Nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, các nước châu Âu tìm đến giải pháp điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo Hãng tin Reuters, lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu Olkiluoto 3 (OL3) nằm tại Phần Lan đã được đưa vào hoạt động trở lại vào sáng 16-4, sau 18 năm ngưng.
Động thái này được cho là sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng ở châu Âu trong bối cảnh Nga đang cắt giảm nguồn cung khí đốt và năng lượng cho khu vực.
Năng lượng hạt nhân từ lâu đã gây tranh cãi tại châu Âu, phần lớn là do các lo ngại về an toàn.
Hôm 15-4, Đức đã cho tắt 3 lò phản ứng hạt nhân cuối cùng ở nước này, trong khi các nước như Thụy Điển, Pháp, hay Anh lại đang có kế hoạch phát triển thêm.
Đơn vị vận hành lò phản ứng Olkiluoto 3 là Teollisuuden Voima (TVO) thuộc Công ty năng lượng Fortum hàng đầu tại Phần Lan và một tập đoàn gồm các công ty năng lượng và công nghiệp, cho biết OL3 được mong đợi sẽ đáp ứng đủ cho 14% nhu cầu điện tại Phần Lan, giúp giảm lượng điện nhập khẩu từ Thụy Điển và Na Uy.
Cũng theo TVO, lò phản ứng này dự kiến sẽ hoạt động trong ít nhất 60 năm.
“Việc sản xuất của lò phản ứng Olkiluoto 3 sẽ giúp ổn định giá điện và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi xanh ở Phần Lan”, giám đốc điều hành TVO, ông Jarmo Tanhua nói trong thông cáo hôm 16-4.
OL3 đã được dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022 nhưng đã gặp sự cố và phải mất nhiều tháng để khắc phục.
Từ tháng 5-2022, Công ty điện lực Inter RAO của Nga đã ngừng xuất khẩu điện đến Phần Lan với lý do chưa được thanh toán. Không lâu sau đó, Gazprom, công ty khí đốt lớn nhất thế giới của Nga, cũng đã dừng cung cấp năng lượng đến các nước Bắc Âu.
Đây cũng là một trong những hậu quả từ những mâu thuẫn sâu sắc giữa Nga và châu Âu trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine.
Theo Nghi Vũ / tuoitre.vn