Site icon Thời báo Việt Đức

Nhật ký của một người Việt làm dâu nước Đức

Tác giả của cuốn sách "Làm dâu nước Đức" bên gia đình nhỏ của mình. Ảnh: vietnamnet.vn

“Nội trợ là một công việc nghiêm chỉnh như bất cứ một nghề nào khác trong xã hội, đòi hỏi thể lực, trí tuệ, sự nhạy cảm và là một công việc rất căng thẳng”- (Hà Anh Effenberger).

Cái tên Hà Anh Effenberger không phải là một nickname thời thượng xen tên Việt lẫn tên nước ngoài. Hà Anh năm nay 32 tuổi, mang họ chồng theo phong tục phương Tây. Cô lấy anh Uwe Effenberger (quốc tịch Đức) đã được 9 năm và hiện đang sống cùng anh tại thành phố Lübeck.

Câu chuyện của Hà Anh được NXB Phụ Nữ “đặt hàng” để xuất bản. “Làm dâu nước Đức” là một cuốn nằm trong series sách mang tên “Làm dâu xứ lạ” sẽ lần lượt ra mắt công chúng. Đây là ý tưởng của người biên tập sau khi chứng kiến rất nhiều câu chuyện thương tâm của người phụ nữ Việt khi làm dâu Trung Quốc, làm dâu Hàn Quốc…

Những người làm sách hy vọng sẽ tạo nên một bộ sách cung cấp nhiều kỹ năng sống trong gia đình cho những người phụ nữ Việt Nam. Sau cuốn sách của Hà Anh, những tập sách khác như “Làm dâu nước Nhật“, “Làm dâu nước Pháp“, “Làm dâu nước Mỹ” sẽ dần được ấn hành.

Lấy chồng xứ lạ, cô gái nhỏ bé, nhạy cảm ngày nào nay biết mình đã trở thành một người phụ nữ tự chủ và đủ niềm tin để yêu thương. Hà Anh gọi gia đình nhỏ của mình là “tổ chim cu”. Cô tự hào về người chồng rất mực yêu thương vợ và hai đứa con bé bỏng: Tim – Long và Sophie – Linh. Cả hai bé đều nói tiếng Việt khá sõi, biết các bài hát thiếu nhi Việt Nam. Tết nào cô cũng gói bánh chưng, làm món ăn Việt. Hiện cả gia đình họ đang có mặt tại Hà Nội, ba bố con tíu tít cùng chúc mừng sách mới ra của mẹ.

Nội trợ là một công việc đáng được tôn trọng và có một vị trí xứng đáng trong các nghề nghiệp khác, nhất là ở phương Tây, nghề nội trợ được tôn trọng khá đúng mực. Nếu không có những người làm nghề nội trợ thì gia đình, nhân tố của xã hội sẽ đi đến đâu vì thế mình luôn tự hào trả lời rằng Tôi là một bà nội trợ.

….

Ban ngày chồng đi làm, bà nội trợ còn kiêm luôn chức giáo viên dạy con. Dạy đủ thứ trên đời, từ cách ăn cách nói, cách đi cách đứng cho đến cách đối nhân xử thế để cho sau này các con nên người. Ngoài ra, một bà nội trợ hiện đại ngày nay không chỉ dành hết thời gian cho chồng con mà còn tranh thủ thời gian cho mình để củng cố kiến thức, giúp mình không bị lạc hậu với thời cuộc và xã hội bên ngoài.

(Trích sách “Làm dâu nước Đức”)

Hà Anh “thú nhận” trong cuốn sách, Uwe Effenberger một mình đi làm và gánh vác vai trò kinh tế cho cả gia đình. Nhưng anh không đẩy công việc nhà về phía Hà Anh. Uwe Effenberger cũng dọn dẹp, nấu ăn, rửa bát, thậm chí cả khâu tất cho con gái.

Tại Hà Nội, anh bị “chất vấn” còn nhiều hơn cả Hà Anh về việc nam giới ở các nước phương Tây làm việc nhà như thế nào? Đó là một tò mò lớn của phụ nữ Việt, khi mà từ nhỏ đến lớn, họ đã nhìn thấy trong gia đình mình hình ảnh tảo tần, chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho con cháu của mẹ, của bà, và ở “mâm trên” trong mỗi dịp lễ tết, tiệc tùng là các anh, các chú, các ông, các bác…

Chia sẻ với độc giả VietNamNet, Uwe Effenberger nói: “Tôi làm việc nhà không kém Hà Anh. Tôi cho đó là một điều hoàn toàn tự nhiên và nói chung đàn ông phương Tây chúng tôi không có thắc mắc gì về điều này cả. Bố mẹ tôi cũng đã làm như thế, và đến bây giờ, thế hệ tôi lại tiếp tục. Tôi không biết nhiều về đàn ông Châu Á, nhưng tôi cũng có dịp quan sát họ trên đường phố. Trông họ rất “cool” với đôi tay luôn bận rộn trên chiếc điện thoại smart-phone” (cười).

Làm dâu nước Đức” là một câu chuyện hạnh phúc và cảm động, được kể rất giản dị ở những đoạn đầu và càng về sau, văn phong càng đằm thắm, lãng mạn. Lẩn quất trong đó những nỗi nhớ nhà, tinh thần hòa nhập, tiếp nhận văn hóa thế giới mà không quên hướng về nguồn cội. Nó cũng chứng minh thiên chức của người đàn ông và người phụ nữ trong gia đình, đó là đi tìm tiếng nói chung của sự chia sẻ, yêu thương.

Sự ra đời của cuốn sách và series sách “Làm dâu xứ lạ” (sắp tới) là một tín hiệu mừng. Đã đến lúc những bà mẹ trẻ Việt Nam được đọc sách do chính những bà mẹ trẻ Việt Nam viết nên chứ không phải là sách của “mẹ hổ” Trung Quốc, mẹ Nhật hay mẹ Mỹ…. Họ đang rải rác ở khắp nơi trên thế giới, từ những xứ sở xa xôi muốn gặp gỡ, sẻ chia với chị em trong nước bằng cái nhìn rộng mở cả về địa lý lẫn tầm thời đại.

Phan Hà Anh (Hà Anh Effenberger) sinh ngày 23.6.1981 tại Hải Phòng. Chị là tác giả cuốn sách “Hành trình đi tìm hạnh phúc” do Nhà xuất bản Lao động phát hành. Đã tham gia dịch tác phẩm “Hậu trường WikiLeaks” của tác giả Daniel Domscheit-Berg (Đức).

Trong cuộc thi Vận động sáng tác dành cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức, truyện ngắn Những bí mật trong tuần thiên nhiên của chị đạt giải tư. Cuốn sách mới nhất của chị mang tên “Làm dâu nước Đức”, phát hành tháng 06/2013.

Theo Hồ Hương Giang / Vietnamnet

 
Exit mobile version