Site icon Thời báo Việt Đức

Lựa chọn sự nghiệp hay là nuôi dạy con cái? Những câu chuyện thức tỉnh bậc làm cha mẹ

Ảnh minh họa: pixabay.com

Rốt cuộc là nên dành nhiều hay ít thời gian và tâm huyết cho việc giáo dục, chăm sóc con cái? Đây là vấn đề khiến cho nhiều người làm cha mẹ phải băn khoăn, không biết nên làm thế nào cho tốt.

Bởi vì trẻ nhỏ từ khi mới sinh ra cho đến 3 tuổi tốt nhất là được người mẹ ở bên cạnh chăm sóc nuôi dưỡng. Nhưng nếu trong 3 năm đó toàn tâm lo chăm sóc đứa trẻ, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến công tác của mình. Nếu không bỏ thời gian chăm sóc con nhỏ thì lại không đành lòng. Tình huống này, thực sự là khiến cho con người ta băn khoăn khó xử.

Trong tình huống như vậy, cha mẹ nên chọn lựa thế nào đây?

Từng có một tỷ phú nói rằng: “Cho dù sự nghiệp của một người có thành công vang dội đến mấy, cũng không thể nào bù đắp được thiếu sót đáng tiếc trong việc giáo dục con cái thất bại”.

Chúng ta thường nói rằng cuộc sống vốn vất vả và không dễ dàng gì, vậy nên cần phải cố gắng làm việc mới có thể cho con cái một cuộc sống thoải mái, đầy đủ. Tuy nhiên, điều chính yếu mà con nhỏ cần chỉ là có cha mẹ bên cạnh để bầu bạn mà thôi. Hơn nữa việc giáo dục con trẻ là không thể để về sau bù đắp, nếu không phải từ nhỏ dụng tâm giáo dục cho tốt, thì về sau khi con đã lớn khó lòng thay đổi được chúng.

“Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, trẻ nhỏ khi mới sinh ra tất cả đều với bản tính trong sáng, hồn nhiên. Nhưng về sau vì điều gì, có một số trẻ thì có tri thức hiểu lễ nghĩa, trở thành đứa trẻ ngoan, còn một số trẻ thì trở thành những đứa trẻ hư hỏng?

Cha mẹ giáo dục là việc quan trọng nhất. Cho nên, cho dù cha mẹ có kiếm được nhiều hay ít tiền, sự nghiệp phát triển có thuận lợi hay quan trọng bao nhiêu, nếu không thể nuôi dưỡng giáo dục con cái cho đích đáng, thì sau này khi về già ắt sẽ phải đau lòng và hối hận.

Chúng ta không cần dành toàn bộ thời gian của mình cho con, nhưng cũng tuyệt đối không thể coi trọng sự nghiệp mà không quan tâm đến con cái.

Có người từng nói rằng: “Kỳ thực, bản chất của hạnh phúc là một loại cảm giác, vậy là loại cảm giác gì đây? Hạnh phúc chính là cảm giác vui vẻ và có ý nghĩa”.

Trẻ em lúc còn nhỏ có một tâm hồn trong trẻo ngây thơ, rất dễ dàng cho sự uốn nắn và điều chỉnh. Trẻ nhỏ cũng như những dòng nước, vừa trong trẻo mềm mại, lại hoạt bát tự do, một khi chúng được khơi dòng định hướng theo một phương hướng nào đó, thì có thể sẽ thay đổi dòng chảy của mình theo hướng đã được định. Trong xã hội, vì sao có những người có thể phát huy tác dụng của bản thân để đóng góp cho xã hội, lại có những người không như vậy? Trọng điểm của vấn đề này nằm ở vai trò quyết định của giáo dục gia đình, mà cha mẹ chính là người đảm nhiệm trọng trách ấy.

Con cái không thể chọn lựa cha mẹ, nhưng là vì cha mẹ mong muốn và đưa con trẻ đến với thế giới này, cho nên phải cho con một môi trường giáo dục tốt, phải làm một người bạn thân thiết đồng hành với con, đó chính là trách nhiệm cần phải thực hiện của một người làm cha làm mẹ.

