Site icon Thời báo Việt Đức

Khách Tây khóc nghẹn vì những ‘quả đắng’ khi đến Việt Nam

Rita chụp ảnh cùng chiếc xe đạp trong hành trình ở Việt Nam

Không ít du khách nước ngoài đã phải bật khóc hay than phiền vì bị mất trộm, bị cướp, bị chặt chém ở Việt Nam. Đây chỉ là những trường hợp hy hữu nhưng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam nếu không được chấn chỉnh.

Nữ phượt thủ Anh bật khóc vì bị mất xe đạp

Câu chuyện nữ phượt thủ người Anh tên là Rita Rasimaite (26 tuổi) mất xe đạp tại TP.HCM ngay khi hoàn thành chuyến xuyên Việt dài 3.600km đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.

“Hãy giúp tôi với! Tôi đã đạp xe xuyên Việt trong vòng 2 tháng và sau khi hoàn thành hơn 3.600 km, tôi cũng đến được Sài Gòn vào tối hôm qua (19/7). Đáng lẽ, tôi đã phải ăn mừng cột mốc này thật lớn nhưng thay vào đó, sáng nay (20/7) tôi không thể nhịn được và bật khóc vì ai đó đã trộm mất chiếc xe đạp của tôi”, Rita đăng tải một status “cầu cứu” trên diễn đàn của người nước ngoài sinh sống tại TP.HCM.

Nữ phượt thủ này đã đăng câu chuyện của mình lên mạng với hi vọng tìm lại được người bạn đường yêu quý của mình vì nó có ý nghĩa rất quan trọng với cô.

Rita bị mất chiếc xe đạp dòng Cannondale quick 5, kèm theo đó là nhiều vật dụng như túi đựng điện thoại, chai nước, đồng hồ công tơ mét… gắn kèm trên xe. Trước đó, Rita cũng đã bị trộm mất điện thoại khi tới Nha Trang.

Rất may, lực lượng chức năng đã sớm tìm ra chiếc xe đạp bị mất. Sáng 22/7, Phó trưởng Công an quận 1 (TP.HCM) cho báo giới biết đã bắt được nghi phạm trộm và thu hồi chiếc xe đạp bị mất của nữ du khách.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên khách nước ngoài sợ hãi vì trở thành nạn nhân của nạn trộm cắp, cướp giật tại TP.HCM.

Nữ du khách Ai Cập khóc thét vì bị cướp giật

Năm 2016, hình ảnh nữ du khách Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh (22 tuổi, người Ai Cập) ngồi khóc nức nở giữa phố khi bị cướp sạch tài sản ở trung tâm quận 1, TP.HCM gây bức xúc dư luận.

Vào khoảng 15h30′ ngày 11/3/2016, chị Alaa Mohammad cùng người bạn đi bộ đến trước nhà số 36 Lương Hữu Khánh (phường Phạm Ngũ Lão, Q.1) thì bị 2 đối tượng đi trên xe gắn máy áp sát, giật chiếc túi xách rồi bỏ chạy. Bị cướp bất ngờ, nữ du khách hoảng sợ rồi khóc nức nở tại hiện trường.

Theo trình báo của nạn nhân, bên trong túi xách có 230 USD, 1 chiếc ví, 1 sạc pin điện thoại và 1 số giấy tờ cá nhân.

Nữ du khách Ba Lan hoảng loạn vì bị cướp iPhone

Vụ việc nữ du khách người Ba Lan hoảng loạn vì bị cướp iPhone ở Sài Gòn cũng gây xôn xao dư luận.

Nạn nhân của vụ cướp là chị Katarzyna Regula. Katarzyna cho biết, vào chiều 17/3/2016, khi chị và bạn trai là anh Arkadiusz Chabrowski đang đi bộ gần cầu Kênh Xáng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) thì bị thanh niên đi xe máy, bịt khẩu trang chạy ngược chiều giật điện thoại iPhone 6 Plus của chị rồi tăng ga tẩu thoát.

“Dù biết khi đi du lịch đến quốc gia lạ phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, nhưng tôi vẫn buồn vì giá trị của chiếc điện thoại lên tới 1.000 USD. Tôi phải làm việc trong vài tháng mới có thể mua được, nó chiếm rất nhiều ngân sách của tôi”, chị Katarzyna Regula chia sẻ trên Zing.

Chị Katarzyna tâm sự lúc xảy ra sự việc chị vô cùng hoảng loạn và khóc rất nhiều. Bạn tôi đã ở đây 2 hay 3 năm trước và gặp tình huống tương tự. Người bạn của tôi may mắn hơn khi đã giằng lại được túi xách từ tay tên cướp”, du khách nữ cho biết.

Khách Tây sợ hãi bị ‘chặt chém’ ở Việt Nam

Không chỉ phải đối mặt với chuyện bị mất đồ, cướp giật ở Việt Nam, nhiều khách du lịch quốc tế còn thấy sợ hãi vì mua hàng bị “chặt chém”.

Chuyện khách nước ngoài ăn tô phở giá “cắt cổ”, không có nhu cầu vẫn bị đeo bám và bị buộc phải đánh giày với mức giá trên trời, hoặc bị “ép” đội nón lá, gánh quang gánh bị người bán hàng đòi tiền hoặc ép mua những túi hoa quả với giá cắt cổ… là những vụ việc từng bị dư luận lên án.

Mới đây, thêm một câu chuyện về nạn “chặt chém” ở Hà Nội khiến dân mạng bức xúc, khi một vị khách Tây bị ép mua túi bánh rán với giá 700.000 đồng.

Câu chuyện này diễn ra ở phố cổ Hà Nội, do tài khoản T.A chia sẻ trên mạng xã hội. Khi T.A và bạn vô tình chứng kiến vẻ hoảng sợ xen lẫn sự tức giận của nữ du khách khi vừa bị “móc túi” bằng cách ép mua hàng, T.A đã quyết định chia sẻ câu chuyện.

T.A mong muốn qua câu chuyện này nhắc nhở về những hình ảnh chưa đẹp của người Việt, kiểu làm ăn chụp giật của người bán hàng sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Theo Hạnh Nguyên (tổng hợp)/ vietnamnet.vn

 

 

Exit mobile version