Site icon Thời báo Việt Đức

Muôn kiểu lừa đảo trên nước Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Song song với những bất ổn về an ninh xã hội xuất phát từ sự xáo trộn tại Đức, các nhóm lừa đảo, thậm chí cướp giật cũng bắt đầu hoạt động mạnh mẽ hơn.

Các nhóm lừa đảo thường nhắm đến mục tiêu „con mồi“ là các nhóm người nước ngoài, người nhập cư với điểm yếu là không biết tiếng Đức, không am hiểu về luật pháp Đức, tham giá rẻ hoặc hay có tâm lý e dè, sợ hãi khi tiếp xúc với những ai đặt vấn đề về luật pháp.

Ham mua đồ rẻ: tiền mất tật mang

Tuần trước chị Thanh Minh ở Berlin gọi điện cho tôi kể chuyện. Chị vừa bị lừa trót mua phải cái điện thoại Samsung Galaxy giả. Đấy là một người đàn ông da trắng đến cửa hàng mang điện thoại gạ gẫm chị mua. Vốn không biết gì, chị thấy rẻ cũng ham.

Người đàn ông bán hàng mở máy thao tác đâu ra đấy, còn đưa cả hoá đơn mua ở cửa hàng Media Markt có bảo hành hẳn hoi. Ông ta bảo được tặng nhưng máy cũ vẫn dùng tốt cần tiền nên bán. Rồi ông ta chỉ cho chị tất cả chức năng không thiếu thứ gì.

Tham rẻ lại thấy có hoá đơn đàng hoàng, nghĩ ngợi mãi cuối cùng chị mua, nhưng đến khi dùng thì không được. Chị đưa ra hiệu sửa họ bảo đồ giả.

Chủ quan „đổi tiền“ đâm ra „mất tiền“

Trường hợp thứ hai là đổi tiền chẵn ra tiền lẻ. Ông Mathias Judow ở Pirna kể ông bị một người đổi tiền tờ 50€ để lấy tiền lẻ, xong ông mang tờ tiền ấy đi tiêu thì phát hiện đấy là tiền giả. Đối với tiền giả không chỉ mất tiền mà nhiều khi còn rắc rối khi bị phát hiện. Cảnh sát sẽ vào cuộc và việc điều tra rất rắc rối mất thời gian.

Trường hợp thứ ba là giả vờ đổi tiền để cướp ví. Đó là trường hợp của ông Andreas Mühle cũng ở thị trấn Pirna, bang Sachsen. Ông kể có một thanh niên muốn đổi tiền. Ông rút ví ra vừa cầm trên tay, anh ta liền nhanh như chớp cướp rồi bỏ chạy. Ông kêu nhưng không bắt được. Sau đấy ông báo cảnh sát nhưng không tìm ra thủ phạm.

Giả danh „phòng cháy chữa cháy“ để trục lợi

Ngoài ra còn một chiêu lừa đảo khá tinh vi là bán và kiểm tra thiết bị phòng cháy chữa cháy. Những tên này lừa đảo rất trắng trợn vì chúng nắm được tâm lý người nước ngoài không hiểu nhiều về luật và tiếng Đức không tốt để lợi dụng. Một là chúng đem thiết bị đến bán và chúng đưa thẻ nói là người của phòng cháy chữa cháy kiểm tra, nếu không có thì bị phạt. Đây là trường hợp cửa hàng chị Ng. bán áo quần ở Dresden.

Trường hợp tương tự là chị H. Những kẻ lừa đảo nói với chị H. rằng họ là người của Center kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy. Kiểm tra xong họ nói không đạt tiêu chuẩn, phải trả tiền mua thiết bị mới và công kiểm tra, có hoá đơn hẳn hoi nên chị H. không nghi ngờ gì và chấp nhận trả tiền. Đến khi chị H. hỏi vài người trong Center thì mới „tá hỏa“ rằng mình bị lừa. Nhân viên trong Center cho hay đó là hành vi lừa đảo.

Lần thứ ba cũng màn kiểm tra như thế nhưng những tên lừa đảo lại bảo mang thiết bị ra xe để làm. Nhưng khi ra xe vài phút thì họ phóng xe đi, thế là mất cái bình chữa cháy. Trường hợp này là ở cửa hàng chị Nga phố Leipzig 37, cũng thành phố Dresden. Hoá ra đây là bọn chuyên lừa đảo những người nước ngoài có cửa hàng vì chúng nghĩ là họ không biết tiếng và biết luật về phòng cháy, chữa cháy ra sao.

Các vụ lừa đảo xảy ra không cùng thời điểm, nhưng đến nay các nhóm lừa đảo này đã lừa được khá nhiều người, trong đó có nhiều người Việt và có thể vẫn còn hoạt động. Thậm chí khi nghe kể nhiều người mới biết mình bị lừa.

Ngoài những chuyện đã kể như trên thì còn có thêm trường hợp như mất hay quên chìa khoá trong nhà phải gọi thợ cũng có nhiều kẻ lợi dụng lừa đảo chờ sẵn trên Internet. Nếu không hỏi trước sẽ phải trả một cái giá cao hơn thực tế nhiều lần. Trên đây chỉ là một số ít torng số rất nhiều chiêu bài „bịp bợm“ của bọn trộm cướp lừa đảo. Đặc biệt còn có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của con người, như một thanh niên ở quận Wilmersdorf Berlin bị cướp đâm chết vào hôm chủ nhật ngày 5-11-17 vừa rồi.

Thiên Nga

 

Exit mobile version