Site icon Thời báo Việt Đức

Lợi thế quyền lưu trú khi kết hôn với người Đức

Bất kể người nước ngoài là ai, khi kết hôn với cùng người nước ngoài sống ở Đức, người sống ở Đức bắt buộc phải có thu nhập bảo đảm cuộc sống tối thiểu theo tiêu chuẩn Hartz IV. Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Câu hỏi:

Cháu 27 tuổi, quốc tịch Đức, đang đi làm. Bạn gái cháu sang Đức học Master ngành International Business đã được hơn 2 năm nay và sắp tốt nghiệp; Sở Ngoại kiều gia hạn giấy phép lưu trú đến tháng 10.2016. Sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Đức sẽ được gia hạn 18 tháng để tìm việc. Khi có việc sẽ được cấp giấy phép lưu trú. Tuy nhiên bạn gái cháu lại thuộc ngành học khó có cơ hội đó, nên dự định sau khi tốt nghiệp Master sẽ học tiếp 1 ngành Bachelor nào đó để dễ tìm việc sau này. Nhưng Sở Ngoại kiều đã trả lời bạn gái cháu không được phép học thêm Bachelor 1 ngành nào khác, mà chỉ được phép đi làm sau khi hoàn thành khóa học Master. Vì vậy chúng cháu quyết định kết hôn, không trông chờ vào tiêu chuẩn dành cho sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm. Mọi giấy tờ phía bạn gái cháu đã chuẩn bị đầy đủ. Về phần cháu Sở Hôn thú Standesamt chỉ yêu cầu nộp Einbürgerungsurkunde và Geburtsurkunde, không thấy đề cập gì về thu nhập cá nhân. Vậy, cháu muốn hỏi, theo luật cần phải có thu nhập chung tối thiểu là bao nhiêu? Liệu có ưu tiên gì đối với sinh viên đã tốt nghiệp cao học tại Đức hay không? (Cháu A.T.).

Trả lời:

Trường hợp đoàn tụ gia đình với người Đức do Luật lưu trú điều chỉnh, được quy định tại Điều §5, Điều §27 và Điều §28 dưới đây:

Điều §5 Những điều kiện chung để cấp giấy phép lưu trú (trích):

(1) Cấp giấy phép lưu trú, trên nguyên tắc, đòi hỏi điều kiện phải có hộ chiếu quy định tại §3 và

  1. Đảm bảo chi phí cuộc sống,1a. Nhân thân và quốc tịch, trong trường hợp không được quyền trở lại nước thứ 3, phải rõ ràng.
  2. Không có lý do bị trả về nước và
  3. Trong trường hợp không có quyền đòi hỏi được cấp giấy phép lưu trú, thì việc lưu trú của người đó không vì một lý do khác, ảnh hưởng xấu hoặc nguy hại lợi ích nước Đức.

Điều 27 Nguyên tắc cơ bản về đoàn tụ gia đình (trích):

(1) Căn cứ Điều §6 Hiến pháp, để bảo vệ hôn nhân và gia đình, giấy phép tạm trú Aufenthaltserlaubnis được cấp và gia hạn cho người nhà của người nước ngoài (đoàn tụ gia đình), phục vụ cho việc xây dựng và bảo đảm cuộc sống gia đình họ trên nước Đức.

(3) Giấy phép tạm trú với mục đích đoàn tụ gia đình có thể sẽ bị từ chối cấp, nếu người đón người nhà sang đoàn tụ phải dựa vào trợ cấp xã hội để chi phí cho cuộc sống của thành viên gia đình hay thành viên cùng chung sống. Có thể bỏ qua, không vận dụng §5 đoạn (1) điểm 2.

Điều 28 Đoàn tụ gia đình với người Đức (trích):

Giấy phép lưu trú Aufenthaltserlaubnis được cấp cho người nước ngoài là chồng/vợ, con chưa thành niên của người Đức, cha/mẹ của con chưa thành niên có quốc tịch Đức để thực hiện trách nhiệm chăm sóc chúng, nếu người Đức đó sống ở Đức. Giấy phép đó được cấp không cần điều kiện quy định ở Điều §5, đoạn 1.

Như vậy đoàn tụ với người Đức không cần điều kiện bảo đảm chi phí cho cuộc sống ở Đức đã quy định tại Điều §5. Đây là lợi thế khi đệ đơn đoàn tụ gia đình của những người kết hôn với người Đức thu nhập không bảo đảm cuộc sống như mất sức, hưởng trợ cấp xã hội, Hartz IV…

Trong khi đó, bất kể người nước ngoài là ai, khi kết hôn với cùng người nước ngoài sống ở Đức, người sống ở Đức bắt buộc phải có thu nhập bảo đảm cuộc sống tối thiểu theo tiêu chuẩn Hartz IV cho cả gia đình, không có trường hợp ngoại lệ.

Thanh Lương

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!

Exit mobile version