Hơn 200 câu chuyện nhỏ, cũng là những bí kíp dạy con ngắn gọn và triết lí giáo dục sâu sắc dành cho cả gia đình là lý do khiến bộ sách “Mẹ các nước dạy con trưởng thành” trở nên nổi tiếng và được các bố mẹ ở khắp nơi trên thế giới chia sẻ mỗi ngày.
“Chở che nhưng không ôm ấp” là cách cha mẹ Nhật dạy con tự lập và tính trách nhiệm.
“Đừng để con luôn phải ngước nhìn, hãy ngồi xuống chuyện trò cùng con” là cách cha mẹ Mỹ thể hiện sự tôn trọng con – chìa khóa giúp họ dạy dỗ nên những đứa trẻ tự tin, mạnh mẽ từ nhỏ.
“Sinh ra con chưa hẳn là bố, người dạy dỗ con mới thực là người bố” là quan điểm của người Do Thái về vai trò và trách nhiệm của người cha trong gia đình để giúp con trở thành một đứa trẻ thành công và hạnh phúc.
Câu chuyện dạy con tự lập từ nhỏ của cha mẹ Nhật vốn đã nức tiếng từ lâu. Họ yêu cầu con phải làm việc nhà, giúp mẹ chuẩn bị thức ăn, rửa bát đĩa, tự dọn phòng, tự chuẩn bị đồ dùng đi học, tự đi chợ, tự đi học… từ khi còn rất nhỏ, trong khi phần lớn cha mẹ chúng ta vẫn quá nuông chiều con, bao bọc, làm hộ con quá nhiều nên nhiều đứa trẻ đến khi trở thành sinh viên đại học vẫn không thể tự làm cái gì, hoàn toàn chỉ trông chờ vào bố mẹ.
Chúng ta cũng thầm ngưỡng mộ cách mà cha mẹ Mỹ đối xử bình đẳng với con, chỉ với một hành động nhỏ là luôn ngồi xuống ngang tầm mắt với con khi trò chuyện mà họ có thể thành công trong mọi cuộc nói chuyện, giao tiếp với con.
Hay những bài học dạy con từ người Do Thái đã trở thành bí kíp gối đầu giường cho nhiều cha mẹ.
Về “lý thuyết”, chúng ta ai cũng hiểu và hâm mộ cách làm của cha mẹ Nhật, cha mẹ Mỹ, cha mẹ Do Thái hay cha mẹ Đức… Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống, có thể phát sinh hàng nghìn tình huống ngoài ý muốn, mà nếu không được giải thích, thông suốt rõ ràng, thì có lẽ, chúng ta không thể nào học hỏi được triết lý giáo dục tiến bộ nào từ những lời khuyên trên sách vở. Chính vì thế, khi đọc bộ sách “Mẹ các nước dạy con trưởng thành” lần đầu, tôi đã thốt lên không ngừng “ồ đúng quá!”, “chính tôi cũng từng gặp phải chuyện này”, “thật là mẹ Mỹ cũng gặp phải những khó khăn như tôi sao”…. Đó là bởi vì, mỗi cuốn sách là tập hợp của rất nhiều câu chuyện được ghi lại từ thực tế cuộc sống hàng ngày mà các tác giả trải qua. Chỉ qua câu chuyện về những điều mà tác giả quan sát được ở một buổi tiệc mừng sinh nhật, những sự cố mà lũ trẻ mang lại, cách những người mẹ Nhật trò chuyện với con, hướng dẫn con cách cư xử từ những điều rất nhỏ… mà chúng ta có thể tự rút ra cho mình những bài học vô cùng dễ hiểu và sâu sắc.
Bộ sách bao gồm 4 cuốn: Mẹ Do Thái dạy con tư duy, Mẹ Nhật dạy con trách nhiệm, Mẹ Mỹ dạy con tự tin, Mẹ Đức dạy con kỉ luật – có thể nói là tập hợp tinh hoa nuôi dạy con của những cha mẹ thành công nhất trên thế giới. Mỗi cuốn sách đều được bắt đầu bằng một bài trắc nghiệm để mỗi cha mẹ có thể tìm ra và định hình được phong cách giáo dục con của mình. Đặc biệt, bài trắc nghiệm không hề có đáp án mẫu, vì “giáo dục không phải công nghệ sao chụp y đúc, mà ứng với mỗi lựa chọn trả lời sẽ dẫn tới số trang là chương mục tương ứng lý giải sự lựa chọn đó của bạn, nhờ thế, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cách giáo dục của mình. Từng phần trong mỗi cuốn sách là các chủ đề nổi bật, trong mỗi chủ đề lại là các câu chuyện nhỏ thường gặp trong cuộc sống được kể lại với rất nhiều các bí kíp nhỏ được “đóng khung” để các bố mẹ có thể dễ dàng tìm được thông điệp quan trọng cho mình.
Các tác giả của bộ sách đều là các tác giả Trung Quốc, họ là những nhà báo, nhà tâm lý giáo dục, trẻ em từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các nước Nhật, Mỹ, Đức, Israel, đồng thời họ cũng là những bà mẹ Châu Á với rất nhiều băn khoăn, trăn trở giống như chúng ta – những bố mẹ Việt vẫn gặp phải. Vì thế, cách kể chuyện gần gũi, không lên gân, không hô hào của các tác giả mang đến cho chúng ta cảm giác được trò chuyện thân tình với một người bạn mà chúng ta tin tưởng, để cùng nhau tháo gỡ khó khăn mà mỗi người gặp phải trong hành trình nuôi dạy con của mình.
Theo Hải An / Báo điện tử Trí Thức Trẻ