Có người từng ví rằng:

Tâm hồn của trẻ thơ như một vùng đất kỳ lạ

Nếu gieo vào đó hạt giống tư tưởng thì sẽ thu hoạch được hành vi;

Nếu gieo vào đó hạt giống hành vi thì sẽ thu hoạch được thói quen;

Nếu gieo vào đó hạt giống thói quen sẽ thu hoạch được phẩm đức;

Nếu gieo vào đó hạt giống phẩm đức sẽ thu hoạch được vận mệnh.

Ở nước Anh, có hai gia tộc truyền thừa qua nhiều thế hệ nhưng lại khác nhau một trời một vực. Gia tộc thứ nhất có tên là Edwards, tin vào Cơ Đốc Giáo, là một dòng dõi rất hiếu học, nghiêm khắc và chăm chỉ. Lão Edward là nhà bác học, một triết học gia đa tài, cũng là một người rất nghiêm khắc và cần mẫn.

Gia tộc thứ hai với tên gọi là Max Jukes, gia tộc này nổi danh là vô thần, đối lập hoàn toàn với gia tộc của Edwards nói trên. Lão Jukes là một người nghiện rượu và cờ bạc nổi tiếng khắp vùng, suốt ngày không làm gì cả, chỉ biết say khướt và bài bạc.

Có học giả A. E. Winship người Mỹ đã làm một cuộc nghiên cứu vào năm 1900, so sánh hai gia tộc, ghi thành một bức thư “Jukes – Edwards”. Ông theo dõi sự phát triển của 2 gia tộc qua 200 năm nay, kết quả cụ thể như sau:

Gia tộc Edwards: Nhân khẩu 1394 người; trong đó có 100 vị giáo sư đại học, 14 hiệu trưởng các trường đại học, 70 vị luật sư, 30 vị thẩm phán, 60 bác sĩ, 60 nhà văn, 300 vị mục sư, thần học, 3 nghị viện, 1 phó tổng thống.

Gia tộc Max Jukes: Nhân khẩu 903 người; trong đó có  310 lưu manh, 130 người ngồi tù 13 năm trở lên, 7 người phạm tội giết người, 100 người nghiện rượu, 60 người ăn trộm, 190 kỹ nữ, 20 thương nhân, trong đó có 10 người là học kinh doanh trong tù giam.

Từ ví dụ điển hình ở trên có thể dễ dàng thấy rằng, đứa trẻ tương lai có thể trở thành dạng người như thế nào, phụ thuộc rất lớn vào việc cha mẹ nó là người như thế nào, phụ thuộc rất lớn vào giáo dục gia đình ở giai đoạn phát triển ban đầu.

Con trẻ là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ, là bản sao của cha mẹ. Vì bồi dưỡng phẩm đức cho con trẻ, thân là cha mẹ nên phải cẩn trọng trong hành vi, ngôn ngữ cũng như thái độ cư xử của mình, và nên là tấm gương mẫu mực cho con trẻ noi theo mọi lúc, mọi nơi.

Vận mệnh của con trẻ nằm trong tay của cha mẹ, bản thân cha mẹ nên yêu cầu chính mình hết sức nghiêm cẩn, làm hình mẫu cho con trẻ học theo. Cố gắng bồi dưỡng phẩm đức cho con, chính là tạo điều kiện cho chúng tạo lập, phát triển tương lai tích cực tươi sáng, đồng thời cũng khiến cho chính cha mẹ trở thành những người vĩ đại, tuyệt vời.

Vậy nên cha mẹ hãy nhớ rằng dù sự nghiệp có quan trọng đến mấy, thành công đến mức nào đi nữa cũng không thể nào bù đắp được cho việc thất bại trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Khi còn trẻ các bậc cha mẹ nhất định không được lấy cớ bận rộn kiếm tiền, lo lắng sự nghiệp mà xem nhẹ, sao nhãng đối với việc giáo dục nuôi dạy con trẻ. Bởi đến khi về già, nhìn lại hết thảy vinh hoa phú quý chẳng khác nào mây khói ngang qua, mà con cháu lại không nên thân, lúc ấy chẳng phải là đã muộn để mà bi thương hối hận sao?

Ngược lại khi tuổi đã già nhìn con cháu trưởng thành hiếu thuận, tài đức đều có, chẳng phải là mỉm cười hài lòng, cảm thấy mình đã thành công và hạnh phúc mỹ mãn, đó chẳng phải là có được hết thảy trong cuộc sống hay sao!

Theo tw.aboluowang.com
Minh Phúc biên dịch

Nguồn: dkn.tv

Exit mobile version