Nắng nóng tại châu Âu gây nhiều vụ cháy rừng, hạn hán và khiến người dân gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
Trong những ngày qua, nhiều nước tại châu Âu phải hứng chịu đợt nắng nóng lên đến gần 40 độ C. Tại Bồ Đào Nha, trước dự báo đợt nắng nóng kéo dài sắp tới, chính phủ nước này đã huy động hơn 10.000 người và tăng cường các hoạt động giám sát tại những khu vực dễ cháy, nhằm không để tái diễn thảm họa cháy rừng gây chết người hồi năm ngoái.
Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha Eduardo Cabrita ngày 30/7 thông báo, trong năm nay, nước này sẽ triển khai kế hoạch phòng chống cháy rừng lớn chưa từng có, với việc huy động 10.700 người trên toàn quốc, trong đó có các lính cứu hỏa, cảnh sát và tình nguyện viên.
Viện Nghiên cứu đại dương và khí quyển của Bồ Đào Nha (IPMA) dự báo kể từ ngày 1/8, nước này sẽ phải hứng chịu đợt nóng kéo dài 4 ngày, với nền nhiệt tại một số điểm thậm chí có thể lên tới 45 độ C. Hồi tháng 6 năm ngoái, 64 người đã thiệt mạng trong thảm kịch cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử Bồ Đào Nha khi hỏa hoạn xảy ra đúng đợt cao điểm nắng nóng của mùa Hè.
Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhân Ringhals lớn nhất tại Thụy Điển phải tạm thời đóng cửa. Đài truyền hình Thụy Điển SVT đưa tin, nắng nóng là nguyên nhân làm nhiệt độ nước biển đã vượt quá mức cho phép, khiến lò phản ứng số hai (Ringhais 2) của nhà máy điện hạt nhân Ringhals phải tạm thời ngừng hoạt động.
Về mặt lý thuyết, khi nước biển đạt đến mức nhiệt 25 độ C sẽ không thể sử dụng trong quá trình làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân của lò phản ứng, dẫn tới nguy cơ cháy nổ. Nhiệt độ nước biển cao tới 25 độ C là hiện tượng bất thường ở Thụy Điển. Trong thế kỷ 21, đây là lần thứ 2 một lò phản ứng hạt nhân của Thụy Điển phải đóng cửa vì lý do nước biển quá nóng, một trong những hệ quả của hiện tượng Trái Đất ấm dần lên.
Theo thống kê, nền nhiệt ở các nước châu Âu cũng ở mức tương đối cao, ví dụ nhiệt độ trung bình trong tháng 7 ở Thụy Điển là khoảng 34 độ C, mức cao nhất trong 250 năm qua hay nước Anh cũng trải qua nhiệt độ cao nhất trong vòng 42 năm qua là 37 độ C. Còn tại Hà Lan, nhiệt độ ngoài trời cao nhất đạt gần 40 độ C và ở Đức thì đến gần 4 tháng nay gần như không có mưa.
Một người dân Tây Ban Nha cho biết: “Thời tiết nắng nóng thật khó chịu, buổi sáng thì trời mát, buổi trưa bắt đầu nóng, còn ban đêm rất nóng khiến chúng tôi không thể ngủ ngon giấc”.
Trong khi đó, nắng nóng cũng được cho là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng tại châu Âu, đặc biệt là vụ hỏa hoạn tại khu nghỉ dưỡng Mati (Hy Lạp) khiến hơn 80 người thiệt mạng. Đây là vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng nề nhất trong 10 năm qua ở nước này.
Nhiều quốc gia khác như Na Uy, Pháp, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan cũng xảy ra các đám cháy rừng khiến hàng trăm nghìn người trên khắp châu lục phải sơ tán.
Ông Britta Lolk, Một nhân viên bảo vệ rừng của Đức cho biết: “Năm nay đã có nhiều đám cháy rừng hơn. Tổng cộng đã có 222 vụ hỏa hoạn với diện tích bị cháy là 336 hécta. Thông thường, mỗi năm trung bình tại Đức chỉ xảy ra khoảng 200 đám cháy rừng. Năm ngoái, mưa nhiều nên ít xảy ra các vụ cháy hơn. Năm nay, thời tiết cực đoan nên các vụ cháy nhiều hơn mọi năm”.
Hiện, chính phủ các nước đang nghĩ cách đối phó với nắng nóng và khuyên người dân uống nhiều nước, tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời trực tiếp và chú ý bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ./.
Theo Vũ Anh Tuấn / vov.vn