Site icon Thời báo Việt Đức

Liên minh châu Âu: Trong khó ló cái cũ

Ảnh minh họa: pixabay.com

Hiện tại có 4 thách thức lớn đối với sự tồn vong của Liên minh châu Âu (EU). Chương trình nghị sự chiến lược 2019-2024 vừa được Ủy ban châu Âu đưa ra được cho là đối sách giúp EU vượt qua thời bĩ cực. Phân tích của Báo TG&VN.

Chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao sắp tới của Liên minh châu Âu, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đưa ra khuyến nghị chính sách mới với tên gọi là Chương trình nghị sự chiến lược 2019-2024. Chỉ ở cái tên gọi này thôi đã thấy Ủy ban châu Âu kiềm chế tham vọng và thể hiện thận trọng. Đấy không phải là chiến lược mới mà chỉ là tập hợp những khuyến nghị chính sách có chút tầm chiến lược, không phải cho thời gian dài mà chỉ cho có 5 năm tới, tức là cho đúng nhiệm kỳ tới của Nghị viện châu Âu mới vừa được bầu và Ủy ban châu Âu mới sắp được bầu, không mưu tính xa xôi mà chỉ nhìn vào trước mắt, không viển vông mà thực tế.

Theo Ủy ban châu Âu, đấy là kết quả của những suy tính dựa trên những thành quả phát triển đã đạt được đến nay, những nhận thức rút ra được từ hơn 1600 cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với người dân trong Liên minh châu Âu và lưu ý đến kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa rồi. Diễn giải ra theo cách mỹ miều thế thôi chứ thật ra đấy là những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu nhằm giúp EU thoát được ra khỏi tình cảnh khó khăn và khó xử lâu nay.

Bốn thách thức tồn vong

Hiện tại, không khó nhận thấy bốn thách thức lớn đối với sự tồn vong và tương lai của Liên minh châu Âu. Cái gọi là Chương trình nghị sự chiến lược nói trên là đối sách mà Ủy ban châu Âu tin rằng sẽ giúp EU vượt qua được chúng trong thời gian tới.

Thứ nhất là Liên minh châu Âu bị sa sút uy danh và sự tín nhiệm trong dân chúng ở các nước thành viên. Người dân vẫn ủng hộ châu Âu thống nhất, hợp tác và liên kết nhưng nhìn nhận các thể chế của Liên minh châu Âu là bộ máy hành chính quan liêu khổng lồ, ngày càng xa rời thực tiễn ở các nước thành viên, coi trọng hoạt động vì EU nhiều hơn là vì người dân trong EU.

Thứ hai là Liên minh châu Âu xơ cứng và cả giáo điều nữa trong nhận thức về những vấn đề đang đòi hỏi giải quyết nên không có được ý tưởng giải pháp hữu hiệu, dứt điểm và bền vững mà mới chỉ có được toàn giải pháp tình thế với tác dụng nhất thời. Vấn đề người tỵ nạn và nhập cư, vấn đề các lực lượng cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy, việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit), tiếp tục phát triển thị trường nội địa chung như thế nào sau Brexit và dưới tác động của cuộc xung khắc thương mại với Mỹ, cải tổ thể chế liên minh và cơ cấu kinh tế chung cho cả liên minh ở thời Công nghiệp 4.0, khoa học kỹ thuật công nghệ số và trí tuệ nhân tạo… hiện đều ở trong tình trạng như vậy đối với EU.

Thứ ba là nội bộ Liên minh châu Âu bị phân bè, chia phái sâu sắc. Trong EU hiện tại không thấy có một hay một vài thành viên hoặc nhân vật nào có đủ khả năng và uy tín có thể lãnh đạo EU cùng nhau khắc phục sự phân rẽ ấy, gây dựng và tăng cường sự đoàn kết thống nhất nội bộ. So bó đũa mãi mà vẫn không chọn được cột cờ, không thấy ai có đủ uy quyền và uy tín, khả năng và bản lĩnh.

Thứ tư là EU thiếu vắng một chiến lược hoàn chỉnh thích hợp cho tương lai trong bối cảnh tình hình châu lục cũng như thế giới đã chuyển biến rất cơ bản trên mọi phương diện, quá chậm với việc định vị lại bản thân mình ở châu lục trong thế giới hiện đại, bế tắc phương cách và ý tưởng về phát triển theo chiều sâu và chiều rộng, kết hợp hài hoà để tạo ra được hiệu ứng cộng hưởng.

Năm mục tiêu tương lai

Trong tình trạng ấy, EU bây giờ có Chương trình nghị sự chiến lược 2019-2024. Nếu chỉ đọc văn bản 3 trang này không thôi thì thấy nó khả dĩ. Trong đó, Ủy ban châu Âu đề ra 5 mục tiêu thể hiện bằng 5 tính từ gắn cho cụm từ “châu Âu” là Châu Âu bảo vệ (tức là bảo vệ an ninh chung cho các thành viên và dân chúng), Châu Âu cạnh tranh (tức là thúc đẩy liên kết và hợp tác kinh tế và thương mại trong EU để phát triển kinh tế xã hội), Châu Âu công bằng (tức là đảm bảo công bằng xã hội trong EU), Châu Âu bền vững (tức là củng cố nền tảng kinh tế của EU”) và Châu Âu ảnh hưởng (tức là nâng cao ảnh hưởng và vai trò của EU trên thế giới”). Nội hàm của cả 5 tính từ này đều được cụ thể hoá khá chi tiết.

Nhưng nếu so sánh văn bản mới này với những định hướng chiến lược và chương trình hành động EU đã có đến nay thì sẽ lại thấy nó không mới mẻ gì nhiều, đề cập rất toàn diện đến mọi khía cạnh nhưng triển khai thực hiện cụ thể như thế nào và theo lộ trình ra sao thì lại không thấy nêu rõ.

Không ai phản bác và phản đối nó vì nó không hề sai và nghe qua rất hợp lý nhưng chỉ như thế không thôi thì lại chưa thể đủ để đảm bảo khả thi. Nó rồi sẽ được thông qua nhưng sau đấy lại bị bỏ đó vì trong quá khứ đã có nhưng EU không thực hiện hoặc thực hiện không được hoàn toàn thành công.

Xem ra, Ủy ban châu Âu trong khó không ló được cái mới mà vẫn chỉ cái cũ và thể hiện cái cũ trong cấu trúc mới. Bế tắc đường lối, nội bộ phân hoá và Nghị viện châu Âu mới phức tạp hơn, tự tin hơn làm cho Chương trình nghị sự chiến lược này của EU sẽ tồn tại trên giấy nhiều hơn là được thực hiện trên thực tế và xem ra thời bĩ cực vẫn còn dài, ngày thái lai vẫn còn xa đối với EU.

Theo Dịch Dung / baoquocte.vn

Exit mobile version