Site icon Thời báo Việt Đức

Mảng tối sau cuộc sống ‘thiên đường’ ở Bắc Âu

Thụy Điển. Ảnh: N. Hưng

Không ít người trong số chúng ta đều nghe về cuộc sống đầy mơ ước ở Đan Mạch, Phần Lan… những quốc gia được biết đến là nơi đáng sống nhất trên thế giới. Tuy nhiên, không hẳn nó chỉ có màu hồng…

Chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, mua thuốc chống trầm cảm …thứ nhì thế giới

Vài năm gần đây, người dân trên khắp thế giới đều vô cùng ngưỡng mộ cuộc sống thịnh vượng ở các quốc gia vùng Scandinavia (như Iceland, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển). Tuy nhiên, tờ The Guardian của Anh chỉ ra rằng, dù chất lượng sống ở các quốc gia này tuyệt vời đến mức không thể bàn cãi, nhưng đôi khi những giai thoại về “thiên đường Bắc Âu” mà báo chí tô vẽ trong thời gian qua có đôi chút phóng đại so với sự thật.

Trên thực tế, các quốc gia này vẫn có những bất cập về cuộc sống, xã hội giống như bao nơi khác trên thế giới.

Trong sự hình dung của nhiều người, cuộc sống ở Đan Mạch hay Phần Lan là “thiên đường” đầy mơ ước: Người dân có thu nhập cao, thời gian làm việc rút ngắn; Chính phủ liêm khiết, tỉ lệ tội phạm và tham nhũng thấp; Chính sách phúc lợi Nhà nước đầy đủ từ chăm sóc y tế, hỗ trợ giáo dục miễn phí đến trợ cấp thất nghiệp hào phóng; Không khí trong lành v.v…

Không nơi đâu có không gian sống lý tưởng đến như vậy, kể cả các quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất thế giới như Qatar, Luxembourg hay Mỹ, Anh… Song bức tranh Bắc Âu cũng có những mảng sáng tối mà nhiều người không biết đến.

Đan Mạch là quốc gia luôn đứng đầu trong các cuộc khảo sát về chỉ số hạnh phúc con người, có sự gắn kết xã hội cao. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ họ cũng đồng thời là nước tiêu thụ thuốc chống trầm cảm nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Iceland. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chính việc người dân làm ít giờ trong ngày hơn hầu hết các nước trên thế giới đã khiến cho nền sản xuất nơi đây hết sức ảm đạm.

Không như nhiều người tưởng tượng, Đan Mạch có mức nợ tiêu dùng cá nhân cao nhất trên thế giới (gấp bốn lần Italy), trong khi hơn một nửa trong số người được hỏi thừa nhận, họ phải đi vay nợ hoặc vay từ “tín dụng đen” để đảm bảo cho nhu cầu hàng hoá, dịch vụ hàng ngày.

Thế nhưng, hiểu lầm lớn nhất về quốc gia này có lẽ là vấn đề bảo vệ hệ sinh thái. Theo báo cáo năm 2012 của Quỹ Thiên nhiên Toàn cầu, họ có diện tích sinh thái trên đầu người cao thứ tư trên thế giới, hơn cả Mỹ.

Những cối xay gió ngoài khơi có thể khiến bạn rất ấn tượng về một quốc gia sử dụng năng lượng sạch, nhưng thực tế Đan Mạch tiêu thụ lượng than đá đến mức “khủng khiếp”.

Nghịch lý hơn, người Đan Mạch hiện đang phải đóng mức thuế cao nhất thế giới trong khi mức thu nhập trung bình của họ chỉ đứng thứ 6. Một chuyên gia về môi trường chia sẻ, ông chỉ làm việc đến trưa thứ Năm hàng tuần, thời gian còn lại đều dành cho việc vui chơi giải trí.

Không như là mơ

Khi đọc đến đây, nhiều người có thể biện minh rằng, trừ những điều ở trên kia, dẫu sao Đan Mạch cũng có dịch vụ công tốt nhất thế giới? Nhưng thực tế theo chương trình đánh giá sinh viên quốc tế của OECD (PISA), các trường học ở Đan Mạch tụt hậu so với ở Anh.

Dịch vụ, chăm sóc sức khoẻ của họ cũng đang quá tải. Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, người Đan Mạch đang có tỷ lệ ung thư cao nhất trên hành tinh.

Nghiêm trọng hơn cả, bình đẳng kinh tế – mà nhiều người tin rằng là nền tảng của sự thành công xã hội – đang giảm dần. Theo một báo cáo của Politiken năm 2014, tỷ lệ người dưới chuẩn nghèo đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Đan Mạch đang trở thành một quốc gia bị phân hóa giàu nghèo khá lớn.

Ngoài Thủ đô Copenhagen, các tỉnh khác đang trở thành vùng đất tràn ngập người nhập cư, người già, người thất nghiệp. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan tăng cao cùng với công tác an ninh ngày một lơ là cũng trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Trong khi đó ở Phần Lan, quốc gia nổi tiếng bởi sự thân thiện của người dân cũng không thiếu những rủi ro tiềm năng.

Phần Lan hiện đứng thứ ba thế giới về số lượng người sở hữu súng, chỉ đứng sau Mỹ và Yemen. Nước này có tỷ lệ giết người cao nhất ở Tây Âu – gấp đôi Anh; và đến nay tỷ lệ tự sát cũng ở mức cao nhất Bắc Âu. Rượu là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam giới. Ngoài ra, sau khi “thương hiệu quốc gia” Nokia bị nuốt chửng bởi tập đoàn Microsoft (Mỹ), nền kinh tế của họ giờ đây chỉ phụ thuộc vào việc… bán giấy.

Cách đây vài năm, viện Nghiên cứu Ý kiến ​​Công chúng Thụy Điển đã yêu cầu một số người trẻ nước này tự mô tả về đồng bào của mình. Tám từ được chọn nhiều nhất là: Ghen tị, cứng cỏi, siêng năng, yêu thiên nhiên, trầm mặc, trung thực, không trung thực, bài ngoại.

Åke Daun, nhà dân tộc học nổi tiếng nhất của Thụy Điển cho hay: “Người Thụy Điển không “mạnh mẽ” như công dân của một số quốc gia khác”. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp nước này cao hơn Anh và cao hơn mức trung bình của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Sự thành công của các quốc gia Bắc Âu không phải là phép lạ. Thành công này được sinh ra từ sự kết hợp bởi nhiều yếu tố, từ bản chất ngại va chạm, ít tham vọng của chủng tộc người nơi đây, cho đến vị trí địa lý tách biệt và vai trò quản lý xuất sắc của Chính phủ v.v…

Tuy nhiên, họ đang trải qua những bất cập mới mà nguyên do chủ yếu xuất phát từ chính mong muốn xây dựng một quốc gia thịnh vượng.

Chi tiêu phúc lợi nhiều hơn khả năng trang trải đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế vốn đang chững lại và trở thành hệ lụy lan truyền trong nhiều mặt cuộc sống. Trong tương lai, các quốc gia vùng Scandinavia sẽ còn rất nhiều điều phải làm.

Theo Quốc Vinh / nguoiduatin.vn

Exit mobile version