Site icon Thời báo Việt Đức

Nhà máy nhiệt điện Đức tái hoạt động

Ảnh minh họa: pixabay.com

Nhà máy nhiệt điện ở Niedersachsen được cấp phép khẩn cấp hoạt động cho đến tháng 4/2023 trong bối cảnh Nga cắt giảm khí đốt sang Đức.

Armin Fieber, giám đốc nhà máy nhiệt điện Mehrum ở bang Niedersachsen của Đức, ngày 1/8 cho hay hệ thống của nhà máy đã hoạt động ổn định sau hai ngày khởi động từ từ. “Hệ thống vẫn chạy tốt sau thời gian dài ngừng hoạt động. Tình huống này giống như một chiếc ôtô nằm im trong gara 8 tháng, nên chúng ta không biết liệu nó có khởi động được ngay lập tức không”, Fieber cho biết.

 

Theo Cơ quan Điện lưới Liên bang Đức, Mehrum là nhà máy nhiệt điện đầu tiên được chính quyền cấp phép khẩn cấp để tái hoạt động. Nhà máy thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng Cộng hòa Czech EPH, dự kiến hoạt động tới tháng 4/2023 theo chương trình thúc đẩy sản xuất năng lượng của chính phủ Đức nhằm đối phó tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, thành viên đảng Xanh, thừa nhận quyết định này là bước thụt lùi đáng kể đối với những nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu, nhưng lại là hành động cần thiết.

Kathrin Voelkner, giám đốc thương mại của công ty vận hành Mehrum, cho hay nhà máy được đưa vào trạng thái dự bị, sẵn sàng tái khởi động từ đầu tháng 12/2021. “Chúng tôi tuyên bố quay lại thị trường điện. Chúng tôi đã dự kiến sẽ hòa lưới trở lại trong thời gian ngắn”, Voelkner nói.

Nhà máy có sản lượng 690 megawat. Năm 2018, cơ sở này sản xuất đủ điện để cung cấp cho hơn nửa triệu ngôi nhà.

Nga tuyên bố giảm nửa lượng khí đốt sang Đức từ ngày 27/7 do đường ống Nord Stream 1 gặp vấn đề kỹ thuật, khiến lượng khí đốt chỉ đạt hơn 20% lưu lượng đường ống. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga, đang đối mặt nguy cơ thiếu nguồn cung vào mùa đông.

Đức hồi tháng trước khởi động giai đoạn hai của kế hoạch ứng phó khẩn cấp ba giai đoạn, khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh. Nếu giai đoạn ba được kích hoạt, chính phủ sẽ phải thực hiện chính sách phân bổ khí đốt theo định mức, ưu tiên cho nhu cầu khẩn cấp, đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất, có thể dẫn tới tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Hồng Hạnh (Theo Guardian/NDR)

Nguồn: vnexpress.net

Exit mobile version