TBVĐ- Việc quản lý di dân tại Đức đang gặp phải những kẽ hở khiến hệ thống an sinh xã hội bị trục lợi.
Năm 2015 là năm đạt mốc kỷ lục vì số lượng người xin tị nạn tràn vào Đức lên đến 1,1 triệu người. Sau một hội thảo giữa năm 2016, chính phủ đồng ý chi thêm 7 tỉ Euro cho khoảng thời gian từ 2016-2018, nghĩa là mỗi năm hơn 2 tỉ Euro tiền trợ cấp giúp đỡ tị nạn chia theo tiêu chí của 16 tiểu bang.
Trục lợi dựa vào kẽ hở pháp luật
Sự kiện nổi bật xảy ra đầu tháng 2 năm 2017 khiến các trang báo trực tuyến của Đức thu được lượng theo dõi và bình luận rất cao là vụ một tị nạn người Sudan mới 25 tuổi đã 7 lần giả mạo danh tính, lừa đảo được gần 22.000 Euro tiền trợ cấp xã hội tại một số thành phố ở miền Bắc Đức. Mặc dù bên công tố viên đề nghị mức phạt tù dành cho một tội phạm hình sự, nhưng Tòa án tỉnh Hannover vẫn trừ bớt 5 tháng đối tượng từng bị tạm giam, chỉ kết án đối tượng này 21 tháng tù giam lỏng, và 200 giờ lao động công ích vì nhân thân tốt.
Luật sư của bị cáo nhấn mạnh đối tượng “rất hối hận về việc làm của mình”. Anh ta “chỉ lợi dụng một lỗ hổng trong hệ thống luật pháp Đức”, đăng ký tên tuổi tại nhiều ban ngành khác nhau, thậm chí lưu lại cả hình ảnh như ảnh thẻ, ảnh nhận dạng – những điều rất đơn giản.
Đây là vụ đầu tiên trong số hơn 300 vụ tương tự khắp bang Niedersachsen bị đưa ra xét xử trước một tòa án. Tổng thiệt hại ước tính lên đến vài triệu Euro. Chỉ riêng tòa án thành phố Hannover hiện vẫn đang thụ lý vài ba vụ tương tự – một trong số đó có bị cáo thậm chí từng lừa đảo được tới 60.000 Euro tiền trợ cấp tị nạn. Giải pháp được gấp rút đưa ra vào giữa năm 2016 để giải quyết lỗi hệ thống này là đổi sang quy trình đăng ký bằng vân tay thay vì chỉ có ảnh.
Học sinh Việt vô cớ vào “danh sách truy nã”
Cũng do một kiểu “lỗi hệ thống” mà vào tháng 9/tháng 10 năm 2016, khoảng 50 học sinh điều dưỡng trong số 63 người từ Việt Nam sang học tại Göttingen đã không được cấp phép lao động. Họ được ĐSQ Đức ở Hà Nội cấp visa và đến sân bay Frankfurt. Khi học tiếng Đức ở thành phố Halberstadt thì giấy tờ của họ vẫn ổn. Nhưng khi các bạn học sinh học điều dưỡng muốn đăng ký (hộ khẩu) ở Göttingen, thì một bạn phát hiện ra rằng đã bị ghi chú 20 lần trong hệ thống lệnh truy nã Schengen – viết tắt là SIS và là một hệ thống thu thập và kiểm tra thông tin của cơ quan an ninh thuộc khu vực các nước Schengen, chuyên ghi chú các lệnh truy nã, lệnh cấm cư trú cũng như các loại giấy phạt cho người lao động, sinh sống tại khu vực này. Ủy ban nhân dân thành phố (Stadtverwaltung) cũng đã xác nhận là có tới 40 người Việt bị ghi tên trong hệ thống truy nã này và vì thế cũng không được cấp giấy phép cư trú. Các học sinh Việt đã đến Göttingen sinh sống từ tháng 10, nhưng cho đến giờ chưa hề được vào nhà dưỡng lão làm việc.
Ông Schröter, hiệu trưởng trường học điều dưỡng tại Göttingen, cho biết: Đây là những thông tin hoàn toàn sai sự thật. Nhưng nếu nhà trường lờ đi sẽ bị mang tội cho phép lao động chui. Nhà trường chỉ trích Sở Ngoại Kiều Göttingen gay gắt, còn Sở Ngoại Kiều lại đổ lỗi cho Bộ Nội Vụ của bang Niedersachsen, và Bộ Nội Vụ lại đẩy chuyện này sang Bộ Ngoại Giao. Cũng may, nhờ vào sự can thiệp và bênh vực của trường đào tạo điều dưỡng viên cũng như sự giúp đỡ của các bạn học sinh Việt từ khóa trước, ví dụ đi biểu tình, kêu gọi trước cửa Ủy ban nhân dân thành phố, nên tạm thời các bạn học sinh mới vẫn sẽ được đi làm, nhưng vấn đề bị đưa vào hệ thống SIS để theo dõi thì chưa được giải thích và xử lý thỏa đáng.
Giai đoạn 2017-2018, dự tính các tiểu bang ở Đức sẽ còn tiếp tục nhận khoảng 500 triệu Euro tiền xây nhà theo dự án hòa nhập cho người tị nạn đã đề ra trước đó. Tính trung bình, Đức trợ cấp cho mỗi tị nạn khoảng 391€/tháng – tương tự mức trợ cấp Hartz 4. |
Cẩm Chi