Site icon Thời báo Việt Đức

Nghe tiếp viên hàng không “kể tội” người Việt đi máy bay

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Để con phá phách trên máy bay, hút thuốc, “cầm nhầm” đồ, giờ cao su, tỉnh bơ dùng điện thoại… là tật xấu của nhiều người Việt khi đi máy bay.

Đau đầu khi cha mẹ xem con là cái rốn của vũ trụ

Vì quá cưng chiều con nên một số ông bố, bà mẹ bỏ qua các quy định trên máy bay để con mình được thoải mái. Chị M.L – tiếp viên một hãng hàng không kể rằng, có trường hợp chuyến bay từ Quy Nhơn đi HCM làm chị cảm thấy ngán ngẩm với cách hành xử và dạy dỗ của các bố mẹ. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, chị yêu cầu hành khách dựng thẳng lưng ghế, gập bàn ăn phía trước nhưng ghế của một em bé 7 tuổi vẫn ngả ra sau. Khi chị đến dựng ghế đứng thì bà mẹ tỏ ra khó chịu và khi chị vừa đi khỏi thì bà mẹ lại ngả ghế ra cho con nằm. Bị nhắc nhở lần hai, bà mẹ vẫn thản nhiên nói: “Em thông cảm cho nó nằm xíu nó bị say máy bay mà. Mình làm nó khó chịu là nó… nôn tùm lum ra ghế bây giờ”.

“Khi máy bay hạ cánh, dù đã có thông báo hành khách phải gài dây an toàn cho đến khi máy bay dừng hẳn nhưng nhiều gia đình tự ý tháo dây an toàn, đứng lên lấy hành lý để chuẩn bị đi ra cửa xuống máy bay đầu tiên. Tôi biết bậc cha mẹ nào cũng muốn điều tốt nhất cho con mình nhưng không có nghĩa là dạy các cháu nhỏ thiếu ý thức với cộng đồng từ bé như thế”, một tiếp viên cho biết.

Chị Trần Linh Thảo cũng chia sẻ trên một diễn đàn về trường hợp của mình trong chuyến bay từ Đà Nẵng vào HCM ngày 2/9: “Một cặp vợ chồng đi cùng hai đứa con nhỏ. Trong suốt chuyến bay, từ lúc cất cánh đến khi hạ cánh, 2 đứa bé phá suốt mà không thấy ba mẹ lên tiếng. Bé gái thì đi lung tung thoải mái, khóc liên tục, bé trai thì leo lên trèo xuống để bật đèn, xoay nút máy lạnh. Chị tiếp viên nhắc 3 lân, bất lực bỏ đi, anh tiếp viên nhắc 2 lân rồi đọc loa nhắc nhở luôn. Vậy mà ba mẹ các bé tỉnh bơ, thậm chí còn đưa điện thoại cho bé trai nói chuyện với bà nội. Vị khách Tây ngồi trước một hàng ghế chỉ vào đèn báo nhắc nhở cài dây an toàn mặt thì ba mẹ vờ như không nghe không thấy, các vị khách Châu Á lắc đầu bó tay, còn những người Việt ngồi xung quanh thì chửi thầm người lớn không biết chỉ bảo con mình”.

Máy bay chuẩn bị cất cánh, khách vẫn ung dung ngồi… nghe nhạc

Các tiếp viên hàng không cho biết, khách Việt đi máy bay thường chơi “giờ dây thun”, đến lúc máy bay gần cất cánh mới vắt giò lên cổ chạy. Nhiều trường hợp nhân viên, tiếp viên vừa phát loa gọi tên khách, vừa cử người đi tìm tại phòng chờ để hối thúc khách lên máy bay cho kịp giờ.

“Gần đây nhất là chuyến bay lúc 17giờ 35 từ HCM đi Đà Nẵng, chúng tôi đóng quầy check-in lúc 17 giờ nhưng vẫn còn 2 anh em người Việt hối hả chạy đến xin được lên máy bay vì tưởng giờ bay là 19 giờ (7 giờ tối) nên ra trễ. Chúng tôi đành thông cảm cho họ vì cũng không muốn khách tốn kém thêm khoảng phí đổi chuyến bay sau. Nhưng sau khi check-in, nhìn hai anh em vừa chạy vừa la “Cho qua! Cho qua! Trễ rồi!” rồi chen lên hàng đầu trong lúc nhiều khách Tây đang chờ đến lượt qua máy soi an ninh thì thật… phản cảm. Biết là họ đang trễ giờ nhưng cũng không nên hành động sỗ sàng như vậy được”, chị L. kể lại.

