Site icon Thời báo Việt Đức

Kế hoạch của ông Macron đẩy các nước thành viên Đông EU vào thế khó

Đồ họa: Trung Hiếu

Với kế hoạch cải cách toàn diện EU của ông Macron, khó có khả năng bất kỳ nền kinh tế lớn nào ở Đông và Trung Âu cũng sẽ sớm áp dụng đồng euro.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nôn nóng bắt tay vào việc kiện toàn khu vực đồng euro. Song kế hoạch này cũng đẩy nhiều nước thành viên phía Đông EU vào thế tiến thoái lưỡng nan, bởi đứng ngoài cuộc thì chịu rủi ro mất đi quyền lực ở Brussels còn tham gia thì chịu rủi ro mất đi chủ quyền về kinh tế.

Vào tuần qua, ông Macron đã nhắc lại quan điểm của mình về ‘một châu Âu nhiều tốc dộ ‘ được dẫn dắt bởi nòng cốt là những nước ‘tiên phong’ có thể là cái giá đáng phải trả để thúc đẩy khu vực euro và dự án châu Âu một cách sâu rộng hơn và tiến lên sau khi Anh quyết định rút lui khỏi con thuyền EU.

Chuyên gia Liam Carson thuộc công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) nhận định: “Có vẻ như ông Macron muốn một khu vực euro tập trung hoá hơn và thắt chặt hơn với hai nước Pháp và Đức là trụ cột. Tuy nhiên, ông Marcon vẫn khá mơ hồ về các bài thuốc đặc trị cho khu vực đồng euro có thể vì chiến thắng chưa được như mong đợi của Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc bầu cử vừa qua tại Đức.”

Song các nước Trung và Đông Âu dường như làm ngơ trước những lời lẽ đầy tâm huyết của ông Marcon, bởi khu vực này đang phải vật lộn với tình trạng bất ổn về chính trị và chủ nghĩa hoài nghi về châu Âu ngày càng tăng cho dù các nước này tiếp tục đạt được tăng trưởng mạnh.

Trong chín nước thành viên mới gia nhập EU trong giai đoạn 2004 – 2009, các nước Baltic, Slovakia, Slovenia, Cộng hoà Síp và Malta đã chấp nhận và sử dụng đồng euro, trong khi Ba Lan, Cộng hoà Séc, Hungary, Romania, Bulgaria và Croatia chưa làm điều này.

Giới phê bình cho rằng đẩy mạnh tiến trình liên kết tiền tệ như là một tiền đề để liên kết tài chính có thể dẫn tới tình trạng xáo trộn mạnh như đã từng diễn ra ở Nam Âu sau khủng hoảng tài chính 2007 – 2008 và thời kỳ đình trệ sau đó.

Song “nếu khu vực đồng euro có thể tạo ra sức tăng trưởng khắp 19 nước thành viên mà không chỉ ở trung tâm, thì bất kỳ thể chế mới nào cũng có thể thúc đẩy các nước thành viên ngoài khối euro muốn tham gia. Nếu không đạt được điều đó, sự chia rẽ chắc chắn sẽ gia tăng”, đó là ý kiến của bà Linda Yueh, Phó Giáo sư trường London Business School.

‘Bây giờ hoặc không bao giờ’

Nhà kinh tế Anh Will Hutton cho biết mặc dù kế hoạch một châu Âu hai tốc độ ẩn chứa rủi ro, song đến lúc để thực hiện điều này. Các kế hoạch của ông Macron là một cú huých lớn nhất đối với châu Âu kể từ đầu thập niên 1990, thời đại của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) người Pháp Jacques Delors.”

“Châu Âu đang ở đỉnh điểm của quá trình suy thoái kinh tế và do một vài nền kinh tế Đông Âu chưa thể giữ vững tốc độ phát triển, châu Âu không thể tiến lên với tốc độ của nước chậm nhất thêm lâu hơn nữa”, ông Hutton nói và cho biết thêm rằng nước Anh có thể sẽ phải quay trở lại gõ cửa EU trong vòng năm đến mười năm tới.

Ngoại trừ Anh và Đan Mạch, tất các nước thành viên EU không tham gia đồng euro, đã bị ràng buộc pháp lý về việc tiến tới áp dụng đồng euro khi thoả mãn một loạt các “tiêu chí hội tụ” về lạm phát, ngân sách chính phủ, tỉ giá hối đoái và tỉ lệ lãi suất.

Trung và Đông Âu: Chán ngấy và cảnh giác

Ông Carson cho biết: “Dường như khó có khả năng bất kỳ nền kinh tế lớn nào ở Đông và Trung Âu sẽ sớm áp dụng đồng euro”.

Theo ông, Ba Lan, Romania và Cộng hoà Séc có khả năng đạt các tiêu chí về nợ, tỉ lệ lãi suất và lạm phát để gia nhập đồng euro song lòng ham muốn chính trị về việc gia nhập đồng euro nhìn chung thuyên giảm bởi chính phủ của các nước như Ba Lan và Hungary ngày càng ghét bỏ sự giám sát của EU đối với về chính sách trong nước của mình.

