Cuộc khủng hoảng năng lượng đã cho thấy, khí đốt tự nhiên có thể được dùng như một “vũ khí địa chính trị”, nhưng điều này có thể không mang lại hiệu quả thậm chí phản tác dụng.
Người dân tại các thành phố lớn như Beirut, Paris, London đều có chung nỗi sợ hãi khi mùa đông lạnh giá đang đến gần vì lượng khí đốt dùng để sưởi ấm cho ngôi nhà của họ đang bị thiếu hụt nghiêm trọng hoặc giá quá đắt đỏ. Điều này xuất phát từ cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.
Dùng khí đốt làm “vũ khí địa chính trị”
Theo giới phân tích, sự phục hồi kinh tế sớm hơn dự kiến sau đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu năng lượng tăng cao là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Nguyên nhân kế tiếp là việc chính phủ nhiều nước thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng xanh để chống biến đổi khí hậu, cùng tình trạng bất ổn và sự quản lý yếu kém trong quá trình khai thác, phân phối nhiên liệu ở nhiều quốc gia như Lebanon.
Hiện nay, có một điều mà người dân châu Âu và người dân Lebanon đang để mắt tới với hy vọng tìm được một lối thoát đó là: ngoại giao đường ống dẫn khí đốt. Giới phân tích cho rằng, trong cuộc khủng hoảng hiện tại, Tổng thống Nga Putin đang nhìn thấy cơ hội khai thác sự chênh lệnh giữa cung và cầu, để mang lại lợi ích cho Nga.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã cho thấy khí đốt tự nhiên có thể được dùng như một “vũ khí địa chính trị”, nhưng điều này có thể không mang lại hiệu quả thậm chí phản tác dụng. Giáo sư Andreas Goldthau, chuyên nghiên cứu về chính sách công tại Đại học Erfurt (Đức) lưu ý: “Việc sử dụng khí đốt làm vũ khí địa chính trị chỉ phát huy tác dụng trong một mối quan hệ kinh doanh phi đối xứng, khi mà một bên chiếm ưu thế rõ ràng. Điều này được cho là chưa bao giờ xảy ra trong quan hệ kinh doanh giữa Nga và EU. Châu Âu là khách hàng chính còn Nga không có nhiều lựa chọn để xuất khẩu ở những nơi khác”.
Mặc dù căng thẳng trong quan hệ Nga-EU sẽ không gây ra một “cơn bão năng lượng” nhưng một bước đi tích cực về mặt ngoại giao có thể là giải pháp giúp các bên tránh khỏi những hậu qủa nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trong cuộc tranh cãi về giá khí đốt với Ukraine năm 2009, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã cắt tất cả nguồn cung cho châu Âu. Tiếp đến vào năm 2014, sau cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan đến việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea, Moscow một lần nữa lặp lại hành động này với cáo buộc Ukraine không trả được nợ cho Gazprom.
Giáo sư Andreas Goldthau nhận xét rằng: “Nga có lịch sử sử dụng nguồn cung cấp năng lượng và giá năng lượng như một phương tiện để kết giao với từng khách hàng trong EU, khiến khối này bị chia rẽ. Giờ đây, khi chính sách năng lượng chung của châu Âu được áp dụng, điều này trở nên rất khó khăn”.
Maria Pastukhova, cố vấn chính sách cấp cao tại E3G, một tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho rằng: “Nếu Nga sử dụng khí đốt của nước này làm vũ khí chính trị thì đây không phải là vũ khí hiệu quả”.
Năm 2007, EU đề xuất gói cải cách năng lượng thứ ba, nhằm cải thiện hoạt động của thị trường năng lượng nội khối. Chính sách này có hiệu lực vào năm 2009, nhưng cùng thời điểm đó, Moscow đã thắt chặt việc cung cấp năng lượng với mục đích phá vỡ sự thống nhất của thị trường năng lượng EU nhằm thúc đẩy cạnh tranh. Căng thẳng về vấn đề khí đốt giữa Nga với EU đã cản trở mọi cuộc thảo luận nhằm làm tan băng trong quan hệ song phương.
