Site icon Thời báo Việt Đức

Nhận Hartz IV phải làm gì khi nhân viên Jobcenter gõ cửa?

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Khi có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, các nhân viên Jobcenter có thể đến kiểm tra nhà của người nhận trợ cấp để mục thị tình trạng thực tế của họ.

Trợ cấp xã hội Hartz IV là một loại trợ cấp dành cho những người thất nghiệp không được tiếp tục nhận tiền thất nghiệp bậc I (ALG I); người tự hành nghề bị phá sản hoặc có thu nhập không đủ bảo đảm các nhu cầu tối thiểu; người nhận tiền cấp dưỡng (Unterhalt) sau khi ly thân hoặc ly hôn, nhưng không đủ để đảm bảo cuộc sống; những người đi làm với thu nhập thấp, không đủ trang trải các nhu cầu tối thiểu.

Trợ cấp xã hội Hartz IV sẽ đảm bảo cuộc sống cho họ không bị rơi vào cảnh nghèo đói hay con cái của họ vì thế mà bị thiệt thòi. Tuy nhiên, nhiều người nhận Hartz IV khai gian, lạm dụng trợ cấp. Do đó, theo Bộ Luật Xã hội quyển 2 và quyển 12, các nhân viên chuyên môn phụ trách tái hòa nhập đời sống lao động của Jobcenter có thể đến kiểm tra nhà của người nhận trợ cấp.

Có được từ chối cho người kiểm tra vào nhà?

Ở Đức, người sống ở căn hộ được bảo vệ theo Luật cơ bản Grundgesetz (điều §13 GG), ngay cả cảnh sát muốn vào nhà cũng cần phải có lệnh khám xét của Tòa án. Vì vậy người kiểm tra không có quyền vào căn hộ để kiểm tra nếu người bị kiểm tra không cho phép.

Tuy nhiên, nếu người nhận trợ cấp Hartz IV từ chối quyết định thăm nhà có thể sẽ dẫn đến bị từ chối trợ cấp (theo Điều 60 kết hợp với Điều 66 quyển 1 Bộ Luật Xã hội), khi đã được thông báo trước bằng văn bản về quyết định đó, trong đó có nêu lý do đầy đủ, tại sao phải tới nhà để quyết định những điều kiện gì khi cấp trợ cấp, hướng dẫn con đường pháp lý chống lại và các hậu quả xảy ra (Điều 66 SGB I). Ngoài ra, các nhân viên kiểm tra phải trình thẻ căn cước và văn bản yêu cầu thăm nhà.

Làm gì khi nhân viên Jobcenter gõ cửa?

Nếu nhân viên của Jobcenter đứng trước cửa nhà, tốt nhất nên hỏi lý do đến nhà. Ngoài ra, cần yêu cầu người đó xuất trình thẻ hành nghề. Nhân viên Jobcenter phải đưa ra được giấy yêu cầu kiểm tra nhà bằng văn bản. Để chắc ăn hơn, người nhận trợ cấp nên tìm một nhân chứng có mặt trong buổi kiểm tra này để tránh những tranh cãi phát sinh sau này với Jobcenter.

Người thuê nhà được quyền quyết định nhân viên Jobcenter được phép kiểm tra khu vực cá nhân nào và cũng được quyền từ chối cho vào một số phòng nhất định. Nếu không được cho phép, nhân viên không được mở tủ hay ngăn kéo, do đây không phải một cuộc khám xét nhà.

Về cơ bản, việc khám xét nhà tại Đức cần phải có quyết định của tòa án. Nếu có quyết định này, người thuê nhà không được phép chống lại. Nếu nhân viên Jobcenter có giấy khám xét này, người nhận trợ cấp phải cho họ vào nhà. Tuy nhiên, tòa án chỉ đưa ra lệnh khám xét khi có những dấu hiệu nghi ngờ cụ thể về một vi phạm hình sự. Lạm dụng trợ cấp xã hội là hành vi lừa đảo và sẽ bị phạt.

Bảo Ngọc

Exit mobile version