Site icon Thời báo Việt Đức

Muôn nẻo mưu sinh: Nghề Nails ở Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Nói đến nghề Nails ở nước Đức của người Việt nam là phải kể về lịch sử của nó rồi mới đi sâu vào tìm hiểu và có kết luận tổng quát.

Cách đây mười năm, có cô gái nhỏ tên Phạm Thuỳ Dương sang Mỹ theo học ngành du lịch. Trong thời gian đó cô xin bố mẹ cho đi học làm Nails để kiếm thêm tiền sinh hoạt. Bố mẹ cô đồng ý, vì có vốn khéo tay và nhạy bén. Cô thấy nghề Nails so với những ngành nghề khác đang được thịnh hành trên nước Đức, với người Việt thì đây là một nghề vừa nhàn hạ so với ngành nghề khác, mà kiếm được tiền không quá khó.

Ngành Nails ra đời

Nước Đức lúc này cũng đã có tiệm Nails nhưng chưa nhiều. Sau khi sang Mỹ thăm người thân và tìm hiểu thị trường. Nhận thấy có thể là một con đường mới ông Phong và bà Bình, bố mẹ Thuỳ Dương, vốn là người buôn bán, không khó khăn để nhìn ra lợi nhuận nhưng họ cũng băn khoăn vì thị trường Đức khác thị trường Mỹ và Anh.

Tính cách người Đức vừa có gì xa cách khó hoà đồng vừa tiết kiệm, liệu họ có bỏ tiền ra làm bộ móng với cái giá như thế không? Nhưng rồi tính toán lại. Việc mở một tiệm Nails cũng không quá khó khăn về tài chính. Cùng con gái đã có nghề, ông bà quyết định thử sức ở một thành phố lớn đông đúc người nước ngoài và người Đức cũng có cách sống và phong cách cởi mở hơn đó là Frankfurt.

Thành công quá bất ngờ, họ mở tiếp vài nơi, sau này trở thành một công ty có cửa tiệm ở hầu khắp các thành phố lớn của nước Đức. Ông bà mở trường dạy nghề chính quy, phổ cập cho bà con cộng đồng. Đương nhiên sau này không phải mình gia đình ông bà Bình Phong mở trường dạy nghề khi mà cơ hội mở ra nhanh chóng.

Từ đây các tiệm Nails bắt đầu mở ra rồi mọc nhanh như nấm. Đã nói đến cả một ngành thì phải kể đến quy mô của nó về mặt bằng, khách hàng thị trường và một vấn đề quan trọng không thể thiếu là nguyên vật liệu. Có cầu có cung, nguyên vật liệu để dựng lên một tiệm Nails với đủ thứ được một số nhà cung cấp nhanh chân nhạy bén và có hiểu biết về nguyên liệu tức các hoá chất ngành Nails. Trong đó có bà Hà giờ được mệnh danh là “Hà Nails” người chiếm lĩnh chủ yếu thị trường này.

Ngành Nails và bệnh nghề nghiệp

Ngành nghề nào cũng có ưu và khuyết rồi bệnh nghề nghiệp nếu lâu ngày làm việc trong môi trường đó. Nghề Nails ngoài hoá chất độc hại còn thêm mắt, tay, chân, lưng, cổ vai gáy. Những bộ phận ảnh hưởng trực tiếp nặng nề theo thời gian nếu không chú ý sẽ gây hại khá lớn cho sức khỏe.

Có ba loại hóa chất độc hại trong sản phẩm làm nail mà thợ nail phải chịu đựng hằng ngày. Đó là ba độc tố Toluene, Formaldehyde và Dibutyl Phthalate (DBP). Nhiều nghiên cứu cho rằng tiếp xúc với DBP lâu dài có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp, và ở phụ nữ mang thai, có thể gây khó khăn cho thai nhi giống nam, cũng như làm giảm số lượng tinh trùng ở đàn ông trưởng thành. Cuộc nghiên cứu cho biết, người tiếp xúc và hít phải nhiều Toluene sẽ có triệu chứng như: Nước da khô nứt, mắt, mũi cổ họng bị ngứa ngáy khó chịu, nhức đầu, chóng mặt, tê người hay yếu cơ bắp.

