Đa số gia đình khá giả ở Việt Nam, họ thường cho con cái của họ đi du học hay chính bản thân của họ cũng muốn ra nước ngoài định cư vì rất nhiều lý do. Nhưng lý do chính vẫn là vì tương lai của con cái do nền giáo dục cũng như cuộc sống ở Âu Mỹ tốt hơn VN về mọi mặt.
Có một điều khá thú vị là ngày nay, ngoài những nước như Mỹ, Úc, Anh hay Pháp.v.v thì những người có tiền, họ đang hướng tới một nước đó là Nhật bản. Đặc biệt có một gia đình tôi quen, vẫn đang phân vân giữa hai chọn lựa, đó là nên đi Đức hay đi Nhật.
Sở dĩ họ quan tâm tới chuyện chọn Nhật hay Đức, là do họ thấy có nhiều cái hay và đẹp của Nhật bản trong xã hội và nhất là hình ảnh ông giám đốc cây xăng ở Việt Nam đang cúi đầu chào khách hàng khiến cho họ vô cùng ngạc nhiên và xem như một hiện tượng lạ.
Vậy hôm nay, thử nói về hai quốc gia Đức Nhật, để xem có điểm nào giống và khác nhau về mặt lịch sử cũng như về văn hóa và cách sống của công dân hai nước Đức và Nhật như thế nào.
Mỗi khi nhắc đến nước Đức thì hầu như ai cũng biết đến một lãnh tụ độc tài khét tiếng Adolf Hitler với đoàn quân SS đã từng một thời làm mưa làm gió ở châu Âu, còn nhắc đến nước Nhật trong thế chiến thứ hai, thì Nhật cũng không kém Đức về quân sự vì đoàn quân Nhật bản cũng có mặt hầu hết khắp vùng châu Á. Do đó có thể nói trong lịch sử, cũng như Đức, nước Nhật cũng được gắn liền với hai chữ phát xít Nhật và đó cũng là một điểm giống nhau giữa Đức và Nhật trong quá khứ.
Nói đến nước Nhật là người ta thường nghĩ ngay đến tinh thần võ sỹ đạo rất cao của người Nhật hoặc liên tưởng tới hoa Anh đào thường nở vào mùa Xuân ở Nhật bản và hình ảnh hoa Anh đào đã được xem như Quốc Hoa và được lấy làm biểu tượng cho nước Nhật ngày nay.
Tuy nước Nhật không rộng như Đức, nhưng dân số khoảng hơn 100 triệu dân, trong khi Đức chỉ có 82 hay 83 triệu (do có khoảng hơn một triệu di dân tràn vào Đức năm 2015, nên dân số ở Đức cũng tăng lên đáng kể).
Nhưng cho dù số dân của hai nước nhiều hay ít, thì điểm chung của hai quốc gia Đức và Nhật đều giống nhau ở chỗ là dân số ngày càng già đi, cho nên nước Đức mới ra luật là cho phép những đứa trẻ sinh ra ở Đức từ năm 2000 trở xuống, nếu có cha hay mẹ sống 8 năm hợp pháp trở lên và sở hữu thẻ định cư dài hạn,thì đứa trẻ đó sẽ tự động mang hai quốc tịch cho đến khi 18 tuổi và chậm nhất là 23 thì đứa trẻ đó phải chọn một trong hai quốc tịch. Về mặt quốc tịch thì Nhật lại khác Đức, những đứa trẻ sinh ra ở Nhật chỉ được mang quốc tịch Nhật nếu cha hoặc mẹ của chúng là người Nhật và chúng cũng được mang hai quốc tịch cho tới 21 tuổi và bắt buộc phải chọn lựa quốc tịch giống như ở Đức
Nếu như Đức chỉ có ba mùa Hạ Thu Đông là rõ nhất, vì mùa Xuân ở Đức vẫn lạnh buốt ,còn mặt đất thì vẫn khô cứng vì tuyết phủ, còn ở Nhật thì bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông lại rõ rệt hơn bên Đức. Mùa Xuân ở Nhật có rất nhiều hoa Anh đào nở , còn mùa Hè có khá nhiều lễ hội và dưa hấu, mùa Thu cũng đẹp và lãng mạn không kém gì Đức , còn mùa Đông thì lạnh lẽo và phủ đầy tuyết trắng.
Sau thế chiến thứ hai, thì cả Đức và Nhật đều chỉ là đống tro tàn và đổ nát. Nhưng 70 năm trôi qua, khi mọi quá khứ của hai nước đã thuộc về lịch sử , thì nước Đức trở thành một cường quốc kinh tế và đứng đầu trong khối châu Âu ,còn Nhật cũng trở thành một đất nước đứng đầu ở châu Á về kinh tế và mọi mặt. Và đương nhiên cuốn hộ chiếu của hai quốc gia này cũng được xếp vào một trong những hộ chiếu có giá trị nhất và luôn được coi trọng khi đi qua mọi cửa khẩu quốc tế
Về mặt nhập cư, thì chính phủ Nhật luôn chủ trương không nhận các di dân đến từ Trung Đông, vì họ sợ những di dân này sẽ làm hỏng đi mọi giá trị về cách sống và văn hóa Nhật vốn đã đi vào nề nếp từ lâu, nhưng cái quan trọng là nỗi lo về khủng bố không bị nặng nề như ở Đức và nhất là Pháp.
