Đã bao giờ lần bạn mơ ước rằng thời gian làm việc sẽ được rút ngắn? Hoặc, có khi nào vào lúc 3:30 chiều thứ hai, bạn cảm thấy uể oải, kiệt sức và chỉ muốn kết thúc ngày làm việc ngay lập tức?
Thụy Điển: mỗi ngày làm việc 6 tiếng, thay vì 8 tiếng
Có thể bạn thấy rằng rút ngắn giờ làm việc nghe có vẻ như một câu chuyện khó tin, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trên thế giới rất nhiều chủ doanh nghiệp đã suy nghĩ nghiêm túc về ý tưởng này. Thậm chí, vào năm 2015, khi Thụy Điển thông báo chuyển sang chế độ làm việc 6 tiếng/ngày khiến cả thế giới trầm trồ thì với chính người Thuỵ Điển, thông tin này không hề gây sốc.
Trung tâm Toyota tại Gothenburg, thành phố lớn thứ hai của Thụy Điển, đã áp dụng chính sách mỗi ngày làm 6 tiếng này từ mười mấy năm trước. Công ty cho biết nhân viên của họ hạnh phúc hơn, tỷ lệ thay đổi nhân sự giảm, và lợi nhuận gia tăng.
Filimundus, một nhà phát triển ứng dụng trên điện thoại có trụ sở tại thủ đô Stockholm, cũng đã bắt đầu chương trình làm việc 6 tiếng/ngày từ đầu năm 2015. Theo ông Linus Feldt, Giám đốc điều hành của công ty: “Làm việc 8 tiếng không hiệu quả như người ta nghĩ”. Ông cho rằng lịch làm việc mới sẽ đảm bảo người lao động có đủ năng lượng cho cuộc sống cá nhân của họ khi rời văn phòng, đó là điều có thể rất khó khăn khi họ phải làm việc 8 tiếng mỗi ngày.
Ông Feldt cũng cho biết thêm, để thích ứng với lịch trình 6 tiếng và không làm giảm năng suất lao động, nhân viên không được phép dùng mạng xã hội, các cuộc họp được tổ chức ngắn gọn nhất có thể, và những sự phân tâm khác đều bị loại bỏ. Mục đích là giúp nhân viên có thêm động lực để làm việc nhiệt huyết hơn khi ở văn phòng.
Vào thời điểm năm 2015, 68 y tá tại một Viện dưỡng lão ở Gothenburg đã tham gia vào một cuộc thử nghiệm làm việc chỉ 6 tiếng mỗi ngày với mức lương vẫn được giữ nguyên. Sau 23 tháng (từ 2/2015 đến 12/2016), các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thu thập những kết quả đầu tiên.
Một số kết quả đo lường được khá tích cực, trong đó số ngày ốm được sử dụng giảm đi 4,7%, và tình trạng vắng mặt của nhân viên cũng giảm đi đáng kể.
Trong nhóm này, hơn 50% số y tá cho biết mình vẫn còn năng lượng sau khi làm việc 6 tiếng/ngày, so với chỉ 20% nếu làm việc 8 tiếng/ngày. Ngoài ra họ còn nói ít bị stress và thấy khỏe khoắn hơn, ít khi bị đau mỏi ở cổ và lưng.
Mặc dù nghiên cứu chỉ được thực hiện ở một phạm vi nhỏ và không hoàn toàn chính xác nhưng đã phần nào chứng minh rằng mô hình ngày làm việc 8 tiếng truyền thống tiếp cận công việc thiếu hiệu quả hơn mô hình mỗi ngày làm việc 6 tiếng.
Thực tế, làm việc 8 giờ đồng hộ liên tiếp khiến bạn mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần, vì thế vào cuối ca làm việc, bạn chắc chắn sẽ thấy hiệu quả công việc của mình giảm xuống đáng kể. Quan trọng hơn, ngày làm việc 8 giờ ra đời từ năm 1914, khi mà điều kiện làm việc và khả năng công nghệ rất khác biệt so với ngày nay.
Các nước đã từng phản đối chính sách làm việc 6 tiếng mỗi ngày không ai khác chính là nơi mà người lao động phải chịu áp lực làm việc cao nhất như Mỹ, Anh, Nhật Bản; đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản – 2 quốc gia có năng suất làm việc cao hàng đầu và được coi là những nước “nghiện” công việc nhất. Song, với mô hình làm việc kiểu Thụy Điển 6 tiếng/ngày đang ngày càng chứng minh tính hiệu quả này, có lẽ các nước Anh, Mỹ, Nhật Bản và cả thế giới nên xem xét lại chế độ làm việc của mình.
“Ít hơn là nhiều hơn” (Less is more)
Bạn đã từng nghe qua quy luật “Ít hơn là nhiều hơn” (Less is more) rồi chứ? Điều đó có nghĩa là, khi bạn tập trung vào một mục tiêu cụ thể thì kết quả bạn nhận được sẽ nhiều hơn.
Muốn “ít hơn” chính là được “nhiều hơn”, bởi vì, khi bạn muốn ít hơn, bạn sẽ buộc phải trân trọng những thứ mình đang có, bạn sẽ ít bị ràng buộc bởi ham muốn và những dục vọng ngày càng gia tăng một khi được đáp ứng. Và rồi, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn bởi sự vừa đủ chính là cân bằng, và sự cân bằng luôn là điều kiện tốt nhất để mọi thứ được vận hành, kể cả cuộc sống của bạn.
“Ít hơn” để được “nhiều hơn” – đó cũng chính là triết lý sống Lagom đã khiến cho Thụy Điển phát triển và hạnh phúc như ngày hôm nay. Đó cũng là bài học cho mỗi chúng ta – đừng ràng buộc quá nhiều bởi những ham muốn vật chất, dục vọng…
Lối sống này đã từng bị người Mỹ và cả Châu Âu ”chê bai”, vì họ cho rằng, điều này đã khiến Thụy Điển tụt hậu và không phát triển rực rỡ như các quốc gia khác. Nhưng rồi, thời gian trôi qua, người ta cũng phải gật gù công nhận đây là lối sống đúng đắn và bền vững nhất, đặc biệt là sau khi họ đã mệt mỏi và mất phương hướng vì những mối bận tâm về tiền bạc, vật chất.
Thụy Điển nói riêng và các nước Bắc Âu nói chung, tuy nằm một cách im ắng ở một góc thế giới nhưng họ thường có những phong cách sống “đi trước thời đại” khiến cho người dân toàn thế giới phải ngưỡng mộ và học tập. Đối với họ, “biết đủ” là kim chỉ nam của cuộc sống và họ cũng có niềm tin mạnh mẽ rằng: Khi chúng ta biết đủ, chúng ta sẽ hạnh phúc.
Theo Hiểu Minh / dkn.tv