Site icon Thời báo Việt Đức

Một chút tình quê…

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Khác nhau về xuất thân, công việc và địa vị xã hội nhưng khi hiện lên trên lời những bài hát về quê hương, họ là những người có chung một tổ quốc, nơi biết bao người thân và tuổi thơ với gam màu sáng tối mà họ đã từng trãi qua và xót xa khi lòng quay quắt nhớ về ngày xưa.

Cứ mỗi tháng qua, chúng tôi lại gặp thêm một con người mới – dù không sống tại Việt Nam nhưng vẫn không quên nghiêng người nhìn về phía đằng đông, nơi “chôn nhau cắt rốn” một thời mà giờ họ trở thành những “đứa trẻ” tha hương. Đó là một cụ già sang Đức từ hơn bốn thập kỷ trước, đặt những viên gạch đầu tiên cho những dòng người Việt sang Đức học nghề hay hợp tác lao động; đó là cô dược sĩ vượt đại dương sang Đức tìm cách chữa trị cho đứa con dại khờ bệnh tật; đó là người nghệ sĩ ghi-ta với tiếng đàn tích tịch tình tang, ngân vang những giai điệu dân tộc quen thuộc làm hàng triệu trái tim ngây ngất; đó là vị nghị sĩ Đức gốc Việt luôn đau đáu nỗi niềm kết nối con người hai màu da, hai lục địa ở hai bên bờ đại dương; hay đó là người nhạc sĩ với cái tên được đóng dấu bằng những ca khúc đậm chất trữ tình, quê hương tha thiết.

Có chút gì đó luyến tiếc, có chút gì đó cô đơn, có chút gì đó xót xa và có chút gì đó nhung nhớ “quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày”. Họ đã lặn lội sang Đức, người làm chính trị, người thì kinh doanh, hay thậm chí người mưu sinh bằng công việc tay chân nặng nhọc. Họ, những người cần lao, đã hội nhập thành công trên sứ sở giàu có và văn minh bậc nhất châu Âu, với những thành quả ngọt ngào là thế hệ thứ hai, thứ ba tài giỏi và dấn thân không thua kém gì bạn bè bản sứ.

Khác nhau về xuất thân, công việc và địa vị xã hội nhưng khi hiện lên trên lời những bài hát về quê hương, họ là những người có chung một tổ quốc, nơi biết bao người thân và tuổi thơ với gam màu sáng tối mà họ đã từng trãi qua và xót xa khi lòng quay quắt nhớ về ngày xưa. Và dù họ có gặp nhau và gặp chúng tôi – những người làm báo cộng đồng kiều bào tại Đức – trong vai trò là gì đi chăng nữa, thì họ vẫn “ghé tai” xin gửi gắm lên trang báo “một chút tình quê”, vừa đủ để lòng ấm lại sau hàng nhiều thập kỷ xa quê và nhớ thương những bữa cơm quê nhà đến chạnh lòng. Chúng tôi xin trân trọng “những mảnh tình quê”, để rồi những người làm báo chúng tôi sẽ tiếp tục thu nhặt và lắp ghép thành bức tranh nghĩa tình của người Việt tại Đức luôn hướng về bên kia bờ đại dương.

Thời báo Việt Đức

Exit mobile version