Còn về an sinh xã hội thì cả hai nước đều có, nhưng an sinh xã hội ở Nhật luôn ưu tiên cho công dân Nhật, còn đối với người nước ngoài thì hầu như rất ít cơ hội để được hưởng an sinh xã hội từ Nhật. Chỉ có an sinh xã hội ở Đức là luôn “hào phóng” với tất cả những ai sống trên nước Đức, bất kể đến từ quốc gia nào, mặc dù an sinh xã hội ở Đức đã thay đổi khá nhiều để phù hợp với cuộc sống người dân, nhưng xem ra vẫn “rộng rãi” hơn nước Nhật, cho nên mới có nhiều chuyện “ngược đời ” ở Đức là người ăn xã hội lại sống thoải mái hơn người đi làm đóng thuế hay một gia đình đông con đến từ Trung Đông được lãnh tiền trợ cấp hàng tháng gấp ba lần người đi làm lương cao ở Đức.
Còn chuyện nên đi Đức hay đi Nhật thì rất khó nói, vì không thể qua vài nhận xét về sự giống và khác nhau giữa Đức và Nhật là có thể nói lên hết về cuộc sống của hai nước, vì chưa đủ nói lên tất cả để có thể vội đi đến quyết định là Nhật hay Đức, nơi nào có cuộc sống tốt hơn.
Nếu như ai đó biết rằng cô gái mặc đồ Kimono đỏ trong hình chỉ mới sống có vài năm ở nước Nhật, nhưng kiến thức lại như người đã từng sống nhiều năm ở Nhật, vì đơn giản một điều, cô ta yêu nước Nhật bằng cả trái tim. Cho nên cô ta chọn nước Nhật là điều dễ hiểu. Vẫn biết rằng chính sách nhập cư khắt khe sẽ làm cho nước Nhật trở nên an toàn hơn nhiều so với nước Đức, vì kể từ ngày Đức mở cửa đón di dân ồ ạt, thì ngoài nỗi lo khủng bố đang ngày đêm rình rập , thì cuộc sống người dân cũng bị ít nhiều xáo trộn, vì đi đâu cũng thấy ăn xin ngồi đầy ở các nhà ga hay nỗi lo về an ninh không còn chặt chẽ như trước …
Vẫn biết là như vậy, nhưng tôi vẫn chọn nước Đức vì lý do duy nhất, là dù cho nước Nhật có một nền kinh tế phát triển không thua gì Âu Mỹ , môi trường sống cũng như cách cư xử khá hoàn hảo của người Nhật mà hầu như ở Đức không có nhiều , nhưng châu Á vẫn là châu Á, sự “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại ít nhiều trong xã hội Nhật bản, hầu như phụ nữ Nhật ít được hưởng nhiều quyền lợi trong công sở cũng như ngoài đời , còn cách dạy con theo kiểu Nhật như vụ người cha bỏ một đứa bé mới 6,7 tuổi trong rừng đầy gấu dữ , dù chỉ là để dọa con, nhưng nếu ở Đức hay Mỹ, thì người cha có thể bị tước quyền nuôi con hay ngồi tù, còn ở Nhật thì người cha lại không bị gì cả, có thể đó là chuyện bình thường trong xã hội Nhật bản.
Nói tóm lại, cả hai nước đều có nền kinh tế phát triển ngang nhau, nhưng một bên lại có quá nhiều nặng nề trong công việc và hầu như người phụ nữ Nhật còn bị áp lực gấp đôi mà không hề có một hỗ trợ đặc biệt nào từ chính phủ Nhật nếu họ lỡ làm mẹ đơn thân, trong khi ở Đức thì có vẻ như “thoáng” hơn Nhật về mọi mặt …không rườm rà hay nặng về lề lối phong tục, không bị áp lực nặng nề về công việc như ở Nhật mặc dù tất cả mọi việc ở Đức, dù lớn hay nhỏ vẫn phải luôn theo khuôn khổ của luật pháp, nhưng vẫn tự do và không gò bó …Tuy nhiên, nếu muốn sống ở quốc gia nào thì bắt buộc phải hiểu về quốc gia đó, cho nên việc đi Đức hay đi Nhật thì cũng tùy thuộc vào quan điểm cũng như sự thích nghi cuộc sống của mỗi người. Vẫn biết rằng “thiên đường ” hay “địa ngục” đều do bạn, nhưng riêng tôi thì nước Đức vẫn là “thiên đường” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng , cho nên tôi vẫn chọn …nước Đức chứ không chọn xứ … hoa Anh Đào.
Nguồn: Facebook An Thanh Lê