TBVĐ- Gần 50 % thu nhập bình quân của người dân Đức bị khấu trừ vào thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội
Đó là thông tin được tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD – Organisation für wirtschaftliche Zusammenarbeit und Entwicklung) công bố mới đây trong một nghiên cứu về thuế. Theo đó, mức đóng thuế tại Đức cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Bỉ.
Trong năm 2016, một người lao động với mức lương trung bình bị khấu trừ 49,4% thuế từ thu nhập, cao hơn nhiều so với mức trung bình 36% trong 35 quốc gia thuộc tổ chức OECD. Mức này chỉ thua Bỉ hiện đang dẫn đầu với 54%. So với năm 2015, mức đóng thuế không thay đổi. Tuy nhiên, do nước láng giềng Áo đã giảm đáng kể gánh nặng thuế nên Đức đã từ vị trí thứ 3 leo lên vị trí thứ 2.
Trong cuộc tranh cử năm nay, số liệu thống kê được công bố thu hút khá nhiều sự chú ý. Nhiều đảng phái chính trị ở Đức hứa hẹn cải cách thuế để lôi kéo cử tri. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble (CDU) hứa sẽ giảm gánh nặng thuế đến 15 tỷ euro. Báo Spiegel online đưa tin, lời hứa này “đem lại nhiều lợi ích và quyền lợi cho những người lao động có mức lương trung bình“. Trong khi đó, đảng FPD đưa ra hứa hẹn giảm gấp đôi.
Ở Đức, một người độc thân với mức lương trung bình sau khi đóng các khoản thuế thu nhập Einkommensteuer, bảo hiểm y tế Krankenversicherung, hưu trí Rentenversicherung… chỉ nhận được khoảng 51,6% trong tổng tiền lương.
Trong khi đó, với các cặp vợ chồng có con cái, mức đánh thuế lại „nhẹ nhàng“ hơn. Số tiền một cặp vợ chồng (đã có hai con), trong đó một người đi làm chính, được giữ lại từ lương trước thuế (bruttolohn) là 87,7 %. Sự chênh lệch lớn này bắt nguồn từ phương thức tính thuế của Đức (Ehegatten-Splitting), áp dụng riêng cho những cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn. Họ sẽ chỉ phải nộp chung 1 tờ khai thuế (Steuererklärung) và mức thuế mà họ phải trả ít hơn rất nhiều. Đã từ lâu, OECD chỉ trích và yêu cầu xóa bỏ phương pháp này vì cho rằng nó sẽ làm giảm động cơ đi xin việc của người phụ nữ trong gia đình.
Đức được đánh giá có các chính sách an sinh xã hội nhiều nhất. Người dân chịu thuế cao, nhưng cũng được hưởng nhiều quyền lợi: tiền con Kindergeld và Kinderzuschlag, tiền nhà Wohngeld và tiền hỗ trợ trong đào tạo BaföG…Tuy nhiên, các nước Bắc Âu, như Thụy Điển (42,8%), Na Uy (36,3%) hay Đan Mạch (36,7%), đều có hệ thống an sinh xã hội ngang tầm Đức, mức thuế đóng góp lại thấp hơn. Ở Hy Lạp (40,2%), Mỹ (31,7%) hay Mexiko (20,1%) mức thuế khá thấp so với Đức, đồng nghĩa với việc ngân sách của nhà nước không đủ để hỗ trợ người dân trong các vấn đề an sinh xã hội.
Lan Hà