TBVĐ- Lễ giáng sinh là một dịp đoàn tụ gia đình, để mỗi người nói lên tình yêu và tỏ sự quan tâm tới những người thân trong gia đình, họ hàng và với bạn bè, hàng xóm, khi những người con đi làm xa về thăm lại gia đình.
Bắc Âu: Giáng sinh ở các nước bắc Âu có tên gọi là „Jul“, có nghĩa là bánh xe và ám chỉ bánh xe mặt trời hay bánh xe đang bừng cháy lăn từ trên núi xuống thung lũng. Trong thời gian „Julzeit“, người ta trang trí nhà cửa bằng các cành lá xanh, vào rừng lấy gỗ „Julklotz“ về làm than củi và đốt lò sưởi liên tục 12 ngày. Theo tập tục của người Thụy Điển, chú dê núi „Julblock“ làm bằng cành cây khô được vị thần Thor cưỡi sẽ mang trên lưng những món quà Noel cho mọi người. Việc tặng và nhận quà người thân một cách bí mật được gọi là „Julklapp“. Ở Đan Mạch, các „Julnisser“ là các chú lùn bằng gỗ mặc váy đỏ là vật trang trí truyền thống cho Giáng sinh. Đêm Noel, người dân Na Uy sẽ đặt một tô cháo yến mạch trong nhà thờ thần bảo vệ nông trại, cầu mong ông đem lại một năm mới ấm no.
Hà Lan: Người Hà Lan chuẩn bị lễ giáng sinh từ trước ngày Nikolaus. Phụ nữ nướng bánh ngọt, trang trí chúng đẹp đẽ và kể chuyện giáng sinh cho trẻ nhỏ. Ông Nikolaus đến từ Tây Ban Nha bằng thuyền. Đi cùng với ông còn có Mohr Pieter mặc đồ đen, tương tự như Knecht Ruprecht ở Đức. Trẻ em nhận quà và biếu lại ông bánh mỳ và cà rốt.
Hunggari: Một thời gian dài, Hunggari và một số nước Balkan thuộc cùng một đế chế. Chính vì vậy mà tục lệ giáng sinh ở Hung giống như ở Áo và có một số điểm đặc biệt giống Séc hay Slovakai. Người ta tổ chức các chò chơi mục đồng chăn cừu. Khi ngủ cùng bầy cừu của mình, các mục đồng được thiên thần báo tin chúa đã sinh ra ở Bethlehem. Các mục đồng mặc áo lông cừu do người lớn đóng, khác với phong tục ở Đức hay Áo, và đeo mặt nạ bằng da thú.
Ba Lan: Ở Ba Lan, dịp lễ Giáng sinh cũng bắt đầu từ ngày Advent. Đối với trẻ em, đây cũng là thời kỳ đẹp nhất trong năm. Một nhà ảo thuật diệu kỳ là điều đặc biệt trong lễ này ở Ba Lan. Những ngày này được coi là thời gian mà người Ba Lan ít cãi nhau nhất. Trẻ em ít ăn đồ ngọt còn người lớn bớt hút thuốc và uống rượu. Theo phong tục, trẻ em tự làm các đồ trang trí cho cây thông. Trong đêm giáng sinh, chúng tin rằng chúa trời sẽ đến, cưỡi trên lưng một con lừa. Bởi vậy trong nhà, bên cây thông Noel bao giờ cũng có một chút cỏ lừa. Sau khi tặng và được nhận quà, trẻ con bám vào cửa sổ và chờ ngôi sao đầu tiên, dấu hiệu của bữa liên hoan giáng sinh. Trên bàn ăn được thắp một ngọn nến, ở dưới có để 1 đồng tiền lấy khước, hy vọng một năm mới giàu có. Ở Ba Lan người ta ăn cá trong tối giáng sinh, thường là cá chép, cùng với khoai tây và rau chua.
Anh: „Chrimas Carols“ là những bài hát mà người Anh hát từ thời gian trước và trong đêm giáng sinh tại trường học, nhà thờ hay trong gia đình. Có nhiều nơi, dân chúng đi bộ ngoài đường trong đêm 24 và cùng nhau ca hát. Trẻ em ở Anh và Mỹ nhận quà giáng sinh không phải trong đêm 24 như ở Đức mà sáng ngày 25 khi ngủ dậy và tin rằng ông già Noel đêm qua đã đi qua ống khói và nhét quà vào những đôi tất mà chúng đã treo sẵn ở đây. Trong bữa tiệc Giáng sinh ngày 25.12 với món không thể thiếu là gà tây, người Anh sẽ giấu một vật có giá trị vào chiếc bánh ngọt và người nào ăn mẩu bánh có vật này sẽ nhận được nhiều may mắn trong năm mới. Israel: Người ta đặc biệt chú ý đến vùng đất Israel và Palestin bởi nơi đây bấy lâu là vùng đất thánh. Đây là nơi đã sản sinh ra 3 tôn giáo lớn: Ki tô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo. Hàng năm, Bethlehem nô nức đón khách du lịch khắp mọi nơi đến chiêm ngưỡng nơi Chúa ra đời. Bethlehem cách Jesusalem khoảng 8 cây số và những người hành hương muốn đi tới thành phố Thánh vẫn phải chịu sự kiểm soát của quân đội Israel.