Ba Lan

Vào tháng trước, Tổng thống Ba Lan Andrzei Duda đã phát biểu rằng “Brexit không phải là rủi ro đối với EU… Mà mối đe doạ lớn hơn nếu EU bắt đầu chia ra thành một liên minh nhiều tốc độ, một khối mà một số nước mạnh hơn và có thể quyết định về nước khác”. Ông nói thêm: “Hậu quả có thể là một EU chia rẽ và không trụ vững về mặt chính trị hay kinh tế và có thể làm tan rã khối này.”

Khoảng 80% mậu dịch quốc tế của Ba Lan được định giá bằng đồng euro, vì vậy việc gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ làm giảm đáng kể rủi ro tiền tệ và đơn giản hoá các giao dịch với các công ty nước ngoài. Bất chấp thực tế này, trên 2/3 người Ba Lan phản đối gia nhập khu vực đồng euro.

CH Séc

Thủ tướng Séc Bohuslav Sobitka muốn đất nước mình lên kế hoạch triển khai đồng euro và “có tham vọng đứng trong hàng ngũ các nước phát triển nhất châu Âu.”

Song CH Séc tỏ ra thận trọng về việc gia nhập đồng euro cả hai bên cánh tả và cánh hữu. Không có ngày cụ thể nào được ấn định và trong những năm gần đây chính phủ Séc né tránh việc đưa ra những dự đoán.

CH Séc có bề dày thành tích về điều hành một chính sách tiền tệ đáng tin cậy và thường có tỉ lệ lãi suất thấp hơn khu vực đồng euro.

Theo ông Carson, “Ở Séc, ông Andrej Babis, ứng cử viên nặng ký cho chức Thủ tướng trong cuộc tuyển cử vào tháng 10/2017 đã tiếp tục mạnh mẽ nhấn mạnh rằng CH Séc không cần áp dụng đồng euro.”

Hungary

Hungary đã đạt tất cả các tiêu chí Maastricht về việc áp dụng đồng euro. Ngoài ra, chính sách kinh tế của nước này không thể từ bỏ ý định gia nhập khu vực đồng euro trong thời hạn dài, “song không cần vội vã” đó là tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Mihaly Varga vào tháng 6.

Một chính trị cấp cao Hungary vào đầu tháng 8 cho biết rằng nước này có thể chỉ cân nhắc áp dụng đồng euro khi mức độ phát triển kinh tế của Hungary đạt xấp xỉ các nước trong khối euro bởi không muốn thua thiệt khi gia nhập đồng euro như một số nước Địa Trung Hải.

Romania

Cựu Thủ tướng Romania Sorin Grindeanu cho biết nước này sẽ áp dụng đồng euro chỉ sau khi lương bổng ở nước này bằng sát mức thu nhập ở các nước thành viên EU.

Theo kết quả điều tra nghiên cứu của công ty kiểm toán KPMG, Rumani hiện là nước có mức lương tháng tối thiểu thấp nhất đứng sau Bulgaria trong 20 nước thành viên EU là 1450 lei (tương đương 321 euro).

Một công trình nghiên cứu do Viện châu Âu Romania tiến hành vào tháng 11/2016 cho thấy Romania có thể gia nhập khu vực đồng euro sau 13 năm nữa nếu duy trì được tỉ lệ tăng trưởng trung bình của 15 năm qua.

Hiện nay, GPD tính trên đầu người tại Romania thấp hơn mức trung bình của EU 60%.

Ngoại trưởng Romania Teodor Melscanu gần đây đã tuyên bố rằng Romania sẽ áp dụng đồng euro song điều này sẽ không xảy ra trước năm 2022.

Bà Merkel giữ vai trò quyết định

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã ủng hộ kế hoạch của Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF) về việc tái phân phối tiền trong phạm vi khối khi cần thiết.

Tổng thống Pháp Marcon cho rằng liên minh tiền tệ châu Âu chịu thiệt hại do ít tập trung hoá và cần có ngân sách của riêng mình, trong khi quan điểm của bà Merkel vấn đề của khối này là quá tập trung hoá và các quốc gia thành viên gánh quá ít trách nhiệm.

Bà Merkel ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Đức về việc chuyển đối Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), một quỹ cứu trợ của khu vực euro, thành EMF, song bà không thấy “sức mạnh mở rộng này” phát huy tác dụng.

Bà Merkel cho hay bà muốn một ngân sách với “những đóng góp nhỏ” hơn là “hàng trăm tỉ euro.”

Pháp sẽ thực hiện những cải cách cơ cấu sâu sắc này với điều kiện Đức nhất trí các biện pháp vừa phải để tiến tới chế độ tài khoá theo mô hình liên bang trong khu vực đồng euro. Song nhiều người tại Đức tỏ ra nghi ngờ về khả năng đạt các mục tiêu đã đề ra của ông Macron.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, bà Merkel sẽ vẫn muốn ủng hộ ông Macron về mặt chính trị nếu điều đó phù hợp với lợi ích của nước Đức để được chứng kiến rằng ông Macron sẽ không bị thay thế bằng bà Marine Le Pen thuộc Đảng Mặt trận Dân tộc Pháp vào cuộc bầu cử tổng thống Pháp tiếp theo tại Pháp./.

Theo Xuân Hương / vov.vn
Exit mobile version