Site icon Thời báo Việt Đức

Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu lập kỷ lục mới – 8,6%

Ảnh minh họa: pixabay.com

Số liệu chính thức mới công bố ngày 1-7 cho thấy lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro) đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine làm tăng giá năng lượng và tác động xấu đến nền kinh tế châu Âu.

Theo Hãng tin AFP, Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat cho biết mức tăng giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro là 8,6% trong tháng 6-2022, nhảy vọt so với kỷ lục cũ 8,1% của tháng trước.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, giá tiêu dùng khu vực đồng tiền chung châu Âu liên tục lập kỷ lục do giá năng lượng tăng cao. Giá năng lượng ở đây đã tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước, do hậu quả của chiến sự Nga – Ukraine.

Ngoài giá năng lượng, giá lương thực cũng tăng 8,9%, cho thấy lạm phát đang lan rộng trong nền kinh tế. Thực phẩm chưa qua chế biến, như rau và trái cây, cũng tăng đáng kể với mức 11,1% do giá khí đốt cao khiến phân bón đắt đỏ hơn. 

Không một quốc gia nào trong khu vực sử dụng đồng euro không bị ảnh hưởng của lạm phát, vốn chưa bao giờ cao như hiện nay. Vấn đề này đã trở thành một thách thức vô cùng cấp bách và phức tạp với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Các nước Baltic vẫn là các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do xu hướng tăng giá – Estonia có mức lạm phát 22%, Lithuania lạm phát 20,5% và Latvia lạm phát 19% – do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nước ngoài để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Ông Philippe Waechter, chuyên gia của Công ty quản lý tài sản Ostrum Asset Management, cho biết: “Trong lịch sử, chúng ta chưa bao giờ có mức tăng cao tương tự về giá thực phẩm. Nó sẽ có tác động lớn”.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết họ sẽ làm tất cả những gì cần làm để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu, mà cụ thể là đưa giá năng lượng và thực phẩm về tầm kiểm soát.

Pushpin Singh, chuyên gia kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và thương mại, cảnh báo: “Lạm phát ở khu vực đồng euro đang lan rộng hơn, triển vọng cho phần còn lại của năm 2022 với khu vực này sẽ tiếp tục ảm đạm”.

Trong bối cảnh đó, kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga ngày càng cho thấy nước này sẵn sàng cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, một nguy cơ khiến khu vực đồng euro có thể sẽ không có đủ khí đốt cho mùa đông tới.

Theo Hồng Vân / tuoitre.vn

 

Exit mobile version