Một tiếp viên khác thì kể chuyện thấy thông tin một hành khách nữ tên Đ.N.H.T đã check-in lấy vé nhưng đến khi sắp đóng cửa máy bay thì hành khách này vẫn chưa lên máy bay. Dù hãng hàng không đã nhiều lần phát loa nói rõ “Xin mời hành khách có tên Đ.N.H.T là hành khách cuối cùng trên chuyến bay V… từ HCM đi Nha Trang khẩn trương ra cửa máy bay…” nhưng vẫn không thấy… tăm hơi đâu.

Gần đến giờ đóng cửa ra máy bay, các hãng hàng không vẫn phải phát loa kêu gọi hành khách Việt khẩn trương ra cửa gấp. Ảnh: Q.THai tiếp viên nữ được cử đi tìm hành khách này tại phòng chờ, nhà vệ sinh, liên tục gọi tên và hỏi một vài người ngồi tại phòng chờ xem có ai là hành khách trên chuyến bay này không nhưng tất cả đều lắc đầu. Chỉ đến khi tiếp viên này thấy một người phụ nữ đang nghe headphone và cầm vé trên tay, cô chạy đến và thấy đúng là hành khách này thì mới hỏi: “Chị ơi đến giờ lên máy bay rồi sao chị chưa lên”, người này mới mở headphone ra và trả lời tỉnh rụi: “Ủa đến giờ rồi hả sao tui không biết gì vậy?”. Không còn nhiều thời gian nên tiếp viên sắp xếp cho chị lên máy bay ngay trước khi đóng cổng ra.

Những trường hợp này có thể làm chậm giờ cất cánh từ 5 – 10 phút, một số chuyến bay không thể chờ đợi được nên dù hành khách đã ký gửi hành lý trên chuyến bay trước nhưng không ra cửa đúng giờ thì vẫn phải làm thủ tục đóng phí lên chuyến bay sau. Gần đây nhất, một hành khách trẻ tên Nguyễn Hồng N. (SN 1994) đi chuyến bay của một hãng hàng không giá rẻ chiều Hà Nội – TP.HCM, giờ cất cánh dự kiến là 20h5 phút ngày 15/7 cũng làm máy bay trễ 1 giờ đồng hồ vì… bất ngờ đòi xuống khi máy bay đang lăn ra đường băng chuẩn bị cất cánh.

Hiện nay, hầu như tất cả các chuyến bay của một số hãng hàng không đều là chuyến bay không hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử. Tuy nhiên một số hành khách vẫn “phớt lờ” quy định này và trốn vào buồng vệ sinh để hút thuốc. Chị T.Y, 22 tuổi, tiếp viên hàng không, cho biết dù đã phát loa thông báo nhưng cánh đàn ông vẫn không bỏ được cơn ghiền thuốc dù chuyến bay chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.

“Có lần, tôi thấy người đàn ông vào buồng vệ sinh rất lâu, vài hành khách phải chờ bên ngoài nên tôi cũng phải gõ cửa hỏi khách có vấn đề gì không thì người này đáp cộc lốc: “Đau bụng muốn đi… nặng mà cũng bị làm phiền là sao?”. Các khách chờ bên ngoài nghe như vậy nên trở lại ghế ngồi. Lúc sau, hệ thống báo khói trên máy bay phát hiện có khói tại buồng vệ sinh, chúng tôi phải yêu cầu người đàn ông này mở cửa, sau đó phát hiện hành khách hút thuốc nên đã lập biên bản phạt hành chính”, chị Y. kể lại.

Theo quy định, hành khách chỉ được sử dụng điện thoại sau khi máy bay dừng hẳn nhưng khi vừa đáp xuống sân bay và máy bay còn lăn bánh trên đường băng thì hầu hết hành khách người Việt đều mở điện thoại và nhắn tin, gọi điện cho người thân để thông báo mình đã hạ cánh.

Các tiếp viên hàng không cho biết hiện tượng khách thích “cầm nhầm” đồ trên máy bay không hiếm, nhiều đồ lặt vặt như chăn, đồ dùng ăn uống, đồ dùng nhà tắm thường xuyên “không cánh mà bay”. Đại diện hãng một hãng hàng không cũng từng nêu ví dụ, nhân viên của hãng đã đau đầu trước tình trạng lọ kem bôi da trong nhà vệ sinh liên tục mất trên các chuyến bay đường dài.

“Chúng tôi đã thử nhiều cách như cột lọ kem bằng dây, gắn chặt vào tường nhưng đều bị mất. Cuối cùng, tình trạng khách ăn cắp chỉ dừng lại khi nhân viên nghĩ ra sáng kiến bẻ nắp hộp kem. Với hộp kem đã bị mở nắp, khách không còn lấy nữa”, một nhân viên nói.

Theo Q.T / maskonline.vn

Exit mobile version