Một số nghiên cứu còn cho biết phụ nữ hít mùi từ chất Toluene vào người trong một thời gian dài có thể bị ảnh hưởng đến việc sinh con. Hít phải nhiều Formaldehyde sẽ bị chảy nước mắt, có cảm giác rát nóng trong mắt và cổ họng, ho, thở khò khè, khó thở hay buồn nôn.

Ngoài ra còn bụi móng cũng có thể hít vào phổi hàng ngày. Vậy để tự bảo vệ mình cách tốt nhất là nhập những hoá chất, chất lượng cao và hệ thống hút khử mùi đặc biệt cũng như tranh thủ mở cửa cho thông thoáng để giảm thiểu sự độc hại.

Ngoài hoá chất thì các bộ phận như mắt, tay lưng, vai, gáy, cổ cũng chịu ảnh hưởng xấu do động tác lặp lại nhiều lần và tư thế không thay đổi. Ngồi lâu có thể gây bệnh giãn tĩnh mạch. Đây là thống kê cũng như cảnh báo của hiệp hội nghề nghiệp của Mỹ, nơi ngành Nails chiếm một thị phần lớn và vị thế quan trọng đối với người Việt nam.

Thực tại ngnh Nails

Mới ngày nào bắt đầu từ những tiệm làm móng nhỏ đến nay đã phát triển vượt bậc. Thu nhập ổn định hoặc có thể nói là cao. Nhưng nghề nào cũng có cạnh tranh, nghề Nails ngày càng nhiều

người mở thì giá cả cả và thu nhập cũng ngày càng bị giảm đi. Nhưng nhìn chung nghề Nails vẫn là nghề làm ăn được nếu biết cách chiều chuộng khách hàng và mẫu mã thay đổi.

Cũng liên quan tới các tiệm Nails, giờ đây nhiều nơi đã có thêm dịch vụ làm đẹp khác như nối mi hoặc nhiều tiệm còn thêm chăm sóc thẩm mỹ.

Học nghề Nails và những góc khuất trong ngành

Ngày nay muốn học nghề Nails bạn có thể chọn hai con đường. Một là đến hẳn trung tâm dạy nghề chính thống hai là học nghề ngay trong tiệm. Cả hai đều có những ưu khuyết khác nhau. Ở các trung tâm học nghề bạn phải trả tiền học phí nhưng được học hành theo quy chuẩn hẳn hoi và đương nhiên có chứng chỉ.

Còn học nghề ở ngay trong tiệm thì cơ hội thực hành nhiều hơn, hầu hết không phải trả tiền nhưng tuỳ thuộc thái độ của chủ. Phần lớn họ thường giữ nghề không trao hết kinh nghiệm cho học viên. Nhiều người giữ học viên lâu để còn tận dụng sức lao động của họ.

Người Việt vốn khéo tay chỉ cần học hành cơ bản cộng thêm việc thực hành khi có kinh nghiệm là xong. Thời gian thường không đến một năm. Ngoài những ưu điểm trên thì ngành Nails cũng có những góc khuất cần quan tâm. Đấy là vì lợi nhuận, nhiều tiệm dùng hoá chất rẻ tiền ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả mọi người liên đới. Tiệm Việt nam thường vệ sinh rất kém, tiếng Đức không tốt nên ít trò chuyện với khách hàng, còn điểm chung nữa là trò chuyện quá to. Giá cả thì tìm cách hạ như có thể để tận diệt lẫn nhau, phá giá thị trường, gây thiệt hại cho người cùng nghề. Cạnh tranh không lành mạnh khiến cho sự mâu thuẫn trong cộng đồng lên cao mà bản thân cũng nhiều rắc rối. Trong khi cạnh tranh lành mạnh là nâng cao dịch vụ cả về nội dung lẫn hình thức.

Người Việt thông minh, nhạy bén và khéo léo đã từng bước định hình và phát triển nghề Nails, chiếm thị phần lớn trên nước Đức. Đặc biệt là giá cả rất bình dân, góp phần làm đẹp cho đời và đảm bảo cuộc sống cho gia đình.

Thiên Nga

Exit mobile version