Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump đang làm xôn xao chính trường Mỹ với nhiều câu hỏi được đặt ra.
Chính trường Mỹ lại xôn xao việc luận tội Tổng thống
Ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 4 của Mỹ đối mặt với quá trình luận tội sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cáo buộc ông phản bội lại lời tuyên thệ nhậm chức và an ninh quốc gia của nước Mỹ khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ một quốc gia khác trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, bà Pelosi cho biết Hạ viện sẽ xem xét việc Tổng thống Trump gây sức ép với Tổng thống Ukraine để điều tra các hoạt động kinh doanh của con trai của cựu Phó Tổng thống Joe Biden – một trong những ứng cử viên tranh cử Tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ.
Yêu cầu luận tội được bà Pelosi đưa ra trong một bài phát biểu dài 6 phút là vụ điều tra luận tội Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ sau khi Hạ viện luận tội Tổng thống Bill Clinton năm 1998. Động thái trên cũng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump phản bác lại những chỉ trích của đảng Dân chủ khi tuyên bố rằng ông sẽ công bố nội dung cuộc điện đàm gây tranh cãi của ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25/7.
“Tổng thống phải chịu trách nhiệm. Không có ai đứng trên luật pháp. Hành động của Tổng thống Trump cho thấy ông ấy đã phản bội lại lời tuyên thệ nhậm chức, phản bội lại an ninh quốc gia và sự thống nhất của cuộc bầu cử của chúng ta”, bà Pelosi khẳng định.
Tổng thống Trump, hiện đang ở New York để tham dự phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ trích động thái này trên Twitter rằng: “Một ngày quan trọng như vậy tại Liên Hợp Quốc với quá nhiều công việc và những thành công nhưng Đảng Dân chủ đã hủy hoại và hạ thấp giá trị của những điều này bằng những tin tức và “Cuộc săn Phù thủy” rác rưởi. Thật tồi tệ cho đất nước chúng ta”.
Bê bối này xảy ra sau khi một quan chức trong cơ quan tình báo đưa ra những lo ngại về cuộc trao đổi của ông Trump với một nhà lãnh đạo nước ngoài và sau đó nhà lãnh đạo này được tiết lộ là ông Zelensky. Joseph Maguire – quyền Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ đã từ chối trả lời Quốc hội về những thông tin trên – một động thái mà bà Pelosi gọi là “sự vi phạm” luật pháp nước Mỹ.
Tổng thống Trump thừa nhận là ông đã nói chuyện với Tổng thống Zelensky về nhà Biden và cũng xác nhận rằng ông đã quyết định tạm rút gói hỗ trợ quân sự gần 400 triệu USD cho Ukraine trước khi gọi điện cho Tổng thống nước này. Tuy nhiên, ông Trump phủ nhận cáo buộc ông cố gây sức ép với ông Zelensky.
Ông Trump đã gọi bản sao cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky là “hoàn hảo” và cho biết nó sẽ chứng minh rằng ông không hề gây sức ép với người đồng cấp Ukraine để can thiệp vào chính trị Mỹ. Ngoài văn bản này, đảng Dân chủ cũng yêu cầu một bản sao đơn khiếu nại của người đã tiết lộ thông tin trên. Một thành viên đảng Dân chủ cho biết đảng này không thể xác định chính xác Tổng thống Trump đã làm gì trừ khi đọc được đầy đủ bản khiếu nại này.
Vì sao Hạ viện điều tra luận tội ông Trump vào thời điểm này?
Câu hỏi đặt ra ra tại sao việc luận tội lại diễn ra vào thời điểm này thay vì khi báo cáo của ông Mueller được đưa ra vào tháng 4/2019?
Thứ nhất, việc ông Trump bị cáo buộc là gây sức ép lên nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky diễn ra khi ông đang trong nhiệm kỳ Tổng thống.
Mặc dù báo cáo của ông Robert Mueller có đưa ra một số dẫn chứng về việc Tổng thống Trump cản trở luật pháp từ năm 2017 nhưng điểm trọng tâm trong báo cáo này vẫn là cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga. Tuy nhiên, điều này lại xảy ra trước khi ông Trump trở thành Tổng thống.
Điều đáng nói thứ hai là Tổng thống Trump đã rút gói hỗ trợ quân sự gần 400 triệu USD trước khi yêu cầu Tổng thống Ukraine điều tra các hoạt động kinh doanh của con trai ông Joe Biden vào ngày 25/7. Điều này cũng xảy ra chỉ 1 ngày sau khi ông Mueller làm chứng tại Hạ viện.
