Đức có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về giáo dục khi năm học mới sắp bắt đầu, nhưng số lượng giáo viên thiếu hụt tại quốc gia này lên tới 40.000 người. Đây được xem là hồi chuông cảnh báo với quốc gia đầu tàu châu Âu, nơi có nền giáo dục vốn được đánh giá là tiên tiến bậc nhất thế giới…
“Trong 3 thập kỷ qua, nước Đức chưa từng gặp tình trạng thiếu hụt giáo viên nghiêm trọng như vậy. Cả nước hiện thiếu tới 40.000 giáo viên”, tờ DW dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Đức Heinz-Peter Meidinger cho biết. Các vị trí thiếu đang tạm thời được bù lấp bằng những giáo viên chưa có kinh nghiệm, cán bộ đã nghỉ hưu và các thực tập sinh, hoặc đơn giản là bỏ trống.
Trước thực trạng này, chính trị gia người Đức Volker Kauder, một trong những người thân cận của Thủ tướng Angela Merkel, đã phải nhận định rằng nước Đức có nguy cơ đối mặt với tình trạng khẩn cấp về giáo dục khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu. Đây là hệ quả của nhiều yếu tố: Gia tăng tỷ lệ sinh, một lượng lớn người nhập cư đổ vào Đức, thiếu đầu tư cho giáo dục và quá nhiều rào cản khi tham gia chương trình đào tạo giáo viên tại các trường đại học.
Theo số liệu thống kê, tình trạng thiếu hụt giáo viên nghiêm trọng nhất thường xảy ra ở bậc tiểu học, trường dạy nghề và trường cho trẻ em khuyết tật-những nơi mà giáo viên được trả lương thấp nhất. Thậm chí, đối với những ngôi trường ở khu vực nghèo ngoại ô thủ đô Berlin hoặc tại vùng nông thôn, tìm được giáo viên mới chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.
Một số bang của Đức đã cố gắng giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên bằng cách cho phép những người không có bằng sư phạm đứng lớp. North Rhine-Westphalia-bang có mật độ dân cư đông nhất tại Đức-là một ví dụ. Họ tuyển dụng những sinh viên đã tốt nghiệp đại học và có kinh nghiệm làm việc, tham gia vào khóa đào tạo giáo viên và thực hành ngay tại trường học. Sau hai năm đào tạo lý thuyết kết hợp thực hành, họ có thể trở thành những giáo viên đứng lớp.
Tuy nhiên, cách giải quyết này gây ra không ít tranh cãi tại Đức, nơi những nhân viên bán hàng, thương nhân hay kể cả nhân viên phục vụ cũng cần phải bỏ ra khá nhiều năm để có được một tấm bằng thực sự. Bởi vậy, người Đức còn dùng từ “quereinsteiger” (tạm dịch là những người chuyển nghề) dành để chỉ những giáo viên không có bằng cấp chính thống trong lĩnh vực sư phạm nhưng vẫn đứng lớp.
Từ năm 2013, ngành giáo dục tại 16 bang của Đức đã nhất trí cho phép những giáo viên chuyển nghề có thể được lấp chỗ trống, coi đây là phương án cuối cùng và tạm thời để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Song, 5 năm trôi qua, những giáo viên chuyển nghề lại trở thành phương án dài hạn đối với nền giáo dục Đức. Năm ngoái, khoảng 4.400 giáo viên chuyển nghề được đào tạo thông qua các chương trình ngắn hạn đã được thuê để bù vào lượng giáo viên thiếu hụt. Những khu vực ưa chuộng giáo viên chuyển nghề phải kể đến là thủ đô Berlin với 1.270 người, Saxony 1.100 người và North Rhine-Westphalia 800 người. Berlin và Saxony là những khu vực thiếu giáo viên trầm trọng nhất, đồng thời cũng là nơi có ít đãi ngộ dành cho giáo viên nhất. Đa phần ở các bang khác của Đức, giáo viên là công chức có hợp đồng dài hạn và phúc lợi hấp dẫn.
Tuy nhiên, song song với tình trạng nở rộ giáo viên chuyển nghề, có không ít ý kiến lo ngại về chất lượng của những giáo viên này, khi họ là những người tiếp xúc trực tiếp và giảng dạy thế hệ mầm non của đất nước nhưng lại có quá ít kinh nghiệm so với giáo viên chính thống. Thực tế tại Đức, các giáo viên chính thống phải trải qua 5 năm đại học để tiếp thu kiến thức về phương pháp giảng dạy đối với trẻ em cũng như xây dựng môi trường học tập hiện đại. Trong quá trình học tập và thực hành ở trường đại học, họ cũng được trải nghiệm thực tế, từ đó đưa ra quyết định về việc có thực sự muốn dạy dỗ trẻ nhỏ hay không. Tuy nhiên những giáo viên chuyển nghề thì không có đủ thời gian để cân nhắc việc này.
Thêm nữa, tại Đức có những tiêu chuẩn rất khắt khe nếu muốn trở thành một giáo viên theo cách truyền thống. Những học sinh tốt nghiệp trung học phải đạt điểm gần như tuyệt đối trong nhiều môn học để có thể tham gia vào các chương trình đào tạo giáo viên thường kéo dài từ 7 đến 8 năm tại trường đại học.
Peter Struck, giáo sư thuộc Trường Đại học Hamburg, một trong những người không ủng hộ phương pháp giáo viên truyền thống, cho rằng những rào cản để trở thành giáo viên theo cách truyền thống là quá lớn, đồng thời tại Đức có rất ít trường đào tạo giáo viên, dẫn đến tình trạng số lượng giáo viên tốt nghiệp quá thấp. Giáo sư Peter Struck cho rằng: “Chất lượng giáo viên không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm số của anh ta. Tại Passau, sinh viên tốt nghiệp trung học phải hoàn thành một khóa thực tập nhiều tuần tại trường trước khi bắt đầu vào đại học. Người hướng dẫn khóa thực tập sẽ cho những sinh viên biết họ có phù hợp với nghề dạy học hay không. Bất kỳ ai có tâm với nghề dạy học thì nên được thừa nhận”.
Một nghiên cứu mới đây của Bertelsmann (tập đoàn truyền thông liên quốc gia nổi tiếng có trụ sở ở Đức) ước tính có khoảng 105.000 giáo viên chuyển nghề sẽ được thuê vào năm 2025 để đáp ứng nhu cầu dạy học tại các trường tiểu học của Đức, trong bối cảnh có tối đa 70.000 sinh viên tốt nghiệp đại học có thể chuyển sang lĩnh vực giảng dạy. Nếu những con số trên trở thành hiện thực, hiện tượng “giáo viên chuyển nghề” chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến hơn tại Đức./.
Theo Ngọc Hân / qdnd.vn