Vụ án kinh tế này liên quan đến hơn 30 doanh nghiệp Đức, diễn ra từ năm 2002 đến nay, hiện đang trong qúa trình điều tra, liên quan đến mặt hàng bóng đèn hiệu năng (Energiesparlampe) sản xuất tại Trung Quốc nhập vào Đức. Loại mặt hàng này đang được người tiêu dùng ưa chuộng vì tiết kiệm điện, loại sản xuất tại Đức giá 15 Euro, nhưng nhập từ Trung Quốc sang giá chỉ còn 99 Cent. Loại 99 Cent tuổi thọ cực ngắn, nhưng người tiêu dùng cũng đâu biết và ít quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, chênh lệch giá đó đã đẩy các hãng sản xuất cạnh tranh của Đức và cả EU vào nguy cơ phá sản. Do vậy từ năm 2001, EU đã áp luật thuế trừng phạt đối với mặt hàng này, lên tới 66,1%. Kết qủa, bóng đèn nhập khẩu dán nhãn mác Trung Quốc biến mất khỏi thị trường EU, nhưng loại đèn 99 Cent nhập khẩu từ các nước khác vẫn ngày một tăng áp đảo sản phẩm chính hiệu EU.
Một Hội đồng quốc tế của EU được thành lập, trực tiếp điều tra nơi sản xuất. Họ đến các điạ chỉ ghi trong vận đơn hàng hoá, chỗ thì chỉ là 1 khách sạn, chỗ thì đơn giản là một chung cư. Trong trường hợp được báo trước, thì nơi đó được dọn dẹp để mấy thùng bóng điện mua đâu đó về, không máy móc nhà xưởng. Rốt cuộc cơ quan điều tra đã phát hiện được hàng bị áp thuế trừng phạt nhập từ Trung Quốc vẫn được các doanh nghiệp bản xứ nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng chuyển qua các nước thứ 3 như Việt Nam, Thái lan, Malaysia, thay đổi bộ hồ sơ chứng từ nguồn xuất xứ, để từ đó nhập vào EU. Dự báo, Đức thiệt hại thuế trừng phạt chừng 7 triệu Euro, tính trên toàn châu Âu con số đó là 50 triệu Euro.
(Hương An tổng hợp)