, cây sẽ khỏe hơn nhiều. Nếu chẳng may bị bệnh, khả năng lây lan cũng thấp hơn nhiều. Điều đó cho thấy sự đa dạng làm cho rừng kiên cường hơn.

Kant cho biết thêm, ngay cả khi cây ngã xuống và mục nát, đó cũng không hoàn toàn là điều dở. Phải mất 50-80 năm để một cây chết hoàn toàn hòa tan vào đất rừng. Trong suốt khoảng thời gian đó, cây gỗ đóng vai trò chủ của hàng triệu sinh vật, dần dần giải phóng nước và dinh dưỡng trở lại môi trường. “Mỗi thứ nhỏ bé trong tự nhiên đều đóng một vai trò quan trọng. Có sự trì trệ và hủy diệt, các giai đoạn phục hồi và nghỉ ngơi. Ở một mức độ nào đó, các công ty cũng nên cho phép mình “nghỉ ngơi” để tập trung vào những gì họ làm tốt nhất” – Kant nói.

Ông Josef Obeser, quản lý một công ty tăng trưởng vượt bậc từ 50 lên đến 2.500 nhân viên trong vòng 10 năm, thừa nhận: “Chúng tôi đã muốn làm quá nhiều thứ. Nhưng rồi lợi nhuận giảm, cuối cùng công ty đã bị bán. Có lẽ chúng tôi nên dừng lại ở 500 nhân viên và tập trung vào những gì đã làm tốt nhất mà thôi”.

Một học viên khác hồ hởi chia sẻ: “Tôi giống như một chú ong may mắn lọt vào cánh đồng hoa. Tôi sẽ chỉ giữ lại đủ năng lượng cần thiết để phát triển, và thay vì lưu trữ thặng dư tôi phân phối nó cho những người khác xung quanh mình, để chúng tôi có thể trở thành một hệ thống mạnh mẽ, đoàn kết”. 

Cẩm Hà (theo Deutsche Welle)

Nguồn: sggp.org.vn

Exit mobile version