Site icon Thời báo Việt Đức

Nguy hiểm chực chờ từ sản phẩm “Made in China” ở Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Cẩn trọng khi mua hàng Trung Quốc vì dễ rơi vào tình trạng tiền mất, tật mang.

Nhân công, nguyên liệu rẻ, không mất chi phí vận chuyển, nhiều mẫu mã, thuận tiện khi mua sắm… khiến hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường châu Âu và toàn thế giới. Tuy nhiên vẫn luôn tồn tại những mối nguy hiểm từ các sản phẩm rẻ tiền.

Giá rẻ nhưng chất lượng vô cùng kém

Tai nghe không dây, vật thể bay không người lái, ổ cắm điện hay đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc được chào bán trên các trang mạng trong những năm trở lại đây. Với lợi thế về nhiều mặt, sản phẩm của Trung Quốc đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ trên toàn thế giới. Khách hàng có thể trực tiếp mua hàng trên Internet, nơi nguồn gốc xuất xứ và tiêu chuẩn an toàn chất lượng thường không được bảo đảm và khó kiểm soát, với giá rẻ hơn nhiều so với mua tại châu Âu.

“Một bóng đèn được chào bán với giá 2,50 Euro, chỉ bằng 1/10 giá của sản phẩm có thương hiệu ở Đức. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc các thành phần bóng đèn được sản xuất từ những nguyên liệu rẻ tiền”, thanh tra Uwe Saalmann của cơ quan lên bang quản lý về điện, khí đốt, viễn thông, bưu chính, đường sắt Bundesnetzagentur (BNetzA) cho biết. Nhiệt được tích tụ trong các sản phẩm kém chất lượng là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy nổ. Trong các sản phẩm luôn thiếu chứng nhận an toàn CE bắt buộc của liên minh châu Âu.

Ngoài ra sợi tóc của bóng đèn cũng bị làm kém chất lượng. Độ chịu nhiệt của bóng đèn chỉ còn 121,5 độ C, kém hơn rất nhiều so với 2.500 độ so với thiết kế ban đầu. Người sử dụng có thể hình dung được hậu quả khi những chiếc bóng đèn bỗng dưng phát nổ, gây thương tích cho người xung quanh. Cũng trong một kiểm nghiệm tương tự về bình xịt làm vườn có xuất xứ từ Trung Quốc, bình phun nước đã phát nổ khi áp xuất trong bình quá lớn.

Một sản phẩm được đánh giá nguy hiểm đang được các chuyên gia cảnh báo là lốp ô tô. vòng quanh các trang mạng, nhiều mẫu mã lốp ô tô giá có nguồn gốc từ Trung Quốc được chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với mặt hàng cùng loại. Trong các thử nghiệm về độ an toàn của lốp xe, với tốc độ cao nhất cho phép được ghi trên lốp, sản phẩm từ Trung Quốc không đạt được theo yêu cầu. Phần lớn lốp không giữ được ổn định trong khi chạy với tốc độ cao, ảnh hưởng đến độ an toàn khi lái xe. Ngoài ra, theo công bố của các chuyên gia trong thử nghiệm phanh cho thấy, với tốc độ 100 km/h khi phanh gấp, các sản phẩm khác giúp xe dừng lại sau 65m. Riêng sản phẩm từ Trung Quốc chỉ dừng lại ở khoảng cách 91 m. 26m chênh lệch đủ để gây ra những vụ tai nạn không mong đợi.

“Ma trận” bán hàng trên Internet

2/3 người Đức sử dụng Internet để mua sắm. Đánh vào thị hiếu người sử dụng, các trang mua bán trực tuyến như AliExpress, GearBest và Wish cung cấp cho khách hàng gần như vô tận các chủng loại hàng hóa. Đặc biệt, khách hàng luôn tìm thấy những mặt hàng có giá “hời” hơn rất nhiều so với nội địa. “Việc bán hàng qua mạng ngày càng được đẩy mạnh”, phát ngôn viên của trung tâm BNetzA cho biết. Hiện trung tâm này có hơn 400 nhân viên ở 20 điểm đang theo dõi các trang mạng buôn bán. Vị này nói thêm trong bối cảnh ngày càng gia tăng của các sản phẩm không an toàn, trách nhiệm của trung tâm ngày càng lớn và nặng nề.

Số lượng các sản phẩm kém chất lượng bị cấm lưu thông trên thị trường đã tăng gấp đôi trong thời gian ngắn, từ 530.000 sản phẩm (2014) lên 1,24 triệu sản phẩm vào năm ngoái và thu về hơn 840.000 Euro tiền phạt. Điều mà các nhà chức trách muốn thông báo đến người sử dụng là mức độ nguy hiểm, độc hại bởi những sản phẩm rẻ tiền có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hoàng Vân

Exit mobile version