“Sự bất đồng giữa Nga và EU ngày càng trở nên trầm trọng hơn, với việc EU đưa ra một loạt biện pháp bổ sung để thắt chặt các quy định trên thị trường khí đốt và thông qua Thỏa thuận Xanh lịch sử, có thể khiến việc nhập khẩu khí đốt bị cắt giảm 40% trong vòng 10 năm tới và giảm hơn 90% đến năm 2050”.
Nhưng để làm được điều đó cần rất nhiều thời gian. EU hiện giờ vẫn phải nhập khẩu 90% lượng khí đốt từ bên ngoài, trong đó khí đốt của Nga chiếm 40%.
Trò chơi tâm lý của Tổng thống Putin
Tuần trước, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng đẩy mạnh cung cấp năng lượng cho châu Âu để xoa dịu cuộc khủng hoảng. Nhưng việc tập đoàn Gazprom quyết định bơm khí đốt vào các kho khí đốt quốc gia của Nga đã làm dấy lên câu hỏi liệu Tổng thống Putin có đang “chơi một trò chơi tâm lý” với các nhà lãnh đạo châu Âu hay không.
Katja Yafimava, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford lưu ý: “Gazprom đã nhiều lần tuyên bố, vào tháng 5 và tháng 8/2021 rằng họ sẽ xuất khẩu 183 tỷ m3 khí đốt sang châu Âu trong năm nay. Trong khi châu Âu đang hy vọng vào điều này, thì việc Gazprom quyết định ưu tiên lấp đầy các kho dự trữ quốc gia ở Nga thay vì cung cấp khí đốt cho đối tác châu Âu đã khiến nhiều người bất ngờ”.
Nhiều nhà phê bình đã cáo buộc Điện Kremlin cố ý cung cấp khí đốt ở mức thấp hơn bình thường để đẩy giá nhiên liệu và gây sức ép buộc Đức và các nước châu Âu khác phải “bật đèn xanh” cho Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” gây tranh cãi. Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là một dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo đáy biển Baltic, bao gồm cả các đường ống cung cấp khí trên cạn ở Nga và xa hơn nữa là nối liền hệ thống này với khu vực Tây Âu. Dự án này đã gây leo thang căng thẳng trong quan hệ Nga-EU, khiến EU bị chia rẽ, thậm chí gây bất hòa giữa Mỹ với châu Âu.
Các quan chức Nga đã công khai tuyên bố rằng, nếu EU hoàn thành sớm việc cấp chứng nhận cho Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” thì điều này sẽ giúp “hạ nhiệt tình hình”.
Song nhà phân tích Maria Pastukhova đánh giá: “Việc Điện Kremlin đưa ra thông điệp trên không làm thay đổi lập trường chung của châu Âu đối với Nga và cũng không giúp Gazprom xây dựng hình ảnh là một nhà cung cấp khí đốt tự nhiên đáng tin cậy”.
Theo các chuyên gia, châu Âu có thể tìm đến các nhà cung cấp khí đốt khác, chẳng hạn như Qatar hay các nước ở vùng Địa Trung Hải – nơi đã phát hiện nhiều mỏ khí đốt lớn trong thời gian gần đây. Tuy vậy, Địa Trung Hải là khu vực nhiều bất ổn với các cuộc xung đột, cạnh tranh và thù địch giữa các quốc gia như Ai Cập, Israel, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những trở ngại chính trên con đường tìm kiếm giải pháp khả thi cho châu Âu – nơi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn khí đốt của Nga.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đang phơi bày thế yếu của châu Âu, đồng thời tạo ưu thế cho những cường quốc về năng lượng như Nga triển khai tính toán địa chính trị. Nhiều nhà phân tích cho rằng, có lẽ trước khi đưa ra “chiến lược tự chủ quốc phòng”, EU nên tìm cách “tự chủ về năng lượng”./.