Site icon Thời báo Việt Đức

Italy bỏ đồng minh, “theo chân” Trung Quốc?

Ảnh minh họa: pixabay.com

 Italy có thể là quốc gia đầu tiên trong G7 tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường khi nước này đang chuẩn bị ký 1 biên bản ghi nhớ với Trung Quốc.

Italy đang có kế hoạch chính thức tham gia vào Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Đây cũng là quốc gia G7 đầu tiên tham gia vào dự án đầy tham vọng với đảm bảo từ phía Trung Quốc rằng dự án này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại toàn cầu.

Rome đang chuẩn bị ký kết một biên bản ghi nhớ với Bắc Kinh để chính thức tham gia vào dự án này. Theo tờ Financial Times, thông tin trên được chính Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Michele Geraci tiết lộ, đồng thời ông cũng cho biết thêm lễ ký kết sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 tới nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Cuộc đàm phán vẫn chưa xong nhưng có thể nó sẽ được hoàn tất trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình”, ông Geraci phát biểu với truyền thông.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các sản phẩm “Made in Italy” sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn khi xuất khẩu sang Trung Quốc – một thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức Italy ngày 22/3 và sau đó sẽ tới Pháp và cuối cùng là Mỹ để thảo luận thêm với Tổng thống Trump nhằm giải quyết những căng thẳng thương mại hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington.

Động thái của Italy không nhận được sự chào đón từ phía Mỹ. Theo Nhà Trắng, dự án Vành đai Con đường hay còn được biết đến với tên gọi Con đường tơ lụa mới sẽ không giúp ích cho nền kinh tế Italy mà trái lại, có thể hủy hoại đáng kể hình ảnh của nước này trên trường quốc tế.

“Chúng tôi rất hoài nghi về quyết định của chính phủ Italy sẽ đem lại những lợi ích kinh tế cho người dân, đồng thời cho rằng điều này có thể hủy hoại danh tiếng của Italy trên toàn cầu trong dài hạn”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Garrett Marquis khẳng định với truyền thông.

Sáng kiến Vành đai Con đường được cho là sẽ đem đến sự kết nối hiệu quả và tăng cường sự hợp tác của Trung Quốc với hơn 80 quốc gia ở Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi qua các dự án cơ sở hạ tầng trên tuyến đường của Con đường tơ lụa cổ xưa. Sáng kiến này cũng hứa hẹn sẽ thúc đẩy đáng kể kinh tế toàn cầu, cắt giảm chi phí thương mại của các quốc gia liên quan xuống chỉ còn 1 nửa./.

Kiều Anh/VOV.VN

Theo RT

 
 
Exit mobile version