Ukraina: Ông già tuyết sẽ đến thăm trẻ em trên chiếc xe trượt tuyết do 3 con tuần lộc kéo. Đi cùng với ông là công chúa tuyết trong trang phục màu xanh bạc có viền lông trắng, trên đầu cô đội một vòng hoa có hình dạng như bông tuyết.
Italia: Sau đêm giáng sinh, không phải ông già Noel mà là bà lão mang tên Strega Buffana đến thăm và tặng quà cho trẻ. Bọn trẻ tin rằng bà bay trên chiếc cán chổi và chỉ tặng quà cho trẻ ngoan, còn trẻ không ngoan sẽ bị bà phạt nặng. Còn người lớn thường gửi tặng đậu lăng khô cho một số người bạn thân thiết của mình để họ nấu món súp đậu lăng. Đây là món súp bình dân nhằm nhắc nhở mọi người nhớ về thuở hàn vi. Ăn món súp trên sẽ giúp đem lại những điều tốt lành và thịnh vượng cho một năm mới.
Áo: Ngày 24/12, ông Noel mang quà và cây Giáng sinh đến tặng trẻ em. Bọn trẻ sẽ chờ cho đến khi chúng nghe tiếng chuông leng keng rồi cùng nhau vào một phòng đặc biệt có chưng cây thông đã được trang hoàng với nến và bánh kẹo. Cả gia đình sẽ ca vang các bài hát mừng Giáng sinh và chúc tụng lẫn nhau.
Libăng: Một tháng trước lễ Giáng sinh, mỗi gia đình sẽ gieo các hạt lúa trong một cái chậu nhỏ và chờ đến ngày Giáng sinh sẽ đem những chậu này đặt quanh hang đá và cây Giáng sinh.
Pháp: Trẻ nhỏ để giày của chúng bên lò sưởi trong đêm Giáng sinh để nhận quà từ ông già Noel. Những đứa lớn hơn thì đi cùng cha mẹ đến nhà thờ và sau đó trở về nhà cùng dùng bữa tiệc Le-Réveillon (bữa ăn trước lễ Giáng sinh hoặc năm mới). Ở Pháp, cụ thể là tại Paris và Lyon, các chương trình múa rối mừng lễ Noel rất phổ biến.
New Zealand: Lễ Giáng sinh rơi vào giữa mùa hè. Thay vì uống nước nóng, ông già Noel sẽ dùng một ít bia ướp lạnh. Gia đình thường kéo nhau đi picnic hay đi biển và dùng tiệc tối Giáng sinh tại đây. Thông thường người dân thích dùng thịt sấy khô ướp lạnh hơn là thịt gà nóng trong lễ hội này.
Nam Phi: Tương tự, Giáng sinh cũng trúng thời điểm mùa hè. Người dân sẽ tổ chức tiệc Giáng sinh vào bữa trưa thay vì bữa tối. Sau đó, cả nhà sẽ đến thăm nhà người bạn thân của gia đình và được chủ nhà tặng một hộp Giáng sinh có chứa thức ăn trong đó.
Úc: Xe của ông già Noel không phải do tuần lộc kéo mà thay vào đó sẽ là 8 con kangaroo lông trắng. Người Úc ăn mừng Giáng sinh ngoài trời và sau đó kéo nhau ra biển hay chơi trò cricket.
Nga: Chính thống thiên chúa giáo vẫn là tôn giáo chính ở Nga, nó khác nhiều với công giáo phương Tây mà khởi thủy bắt nguồn từ tòa thánh La Mã. Chính thống giáo đón mừng Giáng sinh theo lịch Julius và vì thế nó chậm hơn lịch Gregory của phương Tây khoảng 2 tuần (tức ngày 7/1 hàng năm). Ở Nga, ngày lễ lớn nhất trong năm là tết dương lịch và Giáng sinh cho nên tuần đầu tiên của năm mới bao giờ cũng nhộn nhịp và là dịp vui chơi thoả thích. Lễ Giáng sinh theo truyền thống phương Tây tuy vẫn được đón mừng nhộn nhịp ở đây nhưng vẫn chưa thể sánh bằng 2 lễ hội lớn nhất trong năm đã nói ở trên. Từ nhiều ngày trước Giáng sinh, các cây thông Noel đã được trang hoàng khắp nơi và nhà thờ thánh Basil của giáo hội công giáo ở quảng trường Đỏ đã được trang hoàng bằng đủ màu sắc. Các giáo dân công giáo nô nức đi lễ cầu nguyện và mua sắm đồ Giáng sinh.
Hoài Nam (tổng hợp)
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!