Site icon Thời báo Việt Đức

Một số câu hỏi liên quan đến đốt pháo hoa đón mừng năm mới

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Mỗi khi đến ngày 31 tháng 12 hàng năm, người dân háo hức một cách cuồng nhiệt khi tận hưởng màn pháo hoa đón năm mới. Tuy nhiên, có một số quy định liên quan đến việc mua pháo và đốt pháo chúng ta nên biết để đêm Giao thừa diễn ra trọn vẹn.

Khi nào có thể mua pháo hoa? Tại Đức, chỉ được phép bán pháo hoa vào 3 ngày trước giao thừa, có nghĩa, từ ngày 29.12 đến 31.12. Vào các ngày này tại các siêu thị, pháo được bày bán rất nhiều với đủ loại khác nhau. Siêu thị Metro từ nhiều năm nay được ưu tiên bán pháo sớm nhất.

Khi nào được phép đốt pháo hoa? Các siêu thị bán pháo từ ngày 29.12, không có nghĩa người dân được phép đốt pháo từ ngày này. Đa số các thành phố cho phép đốt pháo loại II từ 0h01 ngày 31.12 đến 23h59 ngày 1.1. Tuy nhiên thời gian cho phép này có thể thay đổi ở một số thành phố, ví dụ ở Berlin chỉ được phép từ 31.12. 18:00h tới 01.01. 07:00h. Nếu đốt sai thời gian quy định, có thể bị phạt đến 10.000 Euro. Nếu một sự kiện không trùng với thời điểm giao thừa như một đám cưới hay tiệc mừng thọ 50 tuổi có thể thông báo đến chính quyền địa phương và yêu cầu được cấp phép đốt pháo hoa.

Ai được phép mua và đốt pháo hoa: Từ 12 tuổi có thể mua và sử dụng loại pháo loại 1, loại pháo này được phép đốt vào Giao thừa và tất cả các ngày còn lại trong năm. Những người trên 18 tuổi mới được phép mua pháo hoa loại 2.

Chú ý an toàn khi mua và sử dụng: Khi mua pháo, cần để ý số BAM-Nummer hay kí hiệu CE hoặc hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Đức ghi trên vỏ, do những pháo có các kí hiệu này đã được kiểm tra an toàn. Không nên mua pháo ở chợ trời hay mua từ nước ngoài mang về Đức, do nhiều loại bị cấm tại Đức bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Nếu mua pháo tại siêu thị Đức, có thể chắc chắn 100% pháo đã được kiểm tra và được phép đốt. Các loại pháo tên lửa Raketen, Donner- und Kanonenschläge không được phép cầm pháo trên tay đốt, khi pháo cháy cần duy trì khoảng cách an toàn 8 m. Để tránh hỏa hoạn, trong thời gian cho phép đốt pháo hoa các cửa sổ, cửa ban công, cửa sổ trên mái nhà cần đóng kín. Xác pháo sau khi đốt cần bỏ vào thùng rác thải màu đen không cho vào thùng đựng giấy cũ.

Những nơi không được phép đốt: Việc đốt pháo hoa gần bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà gỗ và những khu vực có nguy cơ cháy nổ cao đều không được phép. Chỉ được phép khi khoảng cách an toàn đến các tòa nhà, cây cối và ô tô được đảm bảo an toàn.

Mức phạt khi đốt pháo hoa trái phép: Về cơ bản, những pháo loại 2 chỉ được đốt vào dịp Giao thừa, nếu cho trẻ dưới 18 tuổi đốt pháo loại 2 sẽ bị phạt. Cha mẹ phải chịu trách nhiệm thiệt hại do con cái gây ra nếu vi phạm nghĩa vụ giám sát con cái. Tùy thuộc vào từng bang mức phạt cho hành vi đốt pháo sai thời điểm khác nhau có thể tới 10.000 Euro. Nếu đốt pháo không có các kí hiệu BAM-Nummer hay kí hiệu CE, có thể bị phạt đến 50.000 Euro hoặc 3 năm tù.

Lưu ý với bảo hiểm xe ô tô khi đốt pháo: Nhiều người có ô tô không hào hứng lắm với tiết mục bắn pháo đêm giao thừa, do bảo hiểm không đền bù tất cả thiệt hại pháo gây ra. Nếu pháo làm hỏng sơn xe hay các bộ phận khác, bảo hiểm bán phần Teilkaskoversicherung không đền bù. Bảo hiểm chỉ can thiệp, khi xe bị hỏng do cháy nổ bởi pháo. Nếu ai đó chơi xấu, cố tình đốt pháo trên nóc xe, chỉ bảo hiểm toàn phần Vollkassko mới đền bù.

Trung Hiếu

Exit mobile version