Thủ tướng Merkel cho biết sẽ dốc sức cho quan hệ hữu hảo với Nga, dù việc này không dễ dàng. Căng thẳng giữa hai bên đã xuất hiện khi tờ Der Spiegel đưa tin Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) dường như đã có trong tay một loạt thư điện tử từ văn phòng tranh cử của bà Merkel, sau khi xâm nhập hệ thống máy tính nhằm vào Quốc hội Đức. Phía Moscow đã phủ nhận những cáo buộc trên.
Nhận định về tuyên bố của Thủ tướng Đức Merkel, giới quan sát cho rằng, dù phát sinh mâu thuẫn mới, nhưng người đứng đầu nước Đức vẫn coi trọng việc cải thiện quan hệ với Nga do hai quốc gia đang có vị thế quan trọng ở châu Âu, hai bên cần tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề nóng trên chính trường thế giới.
Bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương và động thái Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), vô hình trung đã làm thất bại nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế suốt 5 năm qua, đồng thời đẩy Đức và Nga gần như đứng chung một chiến tuyến. Trên các diễn đàn quốc tế, hai quốc gia đã cùng đồng thuận về Thỏa thuận hạt nhân Iran, Syria, Ukraine hay dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Liên minh châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng nhận ra việc cải thiện quan hệ với Nga là xu thế tất yếu và có lợi nhất. Nước Nga, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, nổi lên với vị thế nhà trung gian tin cậy trong nhiều vấn đề nổi cộm toàn cầu. Hợp tác chặt chẽ với Nga là lựa chọn hàng đầu giúp Đức và lục địa già đối phó hiệu quả hơn với những mối đe dọa và thách thức về an ninh.
Việc ổn định quan hệ với EU lúc này cũng giúp Nga duy trì sự cân bằng chiến lược và giảm bớt sức ép mà Moscow phải gánh chịu hơn 5 năm qua sau khi quan hệ giữa Nga với phương Tây rơi vào căng thẳng. Tình trạng đối đầu giữa Đức và Nga có chiều hướng xoay chuyển cũng xuất phát từ mối quan hệ “cơm không lành canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và EU thời gian gần đây.
Ngoài ra, Đức và Nga còn là hai nền kinh tế mạnh nhất châu Âu xét theo sức mua tương đương. Moscow phụ thuộc vào nguồn doanh thu xuất khẩu sang thị trường Đức, trong khi Berlin sẽ gặp rắc rối nếu không tiếp cận được với nguồn lực từ Nga.
Thống kê cho thấy, lượng vốn đầu tư của các công ty Đức tại Nga đã tăng mạnh trong khoảng thời gian 2006-2008, đặc biệt thiết lập mức kỷ lục chưa từng có lên tới 7,8 tỷ EUR vào năm 2007. Dòng vốn từ các doanh nghiệp Đức liên tục tăng vào những năm tiếp theo nhờ các khoản đầu tư “khủng” trong ngành năng lượng. Động thái này xảy ra khi các lệnh trừng phạt chống Moscow của Washington và các đồng minh áp đặt đã gây ra nhiều rắc rối cho các công ty Đức.
Trong năm ngoái, hơn 140 công ty tham gia cuộc thăm dò do Phòng Thương mại Đức – Nga thực hiện nói rằng, tổng mức thiệt hại kinh tế liên quan đến lệnh trừng phạt chống Moscow là hơn 1 tỷ EUR. Sự tăng vọt trong đầu tư của Đức vào Nga là một phần trong việc mở rộng hoạt động đầu tư nước ngoài của Berlin do đây là thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn, dễ tiếp cận và ở ngay trước cửa ngõ của nước này.
Theo Thanh Hằng / sggp.org.vn