Site icon Thời báo Việt Đức

Liên minh Địa Trung Hải không đạt thỏa thuận chung về vấn đề nhập cư

Nhóm họp tại thành phố La Valette, Malta, lãnh đạo 7 nước Nam Âu đã đạt được nhất trí về nhiều chủ đề từ khí hậu, kinh tế xã hội đến Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, các bên lại chia rẽ sâu sắc về vấn đề người nhập cư. Đây cũng là vấn đề từng đẩy Liên minh châu Âu tới bờ vực một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thể chế hồi năm 2015.

Tại cuộc họp ngày hôm qua (14/6) , lãnh đạo 7 nước Nam Âu, hay còn được gọi với cái tên không chính thức là Liên minh Địa Trung Hải, gồm  Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Malta, Cộng hòa Síp và Hy Lạp, đã thông qua mục tiêu đưa khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính về con số 0 vào năm 2050, nhất trí nguyên tắc về mức lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội cơ bản tại mỗi quốc gia châu Âu, cũng như ngân sách can thiệp đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu, mà Pháp và Italy thúc đẩy trong suốt 2 năm qua. 

Tuy nhiên, liên quan tới vấn đề nhạy cảm nhất hiện nay là tiếp nhận người nhập cư, thì 7 nước Nam Âu lại cho thấy sự bất đồng, đặc biệt liên quan tới chính sách của Italy. Từ 1 năm nay, Italy đã từ chối tất cả các tàu nhân đạo chở người nhập cư cập cảng nước này. Cuộc họp chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung chung như sự cần thiết phải tăng cường biên giới bên ngoài và soạn thảo một chính sách nhập cư chung hay đoàn kết các nước. Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã tỏ rõ sự không hài lòng khi tuyên bố các nước đã nói về tình đoàn kết song lại không có bất kỳ bước đi nào cho thấy điều  này:

“Tôi kêu gọi và hi vọng các quốc gia phía Nam của Liên minh châu Âu đoàn kết hơn. Bởi nếu không làm được như vậy, thì trong bối cảnh Liên minh châu Âu 28 nước thành viên hiện nay và có thể là 27 sau này, chúng ta có thể sẽ không bảo vệ được các lợi ích của mình, kể cả các lợi ích địa chính trị”, ông Giuseppe Conte nói.

Là quốc gia cửa ngõ châu Âu và trong những năm qua phải tiếp nhận hàng trăm nghìn người nhập cư, Italymuốn các đối tác châu Âu phải chia sẻ nhiều  hơn gánh nặng tiếp nhận người nhập cư.

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo 7 nước Nam Âu đã thể hiện sự ủng hộ đối với Cộng hòa Síp trong tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề sở hữu và khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên. Các nước kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt các hành vi bất hợp pháp, ngầm ám chỉ ý định của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành khai thác tại những khu vực mà Cộng hòa Síp tuyên bố là Vùng Đặc quyền kinh tế./.

Tổng hợp

Nguồn: vov.vn

 

Exit mobile version