Trong khi nhiều lãnh đạo cố hạ mức nghiêm trọng của Covid-19, bà Merkel không ngần ngại nói sự thật phũ phàng rằng 70% người Đức có thể nhiễm nCoV.
“Chúng ta phải hiểu rằng nhiều người sẽ mắc bệnh. Các chuyên gia ước tính chừng nào virus còn tồn tại, 60-70% dân số sẽ bị nhiễm”, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong cuộc họp báo hôm 11/3 tại Berlin, lưu ý thêm rằng người dân chưa miễn dịch với nCoV, cũng chưa có vaccine và liệu pháp nào, trong khi số ca bệnh đang tăng theo cấp số nhân.
Bà Merkel cho biết việc quan trọng nhất là kiềm chế sự lây lan của nCoV để mọi người có thêm thời gian phát triển hệ miễn dịch, đồng thời tránh gây quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Theo bình luận viên Katrin Bennhold và Melissa Eddy của NY Times, lời cảnh báo của bà Merkel tương phản rõ rệt so với những tuyên bố “bẻ cong sự thật” của nhiều lãnh đạo thế giới khác, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông cho rằng nCoV sẽ biến mất khi thời tiết ấm lên, thậm chí so sánh Covid-19 với cúm mùa ở Mỹ.
Tuy nhiên, Trump tối 11/3 đột ngột ban lệnh cấm các chuyến đi từ 26 nước châu Âu đến Mỹ, trừ Anh, trong vòng 30 ngày nhằm ngăn nCoV lây lan. Trong bài phát biểu được cho là sự thừa nhận công khai nhất của Trump về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, ông chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) khiến virus tràn sang Mỹ vì không tự phòng ngừa đầy đủ.
Khi tới thăm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ở Atlanta hôm 6/3, Trump cho biết ông “có lẽ sở hữu khả năng thiên bẩm” về khoa học. Còn với Merkel, bà đã dành nhiều năm nghiên cứu khoa học trước khi bước vào con đường chính trị và là một tiến sĩ hóa học lượng tử.
Những thông tin dường như lạnh lùng và phũ phàng mà Thủ tướng Đức đưa ra đều là ý kiến của các chuyên gia. Bà cũng thường xuyên tham vấn Bộ trưởng Y tế Jens Spahn và giới khoa học Đức, những người theo sát diễn biến Covid-19 từ khi dịch bệnh xuất hiện lần đầu tiên tại vùng Bavaria hồi tháng một.
Khi tình hình dịch bệnh tại Đức ngày càng nghiêm trọng, với gần 2.000 ca nhiễm nCoV và ba người tử vong, giới truyền thông và phe đối lập hướng “mũi dùi” vào bà Merkel, người vốn đang bị suy yếu quyền lực. Tuy nhiên, với bài phát biểu hôm 11/3, nữ Thủ tướng một lần nữa thể hiện vai trò “hòn đá tảng” trong nền chính trị châu Âu suốt 14 năm qua.
Bà là người đã trấn an những chủ tài khoản ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và chiếm được lòng tin của họ, đoàn kết khu vực đồng euro khi khủng hoảng nợ công nổ ra, bảo vệ các giá trị tự do với quyết định “dang rộng vòng tay” với hơn một triệu người di cư hồi năm 2015.
“Cách xử lý đó là đặc trưng lâu nay của Merkel. Bà ấy thể hiện vai trò lãnh đạo khi khủng hoảng ập đến, tìm cách trấn an người dân, tránh gây hoảng loạn, nhưng đồng thời dám nói lên sự thật và không hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề”, Andrea Roemmele, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hertie ở Berlin, đánh giá.
Đây dường như cũng là mục tiêu của Thủ tướng Đức khi xuất hiện hôm 11/3. Bài phát biểu của bà không bao gồm những hứa hẹn lớn lao, mà giống như lời cảnh tỉnh đất nước. Bà kêu gọi người dân nâng cao ý thức, tuân thủ các lệnh hạn chế, đoàn kết với nhau vì lợi ích chung.
Các trận bóng đá sẽ diễn ra mà không có khán giả. Những sự kiện lớn tập trung đông người cũng bị hủy bỏ. Nếu cần thiết, Đức thậm chí có thể hoãn kế hoạch cân đối ngân sách mà họ ấp ủ và chấp nhận vay thêm.
“Chúng ta phải thực hiện tất cả biện pháp cần thiết. Đó là trách nhiệm chính trị của chính phủ và mọi người, cũng là điều đúng đắn với tất cả 83 triệu công dân đang sinh sống trên đất nước. Chúng ta phải bảo vệ những người cao tuổi, có bệnh nền và các đối tượng dễ bị tổn thương. Đây là phép thử với sự đoàn kết, ý thức và lòng tốt của chúng ta. Tôi hy vọng chúng ta sẽ vượt qua”, bà Merkel nói.
Trả lời phỏng vấn sau đó, Thủ tướng Đức cho biết bà muốn giúp mọi người nhận thức được phạm vi ảnh hưởng to lớn của dịch bệnh do chủng virus vẫn còn xa lạ gây ra, đồng thời làm rõ rằng họ “chưa thể đưa ra giải pháp trên tất cả lĩnh vực”. “Thông điệp là chúng tôi sẽ cùng nhau làm những việc cần thiết trong phạm vi châu Âu”, bà cho hay.
Giới chuyên gia cho biết tỷ lệ lây nhiễm chung tại một đất nước rất khó dự đoán, nhưng ước tính trong khoảng 60-70% là phù hợp với thực tế ở một số nơi trên thế giới. “Những người trong ngành hơn một tháng nay đã nói rằng 30-60% dân số thế giới sẽ nhiễm nCoV”, tiến sĩ Elizabeth Halloran, nhà thống kê sinh học tại Đại học Washington, Mỹ, cho hay.
Tuy nhiên, Halloran và nhiều chuyên gia khác cho rằng ước tính bà Merkel đưa ra rất có khả năng là mức lây nhiễm tuyệt đối. Tỷ lệ lây nhiễm trên thực tế còn phụ thuộc vào công tác phòng chống dịch, như cách ly xã hội nhằm giảm sự lây lan của virus.
“Theo tôi, tỷ lệ dân số mắc bệnh sẽ vào khoảng 30-50%. Đây là con số bạn nhận được khi dịch bệnh đã lây nhiễm cho đủ người và tự biến mất”, Alessandro Vespignani, giáo sư khoa học y tế tại Đại học Đông Bắc ở Boston, Mỹ, nêu ý kiến.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng không loại trừ khả năng 2/3 dân số tại một số khu vực trên thế giới có thể nhiễm virus trong trường hợp xấu nhất, phụ thuộc vào khoảng thời gian virus hoành hành trước khi được ngăn chặn.
“Nói tóm lại, những con số đó là một phần trong các tình huống có thể xảy ra”, Vespignani cho hay.
Ánh Ngọc (Theo NY Times/ABC)
Nguồn: vnexpress.net