Việc này được cho là sẽ ảnh hưởng đến những cử tri dao động khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã cận kề. Theo nhà phân tích Edward Luce nhận định trên trang CNA, nếu người rò rỉ thông tin trên ra làm chứng công khai và những lời khai này đủ sức thuyết phục thì điều đó chắc chắn có thể làm thay đổi tình hình chính trị nước Mỹ.
Giống như bà Pelosi, ông Biden dường như cũng có những toan tính chính trị riêng. Là mục tiêu trong cuộc công kích của ông Trump và là ứng viên tranh cử Tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ, ông Biden có một vị trí riêng trong sự việc lần này. Cựu Phó Tổng thống cho rằng: “Việc từ chối cung cấp thông tin cho Hạ viện, điều đã được ghi trong Hiến pháp và cản trở những nỗ lực của cơ quan này trong quá trình điều tra không phải là hành động của một Tổng thống Mỹ. Đó là sự lạm quyền”.
“Donald Trump đã khiến Hạ viện không còn lựa chọn nào khác ngoài bắt đầu tiến trình luận tội. Đó là một bi kịch nhưng là một bi kịch do chính ông ấy tạo nên”, cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden nói thêm.
Luận tội Tổng thống – Ván bài may rủi của Hạ viện
Tuy nhiên, việc luận tội Tổng thống Trump giống như một “con dao 2 lưỡi” với đảng Dân chủ. Trên thực tế, tiến trình luận tội Tổng thống có thể là một “ván bài rủi ro” và thậm chí đôi khi phản tác dụng. Năm 1998, chính vụ luận tội Tổng thống Bill Clinton đã gây “tác dụng ngược” khi tỷ lệ ủng hộ ông Clinton tăng cao trong khi các ứng viên của đảng Cộng hòa chịu tổn thất nặng nề trong cuộc bầu cử sau đó.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi từ lâu đã ngần ngại trong việc kêu gọi các thành viên trong Hạ viện luận tội Tổng thống Trump với lập luận rằng một Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ không đời nào buộc tội Tổng thống. Bà Pelosi cũng lo ngại điều này sẽ tăng cường mạnh mẽ sự ủng hộ của các cử tri của ông Trump và gia tăng cơ hội tái đắc cử của ông.
Để thông qua các điều khoản luận tội, đảng Dân chủ cần đạt được đa số phiếu tán thành tại Hạ viện. Điều này không mấy khó khăn khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện. Tuy nhiên, họ cũng cần sự tán thành ấy từ 20 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nhằm ngăn cản ông Trump đạt được tỷ lệ 2/3 cần thiết nếu muốn buộc tội Tổng thống và buộc ông phải từ chức.
Chỉ có 2 Tổng thống từng bị luận tội là Tổng thống Bill Clinton và Andrew Johnson. Các điều khoản luận tội từng được ủy ban tư pháp Hạ viện thông qua nhằm chống lại Tổng thống Richard Nixon nhưng ông Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu về vấn đề này nên về lý thuyết, Tổng thống Nixon không bị luận tội. Trong khi đó, dù ông Johnson và ông Clinton bị luận tội ở Hạ viện nhưng sau đó vẫn tiếp tục đương nhiệm do Thượng viện không thông qua các điều khoản luận tội này.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Việc luận tội Tổng thống Trump dường như cần thêm nhiều thông tin về cuộc điện đàm giữa ông với nhà lãnh đạo Ukraine. Ủy ban Tư pháp Hạ viện thông báo rằng người tiết lộ thông tin này muốn ra làm chứng và việc đó sẽ tiến hành sớm nhất có thể là trong tuần này. Điều đó tức là công chúng sẽ sớm biết được thông tin chi tiết về những cáo buộc chống lại ông Trump cũng như xem xét các bằng chứng trên thuyết phục tới đâu.
Trong một cuộc bỏ phiếu với sự nhất trí hiếm hoi, Thượng viện ngày 24/9 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Nhà Trắng giao bản báo cáo của nhân vật đã tiết lộ các cáo buộc về Tổng thống Trump.
Cũng trong ngày 24/9, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ công bố bản sao cuộc điện đàm giữa ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 25/9 bất chấp những khẳng định trước đó của luật sư riêng Rudy Giuliani rằng sẽ không có văn bản nào như vậy được đưa ra./.
Thei Kiều Anh / vov.vn