Site icon Thời báo Việt Đức

Khi làm giúp nhau: Lúc nào thì bị coi là lao động chui

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Ranh giới nào để phân định lao động chui với lao động giúp đỡ nhau.

Từ một phán quyết của toà án tối cao Đức

Nội dung phán quyết thực ra chỉ dừng lại ở chỗ: Nếu thuê lao động chui, chủ nhà không có quyền yêu cầu sửa chữa khi xảy ra hỏng hóc. Phán quyết trên được tòa án Tối cao Liên bang đưa ra trong vụ xét xử một thợ xây nhận 1800 Euro tiền mặt chủ thuê không   hóa đơn chứng từ, để trải nhựa lối vào ga ra 170 m2 vuông cho xe tải vào.

Hai bên vốn là người thân, quen biết nhau, nên giao kèo, công việc trải nhựa coi như làm giúp và tiền trả coi như quà tặng. Trớ trêu, đoạn đường trải nhựa không đạt tiêu chuẩn, nhưng người này từ chối sửa chữa hỏng hóc khiến chủ mảnh đất phải thuê một thợ xây có tay nghề khác tới sửa với chi phí lên đến 8000 Euro và yêu cầu người thân bồi thường nhưng không được.

Chủ thuê đem vụ việc kiện ra tòa, từ sơ thẩm tới phúc thẩm rồi thượng thẩm. Tuy nhiên, tới tòa án Tối cao, đơn kiện vẫn bị bác bỏ, bởi Toà dựa trên Luật chống lao động chui có hiệu lực từ năm 2004.

Theo đó, lao động chui bị cấm, nên đương nhiên hợp đồng lao động vô hiệu lực. Một khi hợp đồng đã vô hiệu lực, thì chủ thuê việc không có quyền yêu cầu người lao động chui sửa chữa hỏng hóc theo hợp đồng.

Khi nào thì được coi là lao động chui

Ranh giới nào để phân định lao động chui với lao động giúp đỡ nhau. Không bị cho là lao động chui khi nhờ hàng xóm hay bạn bè giúp, hoàn toàn không liên quan đến tiền bạc.

Nếu có giao dịch công việc và tiền bạc giữa hai bên như trong trường hợp trên, đều phải coi đó là lao động chính thức, có nộp thuế, đóng phí bảo hiểm xã hội, nếu không sẽ bị coi là lao động chui.

Như vậy, nếu trả công không phải bằng tiền mà chỉ bằng một bữa nhậu chẳng hạn thì không phải lao động chui. Nhưng vẫn bị coi là lao động chui, chẳng hạn khi nhờ người hàng xóm tốn nhiều công sức sửa giúp chiếc ô tô thay vì mang nó vào xưởng sửa chữa trả mất vài trăm Euro.

Hậu quả lao động chui

Người liên quan bị phạt vì hành vi trốn thuế, không đóng phí bảo hiểm xã hội. Các khoản đó sẽ bị truy thu. Ngoài ra, có thể bị nộp phạt và truy tố hình sự.

Một hậu quả khác đã được chỉ rõ trong phán quyết trên: Không có quyền yêu cầu bảo hành sửa chữa mà phải tự bỏ tiền túi thuê.

Tất nhiên, không bị coi là lao động chui khi liên quan đến những hành động giúp đỡ bất chợt, chẳng hạn khi dúi vào tay cậu bé hàng xóm 5 Euro cho nó mua kem vì nó đã giúp cắt tỉa hàng  rào.

Theo ước tính mới đây của viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng Tübingen, hàng năm lao động chui ở Đức đạt doanh số ước chừng 340 tỷ Euro.

Phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ các dịch vụ gia đình, nhất là lao động thủ công, xây dựng nhà cửa. Nhà nước mất một khoản thuế và bảo hiểm bắt buộc lên hàng chục tỷ  Euro.

Ngọc Chiến (tổng hợp)

Exit mobile version