Site icon Thời báo Việt Đức

Khi nhận được cảnh báo tải dữ liệu trái phép

Câu hỏi:

Mới đây tôi nhận được 1 thư với dòng cáo buộc của văn phòng luật sư: „Ông/bà đã tải album nhạc trái phép từ mạng Internet và đồng thời chuyển tiếp lên mạng của mình“ với tiền phạt là 834€. Tôi phải làm gì? (TVC, tr..@yahoo.de)

Cháu là sinh viên sống ở WG cùng với 3 người. Tuần trước cháu nhận được 1 thư với nội dung: „Ngày 0x.12.201x, bộ phim „…“ đã được xem bất hợp pháp từ địa chỉ IP xxx kèm theo 1 giấy phạt 825€. Cháu có phải trả tiền này không? (lys..@gmail.com)

Trả lời:

Ở Đức vấn đề bản quyền rất coi trọng, hàng năm có khoảng 100.000 thư cảnh báo được gửi tới các gia đình Đức do tải trái phép các dữ liệu từ mạng với số tiền phạt không nhỏ. Đa số người nhận là các bậc phụ huynh, chủ kết nối Internet. Thay vì coi thường, cho rằng những cảnh báo đó là cạm bẫy lừa đảo, trước tiên nên kiểm tra kỹ cáo buộc đó. Đa số các trường hợp do con cái họ tải dữ liệu từ các diễn đàn chia sẻ xuống và thường đưa trang mạng của mình mà không hay biết. Tuy nhiên, cảnh báo này không quá nghiêm trọng. Đa số có thể thương lượng giảm nhẹ số tiền hay thậm chí chỉ phải trả phí luật sư riêng.

Những việc mọi người nên làm khi nhận được thông báo này

Tra cứu tên cơ quan gửi cảnh báo: Trước tiên, nên tra tên văn phòng luật trên Google để biết, liệu cảnh báo có nghiêm túc không. Một số văn phòng luật nổi tiếng về việc gửi hàng loạt cảnh báo. Cảnh báo qua Email không có giá trị và có thể xóa ngay.

Phản ứng nhanh: Nếu không phản ứng trong thời hạn đưa ra trong thư, có thể phải trả nhiều tiền. Chẳng hạn để muộn buộc văn phòng luật phải đưa ra tòa. Tuy nhiên, trả tiền ngay cũng không phải giải pháp tốt.

Tìm tư vấn pháp luật: Nên nhờ Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng Verbraucherzentrale hay luật sư kiểm tra, liệu khoản tiền phải trả có thích hợp không. Thông thường yêu cầu trả tiền đúng, nhưng số tiền phải trả quá cao.

Thương lượng giá đổ đồng Pauschalpreis: Nên thỏa thuận với luật sư riêng về một khoản tiền đổ đồng, dao động từ 300 đến 600 Euro. Không kí cam kết không vi phạm Unterlassungserklärung: Trong thư cảnh báo, công ty luật thường yêu cầu bồi thường chi phí luật sư, đền bù thiệt hại và kí cam kết không vi phạm. Tuyệt đối không nên kí cam kết này, do sẽ bị ràng buộc 30 năm.

Nộp cam kết không vi phạm Unterlassungserklärung đã chỉnh sửa: Tốt nhất nên nộp cam kết đã chỉnh sửa, trong đó chỉ cam kết không vi phạm tải lên và xuống trái phép một số album âm nhạc nhất định.

Thương lượng lại số tiền phải trả: Không nên trả tiền ngay, mà nên thương lượng trước. Theo phán quyết  của Tòa án Tối cao Liên bang năm 2012, cha mẹ thậm chí không phải trả tiền, khi một thành viên dưới tuổi vị thành niên sống trong gia đình vi phạm, mặc dù trước đó cha mẹ đã dặn dò kĩ. Khi đó họ chỉ phải trả phí luật sư.

Thanh Thành (tổng hợp)

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!

Exit mobile version