Site icon Thời báo Việt Đức

Nhiều người Đức yêu cầu quyền bầu cử

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Nước Đức đang đứng trước thềm bầu cử Quốc hội, một sự kiện quan trọng và rất được mong đợi, không chỉ với dân Đức mà cả người Việt và những thành phần di dân khác.

Trong vòng vài tháng vừa qua, Hiệp hội “Mehr Demokratie” (tiếng Việt là: “Dân chủ hơn nữa!”) cũng như những cơ quan đoàn thể bảo vệ người tàn tật cũng như di dân đã lên tiếng đề nghị Đức áp dụng quyền bầu cử rộng rãi hơn.

85.000 dân không được tham gia bầu cử quốc hội

Đó là con số theo đài Deutschlandfunkkultur cung cấp. Điều đáng nói là những người này đã qua tuổi vị thành niên và mang quốc tịch Đức. Đó là những người tàn tật, phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người khác. Đài đã có buổi nói chuyện, trao đổi với ông Jürgen Dusel, một đại diện cho người tàn tật ở Brandenburg.

Ông Dusel cho biết: “Điều 29 trong Hiệp định bảo vệ người tàn tật của Liên Hiệp Quốc mà Đức đã cam kết thực hiện có ghi rõ rằng, người tàn tật được thực hiện quyền dân chủ của mình là tham gia bầu cử. Trong phiên tòa thẩm tra các quốc gia năm 2015, Đức bị chỉ trích và yêu cầu thay đổi.”

Tuy nhiên, ngoài bang Nordrhein-Westfalen và Schleswig-Holstein, thì 14 tiểu bang còn lại vẫn chưa hề có tiến triển mới trong việc này. Ông Dusel nêu một số lý do phản đối như người tàn tật không đủ trình độ và khả năng quyết định bầu cử, nếu cần đến hỗ trợ của người khác thì kết quả có thể bị sai lệch hoặc dễ dẫn đến gian lận.

Theo ông, đây chỉ là những thành kiến lỗi thời, giống như những định kiến của hơn 100 năm trước, khi người ta quyết định cho phụ nữ tham gia bầu cử. Trên thực tế, đúng là không thể cho phép tất cả 85.000 người tàn tật bỏ phiếu bầu cử, và cũng không thể áp dụng dự luật này ngay vào tháng 9 tới. Nhưng ông rất hi vọng đây sẽ là một mục tiêu quan trọng trong bản hợp đồng của phe liên minh.

Người tàn tật hiểu biết chính trị và muốn đi bầu

Như báo ZeitOnline đã đưa tin vào đầu tháng 6 vừa qua rằng, Bộ Lao động và Xã hội liên bang đã từng mở một khảo sát để xét duyệt quyền bầu cử qua giám định và quan sát từ nhiều phía của các chuyên gia. Kết quả đã được công khai từ hơn một năm nay, khiến nhiều người sửng sốt.

Theo đó, người cần sự chăm sóc toàn phần chưa hẳn cũng bị tàn tật toàn phần. Nhiều người bị thiểu năng trí tuệ nặng nhưng lại không thuộc diện cần chăm sóc toàn phần, bởi bản thân họ đã phải nằm viện lâu dài. Có thể nói, những người này hoàn toàn không thể tham gia vào đời sống xã hội nữa. Nhưng xét về luật pháp và trên văn bản thì họ lại vẫn có quyền bầu cử. Trong khi nhiều người chỉ là khuyết tật nhẹ, họ không phải nằm viện điều trị, nhưng để đề phòng nguy hiểm hay bất trắc có thể xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày, họ xin được nhận chăm sóc toàn phần. Họ vẫn tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng và xã hội, hiểu biết chính trị và có thể tự quyết. Họ muốn tham gia bầu cử.

Một số điều nghịch lý bị nhiều báo chí cũng như các hiệp hội lên tiếng phê phán ở đây chính là chỉ cần tòa đưa ra án quyết chỉ định chăm sóc toàn phần cho ai đó thì người này đồng thời cũng bị tước quyền bầu cử. Ví dụ cùng là người không còn năng lực hành vi dân sự, nhưng một người trước khi mất đi khả năng này đã làm một tờ ủy quyền chăm sóc (Vorsorgevollmacht) cho một người khác thì tòa án không thể tước của họ quyền bầu cử.

Người kia không làm tờ ủy quyền sẽ bị chỉ định chăm sóc toàn phần, đồng nghĩa với việc không được đi bầu cử nữa. Báo ZeitOnline nhấn mạnh, chính những người yếu thế nhất trong một xã hội lại càng cần có quyền được thay đổi, dù chỉ là những thay đổi nhỏ bé trong phạm vi gần.

Không chỉ như vậy, báo “Migazin” (Migration in Germany) mới đây đã đưa tin, hiệp hội “Mehr Demokratie” đề nghị cho phép cả người nước ngoài và di dân tại Đức cũng như thanh thiếu niên đủ 16 tuổi tham gia bầu cử quốc hội cấp liên bang. Ông Ralf-Uwe Beck, người đại diện ban điều hành liên bang của hiệp hội này, cũng nhấn mạnh: “Tất cả những phần tử liên quan đến đời sống xã hội và những chính sách trên đất nước này đều phải được lên tiếng biểu quyết. Quá trình hòa nhập tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào việc người di dân có được gánh vác những trách nhiệm chung hay không.” Hàng triệu người nước ngoài sống tại Đức rất lâu năm, nhưng chỉ vì không có quốc tịch Đức nên không được quyền tham gia chính trị.

Trong khi nhiều vấn đề xã hội như nạn thất nghiệp cũng như sự nghèo đói ngày càng gia tăng, giảm thiểu mức trợ cấp, thiếu chỗ nhà trẻ v.v… đều là lý do để những đảng phái phân biệt chủng tộc như AfD dựa vào đó bôi xấu và đổ lỗi cho người nước ngoài cũng như di dân tại Đức. Kết quả là nhiều người Đức tin vào những tuyên truyền sai này, quay ra chống đối người nước ngoài, bỏ phiếu cho AfD. Trong khi đó, cộng đồng người Việt đa số sống hợp pháp tại Đức, đi làm, đóng thuế, sinh sống như dân Đức, thậm chí có nhà riêng tại Đức, nhưng không phải dân EU, không hề được tham gia bất cứ cuộc bầu cử nào, không hề có quyền được quyết định sẽ đặt niềm tin, công sức lao động và đồng tiền mình nộp cho nhà nước vào tay ai, dùng để làm gì? Đó là một sự thiệt thòi lớn.

Cẩm Chi

Exit mobile version