EU bác kế hoạch ngân sách của Italy, còn Italy cũng tuyên bố sẵn sàng đối đầu với EU, đẩy căng thẳng giữa hai bên lên một nấc thang mới.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 21/11 lần thứ 2 bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy, mở đường cho một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế lớn thứ 3 Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này.
Không có dấu hiệu nhượng bộ, Italy cũng tuyên bố sẵn sàng đối đầu với EU, đẩy căng thẳng giữa hai bên lên một nấc thang mới.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho biết, Liên minh châu Âu sẽ khởi động “Quy trình Thâm hụt Ngân sách quá mức” ( EDO) dựa trên thực tế nợ công lớn Italy không giảm theo qui định của EU. Kế hoạch ngân sách của Italy có thể tác động đến sự ổn định, chắc chắn và đáng tin cậy về kinh tế giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh: “Đáng tiếc, đánh giá của chúng tôi hôm nay cho thấy kế hoạch dự thảo ngân sách của Italy không phù hợp với khuyến nghị của Hội đồng châu Âu. Theo đó, những gì chính phủ Italy đang đặt trên bàn đàm phán có nguy cơ đưa đất nước đi vào bất ổn”.
Để chính thức kích hoạt qui trình xử lý vi phạm thâm hụt ngân sách, Ủy ban châu Âu cần nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên EU. Khi đó Italy sẽ phải đối mặt với một hạn chót mới để sửa đổi ngân sách và giảm chi tiêu trong vòng từ 3 đến 6 tháng. Vào thời điểm này, nếu Italy vẫn không tuân thủ thì Ủy ban châu Âu có thể áp đặt trừng phạt tài chính lên tới 0,2% GDP. Với qui trình như vậy thì Italy vẫn có thời gian để đàm phán và sửa đổi kế hoạch ngân sách để tránh các khoản phạt.
Mặc dù vậy, đến thời điểm này không có bất cứ dấu hiệu chính phủ Italy sẽ nhượng bộ trước yêu cầu của Ủy ban châu Âu.
Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini hôm qua tuyên bố sẵn sàng đối đầu với các nhà lãnh đạo EU về vấn đề ngân sách, kêu gọi EU tôn trọng người dân Italy. Nhiều câu hỏi đặt ra vào thời điểm này là liệu những căng thẳng này có thể khơi mào cho một cuộc khủng hoảng mới giữa Italy và EU?
Chuyên gia Arianna Giovannini, Chủ tịch nhóm chuyên gia chính trị Italy tại Viện nghiên cứu có trụ sở tại Anh nhận định, căng thẳng giữa EU và Italy có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone này. Đã có phản ứng không tích cực của thị trường trong những ngày qua. Những bất ổn có thể gia tăng ở mức độ kinh tế, bắt đầu một cuộc khủng hoảng thực sự và suy thoái tại Italy mà quốc gia này khó có thể chống đỡ.
Còn đối với Ủy ban châu Âu, việc áp đặt trừng phạt hay nhượng bộ Italy cũng đều không có lợi trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy không chỉ tại Italy mà còn các nước châu Âu khác.
Chuyên gia kinh tế Gregory Claeys tại Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Bỉ nhận định, nếu Ủy ban châu Âu trừng phạt Italy thì điều đó sẽ tạo ra cho người dân nước này một tâm lí chống đối châu Âu, trong khi nhượng bộ với Italy về vấn đề ngân sách sẽ là động lực cho các phong trào dân túy ở các nước châu Âu khác như Hà Lan, Đức, đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử nghị viện EU vào tháng 5 tới.
Chính vì vậy, giải pháp được mong đợi hiện nay đó là EU và Italy cần phải đối thoại để tìm ra một giải pháp hợp lí. Dự kiến Thủ tướng Italy Giuseppe Conte có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vào cuối tuần này để thuyết phục EU rằng kế hoạch ngân sách của nước này là tích cực và nằm trong lợi ích của Italy và châu Âu.
Bộ trưởng Kinh tế Giovanni Tria và Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio cũng cho rằng EU và Italy có cùng chung mục tiêu và sẽ tiếp tục tìm kiếm một giải pháp nhận được sự chấp nhận của cả hai bên. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini mặc dù khẳng định lập trường mục tiêu thâm hụt ngân sách 2,4% của Italy là không thể đàm phán nhưng cũng để ngỏ các khía cạnh khác của đề xuất có thể được thảo luận lại./.