Site icon Thời báo Việt Đức

Một số điều cần lưu ý về mức phí cảnh báo trả hóa đơn trễ

TBVĐ- Tại Đức, trên nguyên tắc thư cảnh cáo đầu tiên thường miễn phí. Chỉ sau khi nhận thư này mà bạn vẫn không trả tiền, lúc đó chủ nợ mới được phép tính thêm các phí tổn và tiền phạt.

Cần lưu ý là chủ nợ không được tính mức phí cao hơn số tiền bạn đang nợ (điều 309 số 5a Bộ luật công dân). Như vậy, thông thường mức phạt chỉ là khoản tiền mà họ phải chi ra để gửi thư cảnh cáo cho bạn (tiền giấy và tiền bưu điện), khoảng 2-3 Euro là mức hợp lý, còn các chi phí như trả thêm cho nhân viên hay bảo dưỡng máy vi tính là phạm luật. Kể cả chi phí văn phòng khi khách hàng chuyển tiền quá muộn cũng không được tính vào thư cảnh cáo, bởi chi phí này không liên quan đến quyền lợi của họ.

Như vào tháng 4-2015, sau khi thụ án đơn kiện của Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng liên bang Đức (Verbraucherzentrale Bundesverband e.V.), Tòa án Landgericht tại Leipzig đã xét xử một qui định trong Điều khoản giao dịch chung của doanh nghiệp Unister GmbH là vô hiệu lực. Bởi trong đó ghi chú rằng sẽ phạt khách hàng 50 Euro nếu không chịu trả tiền hoặc lấy lại tiền đã được rút qua tài khoản – theo Tòa Leipzig, mức phạt này quá cao, vì thế không hợp lý (án số Az. 8 O 2084/14).

Một số chi phí phải trả vào các cơ quan đoàn thể nhà nước như tiền phạt (ví dụ phạt giao thông), tiền radio, truyền thông hoặc thuế xe, thuế thu nhập … đều có thể bị cảnh cáo và phạt rất cao nếu không trả tiền đúng hẹn. Khác với luật dân sự qui định, phí cảnh cáo cho các loại tiền nộp vào nhà nước nói trên đều được phép tăng cao hơn so với chi phí thực sự, tiếng Đức gọi là Säumniszuschlag. Ví như hạn nộp thuế thu nhập chỉ được kéo dài tối đa trong vòng 3 ngày (theo điều 240 đoạn 3 Qui định thuế), vì thế cách tốt nhất là nộp thuế đúng thời hạn. Theo mức qui định trên toàn nước thì phí cảnh cáo được phép dao động từ 5-150 Euro.

Nếu gặp phải khách hàng không trả tiền đúng hẹn, chủ nợ có thể đòi khách hàng bồi thường, trong đó bao gồm cả phí thuê dịch vụ đòi tiền (Inkasso-Dienstleister) (theo một án quyết của Tòa án Hiến pháp liên bang Đức ra ngày 7-9-2011, án số Az. 1 BvR 1012/12). Các dịch vụ đòi tiền thường sẽ tính phí ngang với các mức phí của luật sư, phụ thuộc vào số tiền ban đầu mà khách hàng phải trả. Tuy nhiên, các chi phí này phải thật sự cần thiết và hợp lý.

Chủ nợ còn có thể thuê luật sư đòi nợ và đòi khách hàng phải trả cả phí luật sư. Phí luật sư được tính theo khoản tiền nợ, cộng thêm mức thuế giá trị gia tăng 19% và tiền bưu chính viễn thông là 20 Euro. Không chỉ như vậy, những người đã nhận thư cảnh cáo mà vẫn không trả tiền đúng hẹn, sẽ phải trả thêm phí trễ hẹn và bồi thường. Phí này được tính như một dạng lợi tức. Có thể tự kiểm tra qua trang mạng trực tuyến https://basiszinssatz.de/ zinsrechner/.

Cẩm Chi

Exit mobile version