Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để sống, lớn lên lành mạnh và an toàn.
Tháng 8 năm 1925, Hội nghị Thế giới vì Hạnh phúc Trẻ em (World Conference for the Well-being of Children) tại Geneva, Thụy Sĩ đã tuyên bố ngày 1 tháng 6 là ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Trẻ em có quyền được nuôi dạy không bạo lực
Mọi hình phạt gây tổn thương thể chất và tinh thần đều vi phạm pháp luật. Điều 1631, khoản 2, Luật Dân sự (BGB), có hiệu lực từ tháng 8.11.2000 quy định: „Trẻ em có quyền được nuôi dạy không bạo lực. Mọi hình phạt gây tổn thương thể chất và tinh thần đều vi phạm pháp luật“. Theo quy định này, cả hành động đánh vào mông, tay hay tát con đều bị cấm.
Quy định này còn cấm các hình thức bạo lực khác như ngược đãi, bắt nhịn ăn, nhốt trong phòng hàng giờ liền, đối xử lạnh nhạt hay chửi mắng con thậm tệ ở nhà, ngoài đường hay trường học. Bạo lực không chỉ dừng lại ở hành động xâm hại thân thể, mà còn qua hành vi xúc phạm bằng lời nói. Giáo viên bị cấm không được sử dụng vũ lực dù học sinh có lỗi nặng đến thế nào chăng nữa.
Giáo viên cũng không được cho điểm xấu để phạt học sinh. Điểm là phương tiện đánh giá trình độ học vấn và phản ánh học sinh đã nắm vững công thức toán hay hiểu một phản ứng hóa học hay chưa. Cấm phạt đứng ngoài lớp vì như vậy giáo viên vi phạm nghĩa vụ giám sát. Ở Đức, chỉ được phép đuổi học sinh ra khỏi trường, với điều kiện học sinh đó phạm lỗi nặng hoặc tái phạm trong học tập hay các công việc khác của nhà trường, hoặc gây nguy hại hay xâm phạm quyền của những người khác.
Khám bệnh và mua thuốc
Trên nguyên tắc, trẻ em có thể tự mình làm lịch hẹn và đi khám, với điều kiện có thẻ bảo hiểm. Điều đó sẽ trở nên khó khăn, nếu cha mẹ giữ thẻ của chúng hoặc đóng bảo hiểm tư nhân, bởi hóa đơn được gửi cho cha mẹ. Trước đó, cha mẹ có thể hỏi bác sĩ, tiền khám bệnh hết bao nhiêu, trường hợp cần thiết tự trả tiền khám.
Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, bác sĩ cũng không được phép tiết lộ lịch khám bệnh đó với cha mẹ – trách nhiệm bác sỹ phải giữ bí mật. Trong trường hợp trẻ bị ốm nặng cần phẫu thuật, phải thông báo cho cha mẹ chúng và phải được cha mẹ đồng ý. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc không cần thông báo cho cha mẹ biết, tùy thuộc bác sỹ chẩn trị, quyết định.
Làm việc nhà và tiền tiêu vặt
Cha mẹ có thể yêu cầu con cái tự dọn phòng của chúng và giúp đỡ họ trong việc nhà. Điều đó đã được pháp luật quy định. Chừng nào trẻ em vẫn còn sống cùng cha mẹ, do cha mẹ chu cấp ăn mặc, thì cha mẹ vẫn có quyền yêu cầu con cái làm các việc vặt như: vứt rác, đi mua lặt vặt hoặc dọn bát đĩa.
Với tiền tiêu vặt (Taschengeld), trẻ em không có quyền pháp lý đòi hỏi tiền tiêu vặt. Nhưng chúng có quyền đòi giúp đỡ để trưởng thành. Trong đó có việc trẻ phải làm quen và học cách chi tiêu. Cha mẹ là người quyết định cho chúng bao nhiêu tiền. Nếu chúng tỏ ra không bằng lòng, thì việc đầu tiên nên làm là nói chuyện với nhau. Nếu vẫn không thể giải quyết được, thì trẻ có thể nhờ tới Sở thanh thiếu niên giúp đỡ.
