Site icon Thời báo Việt Đức

Lưu ý khi chuyển hài cốt thân nhân từ Đức về Việt Nam

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Gần đây, không những nhiều Việt kiều tại Đức qua đời vì tuổi già, bệnh nặng, ốm đau, mà còn liên tiếp xảy ra khá nhiều vụ các em du học sinh tự tử vì trầm cảm, cô đơn hay đôi khi tử vong vì gặp tai nạn rủi ro. Nhiều Việt kiều có nguyện vọng được an táng tại quê nhà. Còn các du học sinh đa phần bắt buộc phải đưa về nước.

Gia quyến ở xa trong cơn đau buồn lại gặp khó khăn tài chính, bởi đã không thể nhìn mặt con cháu mình lần cuối, lại hoang mang vì phải lo một số tiền lớn mới có thể mang được hài cốt thân nhân về quê hương. Nhân có vụ một em du học sinh mới qua đời chưa rõ lý do (cảnh sát Đức hiện còn điều tra), người nhà em phải lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ thiện nguyện của cộng đồng khắp nơi, Tòa soạn chúng tôi đã tìm hiểu và xin phép gửi tới Quý độc giả một số điều cần biết và lưu ý khi muốn vận chuyển hài cốt thân nhân từ Đức về Việt Nam.

Theo Hiệp hội các nhà tang lễ tại Đức (viết tắt BDB, Bundesverband Deutscher Bestatter e.V.) thì hàng năm có khoảng 15.000 vụ vận chuyển hài cốt từ Đức ra nước ngoài và cũng khoảng từng đó thi thể được đưa từ nước ngoài về Đức, trong đó có 60% là vận chuyển qua đường hàng không.

Thông thường, vận chuyển thi thể đặt trong một quan tài sẽ phải tuân thủ những qui định và kiểm tra nghiêm ngặt, cũng đắt hơn là vận chuyển hài cốt dưới dạng tro, và chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cũng phải chăng hơn là đường bộ hoặc đường biển, phụ thuộc vào kích cỡ của quan tài, những dịch vụ giấy tờ, kể cả dịch vụ liên quan đến tín ngưỡng và khoảng cách từ Đức đến quê hương của người quá cố.

Cụ thể ở đây là vận chuyển hài cốt hoặc tro cốt từ Đức về Việt Nam – theo sự tìm hiểu của Tòa soạn, tổng chi phí dao động từ mức thấp nhất là 4.500 Euro đến 20.000 Euro. Vận chuyển tro cốt chỉ tốn khoảng 2.000 Euro. Thi thể sẽ được đặt trong một quan tài đặc biệt làm từ kẽm, hàn kín xung quanh. Sau đó, quan tài kẽm này lại phải có khung gỗ bao bọc bên ngoài. Những giấy tờ bắt buộc gửi kèm hài cốt được vận chuyển gồm: một “hộ chiếu” quốc tế cho người mất được in bằng nhiều thứ tiếng (tiếng Đức là Leichenpass). Chi phí làm hộ chiếu này dao động từ 20 Euro đến 120 Euro, trong đó có đầy đủ thông tin cá nhân của người mất, lý do tử vong, cũng như phương tiện và cách thức vận chuyển, quãng đường từ nơi gửi đi đến điểm đích, thông tin của gia quyến.

Để xin được tấm hộ chiếu này cần nộp đủ một giấy báo tử, một chứng nhận được phép vận chuyển hài cốt của bác sỹ và một chứng nhận nhập quan, đóng quan tài theo đúng qui định. Trong trường hợp ngoại lệ như không phải chết tự nhiên thì cần xin thêm giấy phép được vận chuyển hài cốt từ Cơ quan công tố hoặc Tòa án phụ trách và xét xử vụ án. Vận chuyển hài cốt dưới dạng tro thì không cần có giấy chứng nhận được vận chuyển của bác sỹ, nhưng lại cần thêm một giấy kiểm dịch.

Theo thông tin của hãng hàng không Vietnam Airlines, thì thi thể người chết chỉ được vận chuyển dưới dạng hàng hóa theo quy định về vận chuyển hàng hóa. Còn hài cốt dạng tro có thể được vận chuyển như hành lý xách tay hoặc hành lý ký gửi, với điều kiện phải có giấy phép kiểm dịch của cơ quan y tế cấp tỉnh hoặc thành phố.

Trường hợp vận chuyển dưới dạng hành lý ký gửi, hành khách phải đảm bảo tro được đóng gói kỹ, có thể chịu được va đập trong quá trình vận chuyển. Quan trọng hơn nữa dù là vận chuyển hài cốt hay tro cốt thì cũng phải có một giấy chứng nhận hải quan, xác nhận rằng trong quan tài cũng như hũ đựng tro cốt không giấu hay gửi kèm những vật dụng bị cấm hoặc phải nộp thuế.

Gia quyến có thể nhờ bạn bè sinh sống tại Đức để giúp lựa chọn các nhà tang lễ lo hậu sự và vận chuyển hài cốt của thân nhân về quê hương.

Lựa chọn hàng đầu nên là các nhà tang lễ chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển hài cốt ra nước ngoài từ Đức, vì họ sẽ có nhiều kinh nghiệm và đã thiết lập sẵn các mối quan hệ – ví dụ với Lãnh Sự Quán, với phiên dịch, với các cơ quan nhà nước Đức, bác sỹ pháp y để xin giấy báo tử và hoàn tất các thủ tục, hồ sơ, giúp gia đình của người mất lo liệu mọi giấy tờ mà thậm chí không cần họ phải có mặt tại Đức. Những nhà tang lễ này đồng thời chịu trách nhiệm luôn quá trình bảo quản và chăm sóc hài cốt một cách tốt nhất có thể, như khâm liệm, kiểm dịch, tẩy uế theo qui định của nhà nước và các hãng hàng không v.v… Mức giá thành của họ thường phải chăng hơn so với những nhà tang lễ ít kinh nghiệm hoặc ở xa khu vực sân bay, ở xa nơi nạn nhân tử vong, vì giảm được những chi phí phát sinh như đi lại, thuê thêm dịch vụ phiên dịch hay thêm người lo thủ tục.

Anh Thư

 

Exit mobile version