Quỹ hưu trí chính phủ Na Uy – một trong những quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, đã cán mốc tài sản hơn 1.000 tỉ USD. Mỗi công dân tương lai của Na Uy giờ đã ngồi trên núi tiền.
Theo đài Russia Today, con số kỷ lục 1.000 tỉ USD đã được xác lập vào lúc 10h34 GMT ngày 12-9 (tức khoảng 17h34 cùng ngày giờ VN) nhờ vào những phản ứng tích cực của thị trường thế giới và đồng euro tăng giá.
Đất nước thuộc vùng Scandinavia chiếm chưa tới 0,1% dân số thế giới (5,3 triệu người) nhưng quỹ hưu trí của họ kiểm soát tới 1,3% tổng số cổ phiếu đã được niêm yết toàn cầu.
Được thành lập vào năm 1998, quỹ này trích một phần lợi nhuận thu được từ việc bán dầu và khí đốt để dành cho các thế hệ tương lai của Na Uy.
Giờ đây, tổng tài sản của quỹ đã gấp 250% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Na Uy, vượt xa kỳ vọng khiêm tốn ban đầu là gấp 130% vào năm 2020.
Nếu đem tài sản của quỹ chia đều cho tất cả công dân Na Uy, mỗi người bất kể già trẻ, lớn bé sẽ nhận được khoản tiền tương đương 185.000 USD.
Mặc dù là quỹ đầu tư nước ngoài, được thành lập với mục đích cơ bản là đem lợi nhuận về cho đất nước, quỹ hưu trí chính phủ Na Uy có những nguyên tắc của riêng họ, không đặt mục tiêu tạo ra lợi nhuận bằng mọi cách.
Theo đó, quỹ này chỉ đầu tư vào cổ phiếu, chứng khoán và bất động sản ở nước ngoài. Với các lý do liên quan tới đạo đức, họ tuyệt đối không đầu tư vào những công ty sản xuất thuốc lá, vũ khí hạt nhân hay mìn sát thương. Ít nhất 64 công ty dạng này đã bị quỹ liệt vào danh sách không nên đầu tư.
Theo quy định, chính phủ Na Uy hàng năm được trích tối đa 3% giá trị của quỹ cho các mục đích công, bao gồm giữ ổn định nền kinh tế.
Kể từ khi phát hiện được nguồn dầu mỏ ở biển Bắc cuối những năm 1960, Na Uy đã trở thành một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất ngoài các nước tổ chức OPEC.
Na Uy sản xuất tới 1,65 triệu thùng dầu mỗi ngày và cung cấp 24% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU).
Quỹ đầu tư quốc gia hay quỹ đầu tư chính phủ (Sovereign Wealth Funds – SWF) là khái niệm dùng để chỉ một quỹ đầu tư nhà nước với những tài sản có giá trị như cổ phiếu, trái phiếu, tài sản, kim loại quý… Khi thu ngân sách dư thừa, một quốc gia có thể đem số tiền dư thừa đó đi đầu tư để thu về lợi nhuận.
Theo trang Investopedia, trong số 5 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới năm 2017, 3 quỹ thuộc về các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ là Abu Dhabi, Saudi Arabia và Kuwait. Xét về tổng giá trị các quỹ đầu tư quốc gia, Trung Quốc dẫn đầu với 4 quỹ, kế tiếp là Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (6 quỹ). Na Uy với duy nhất Quỹ hưu trí, đứng thứ 3. |