Quyền riêng tư của trẻ vị thành niên
Luật bảo vệ trẻ chưa thành niên quy định thư từ, nhật ký và Email của chúng được bảo vệ. Các bậc cha mẹ nên học cách chấp nhận và tôn trọng riêng tư của con mình, cho dù việc đó không đơn giản đi nữa. Trong trường hợp cảm thấy bị làm phiền bởi đời tư không được cha mẹ tôn trọng, các em có thể yêu cầu sự giúp đỡ của những người bạn lớn tuổi hơn hoặc người thân. Ngoài ra các em cũng có thể tìm lời khuyên ở các trung tâm tư vấn tâm lý dành riêng cho trẻ em chưa thành niên.
Theo Luật bảo vệ thanh thiếu niên, từ 16 tuổi trở lên, trẻ có quyền đi Disco một mình, nhưng chỉ được phép ở đó muộn nhất đến 24 giờ. Tuy nhiên, Luật cũng đưa ra khung pháp lý cho cha mẹ vận dụng, chẳng hạn, cha mẹ có quyền quyết định trẻ 17 tuổi phải có mặt ở nhà lúc 11 giờ đêm.
Về bạn bè, phần lớn các bậc cha mẹ thường lo cho con cái họ, không cho tiếp xúc với những nơi mà cha mẹ cảm thấy bất an, hoặc không đồng ý cho chúng đến buổi liên hoan hay các cuộc hẹn hò, gặp gỡ nào đó. Nhưng cha mẹ cũng phải giải thích rõ lý do tại sao môi trường đó không tốt cho đứa trẻ.
Về sử dụng chất kích thích, trẻ em dưới 16 tuổi không được phép mua và uống rượu nơi công cộng. Từ 16 tuổi trở lên được phép uống bia hoặc rượu trong quán, nhưng độ cồn không cao như rượu mạnh. Ngoài ra, trẻ em từ 16 tuổi trở lên có thể tự đi xỏ khuyên, xăm mình, nhưng phải được cha mẹ đồng ý. Nếu không họ có quyền đòi nơi xỏ khuyên, xăm mình trả tiền và bắt bồi thường.
Mua hàng và làm thêm
Ví dụ với việc mua bán trên mạng. Mua hàng trên mạng cũng tương tự như mua ở cửa hàng. Điều đó có nghĩa, hợp đồng mua bán với trẻ em có giá trị hay không còn phụ thuộc vào sự đồng ý của cha mẹ. Điều luật về tiền tiêu vặt quy định: trẻ em có thể mua những gì chúng muốn. Nhưng nếu công ty nào lợi dụng sự thiếu hiểu biết của trẻ, để bán hàng cho chúng, thì sẽ bị coi là thiếu đạo đức, đồng nghĩa với việc hợp đồng mua bán đó không có giá trị. Năm ngoái, một cậu bé 13 tuổi đã giấu bố mẹ mua một ứng dụng trò chơi điện tử thông qua phương thức „thanh toán bằng cuộc gọi“ (Pay-by-Call) thông qua số dịch vụ bắt đầu bằng 0900. Một vài tuần sau mẹ cậu nhận được hóa đơn điện thoại với cước phí lên đến 1253,93 Euro. Người mẹ nhất quyết từ chối thanh toán và đã thắng kiện (án số. III ZR 368/16).
Ngoài ra với nhu cầu làm thêm, khi được sự đồng ý của bố mẹ, trẻ từ 13 đến 15 tuổi sẽ được phép làm việc 2 tiếng một ngày, và 3 tiếng nếu làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian làm việc phải trong khoảng từ 8 giờ đến 18 giờ và chỉ được làm những công việc nhẹ nhàng (chẳng hạn giao báo, dọn vườn). Trẻ từ 15 đến 18 tuổi vẫn chưa được phép làm tất cả công việc. Những việc tay chân nặng nhọc, tiếp xúc với hóa chất và làm khoán việc đều bị cấm.
Tiếng ồn của trẻ em
Trẻ em có quyền tự do chơi và sống đúng với cảm xúc của chúng, bằng âm lượng mà chúng ưa thích. Điều này không chỉ áp dụng đối với các khu vực sân chơi, nhà trẻ gần nhà dân thường, mà còn trong cả mối quan hệ giữa hàng xóm láng giềng với nhau. Tuy nhiên, thanh thiếu niên bắt đầu từ 14 tuổi trở lên phải học cách giữ trật tự chung.
Hoàng Mai (tổng hợp)